Nơi giữ nhiều loài thực vật cổ cho vùng Đông Á

Các khu vực rừng núi thuộc tây nam Trung Quốc, miền bắc Việt Nam (nhất là các dãy núi Hoàng Liên Sơn, Tây Côn Lĩnh, Con Voi và tỉnh Cao Bằng) và một số nơi ở Trung Quốc giáp biên giới với Việt Nam hiện đang lưu giữ nhiều nhất các loài thực vật cổ.

Khoa học ngày nay

Nghiên cứu vừa công bố của 45 nhà khoa học quốc tế từ chín quốc gia, trong đó có các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái học miền nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy, các khu vực rừng núi thuộc tây nam Trung Quốc, miền bắc Việt Nam (nhất là các dãy núi Hoàng Liên Sơn, Tây Côn Lĩnh, Con Voi và tỉnh Cao Bằng) và một số nơi ở Trung Quốc giáp biên giới với Việt Nam (thuộc các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Hồ Nam) là các vùng trú ẩn ổn định cho các chi thực vật cổ đặc hữu. Những khu vực này hiện đang lưu giữ nhiều nhất các loài thực vật cổ.

Nghiên cứu cũng dự báo, đến năm 2070, diện tích phân bố nói chung của các loài thực vật cổ có thể sẽ mở rộng, nhưng các diện tích rừng có nhiều loài thực vật cổ nhất sẽ bị giảm đi. Diện tích phân bố các chi thực vật cổ đặc hữu cũng sẽ bị suy giảm. Có khoảng từ 73 đến 80% diện tích các vùng trú ẩn của những loài thực vật cổ đang nằm ngoài hệ thống các khu bảo tồn. Do đó, để duy trì sự đa dạng di truyền, bảo đảm cho chúng tồn tại lâu dài, cần gấp rút thành lập thêm các khu bảo tồn ở các khu vực miền núi trong vùng đồng bằng Tứ Xuyên và vùng đông nam đến phía bắc tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc, cũng như vùng Hoàng Liên Sơn và các tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam.

Cảm biến đo lượng khí thải CO2

Các nhà nghiên cứu châu Âu đang phát triển một cảm biến thu nhỏ có thể đo chính xác lượng khí thải CO2 từ những thành phố và các nhà máy điện. Khi đặt lên một chùm các vệ tinh nhỏ, thiết bị có thể theo dõi những dao động về phát thải khí nhà kính hằng ngày. Các vệ tinh dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối những năm 2020.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, cảm biến thu nhỏ có thể đóng góp vào nỗ lực giám sát CO2 từ không gian, có thể giúp Liên hiệp châu Âu xác định các quốc gia có đạt được cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính hay không.

Trí tuệ nhân tạo phát hiện bệnh trầm cảm

Các nhà khoa học của Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã sử dụng một thuật toán máy để phân tích gần nửa triệu đoạn post trên Facebook trong suốt bảy năm của 684 người tình nguyện tại Phi-la-đen-phi-a để phát hiện trường hợp bị bệnh trầm cảm.

Trong quá trình tìm kiếm và xác định dấu hiệu trầm cảm dựa trên các đoạn post, máy nhận thấy, những người có nguy cơ mắc bệnh cao thường sử dụng nhiều ngôn từ ở ngôi thứ nhất, phát hiện này khá tương đồng với nhiều nghiên cứu trước đó. Thuật toán đã dự đoán người bị trầm cảm sớm hơn khoảng ba tháng so kết quả chẩn đoán của bác sĩ tâm lý. Mặc dù vậy, không thể thay thế được vai trò của bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý, bởi có nhiều yếu tố ảnh hưởng tâm trạng của con người. Tuy nhiên, nếu kết hợp kết quả phân tích từ dữ liệu mạng xã hội với các tiêu chí khác sẽ là một công cụ mạnh mẽ giúp kịp thời nắm bắt và điều trị sớm bệnh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/38430102-noi-giu-nhieu-loai-thuc-vat-co-cho-vung-dong-a.html