Nơi gìn giữ những phong tục cổ truyền người Khmer ở phum sóc

Đối với đồng bào Khmer, nhà Sala được xem là kiểu nhà hội của phật tử, giảng đường của những sư sãi, là nơi tiếp khách trong những ngày lễ, Tết trong năm của đồng bào Khmer. Không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đây còn là biểu tượng của lòng tín ngưỡng.

Nhà Sala chùa Luông Bassac Bãi Xàu được trưng dụng để thuyết giảng, tổ chức sinh hoạt văn hóa, bàn bạc các vấn đề quan trọng của phum sóc. Ảnh: Phương Nghi

Nhà Sala chùa Luông Bassac Bãi Xàu được trưng dụng để thuyết giảng, tổ chức sinh hoạt văn hóa, bàn bạc các vấn đề quan trọng của phum sóc. Ảnh: Phương Nghi

Ngày nay, do quá trình phát triển các ngôi nhà Sala dần được xây dựng theo quy cách hiện đại, gồm phòng chính để cử hành lễ dâng cơm, phòng tiếp khách, nơi biểu diễn dàn nhạc ngũ âm tế lễ..., nhưng vẫn còn nhiều chùa như chùa Kh'leang (thành phố Sóc Trăng), chùa Luông Bassac Bãi Xàu (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) hay chùa Xiêm Cán (thành phố Bạc Liêu), chùa Cái Giá Chót (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), chùa Âng (thành phố Trà Vinh), chùa Hang (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh)..., ngôi nhà Sala vẫn còn giữ được nét đẹp kiểu nhà sàn truyền thống xây bằng gỗ.

Nhà Sala của chùa là một ngôi nhà sàn bằng gỗ, mặt sàn cách mặt đất khoảng 1 – 1,5m, trụ cột được xây bằng gỗ và bê tông có nền rộng, không có hàng rào. Sàn là các thanh gỗ ghép lại với nhau. Mặt bằng sàn được phân chia thành các khu vực có kích thước và độ cao thấp khác nhau, phù hợp với chức năng sử dụng và vị trí ngồi hành lễ của các chức sắc sư sãi trong chùa. Gian giữa là gian lớn nhất, có bàn thờ Phật Thích Ca nhưng đơn giản hơn so với chánh điện. Đây cũng là nơi dùng để cử hành lễ dâng cơm, nơi các phật tử bàn bạc, chuẩn bị lễ vật trước khi lên chánh điện hành lễ theo nghi thức cổ truyền của dân tộc. Trên vách và trên trần Sala được trang trí các phù điêu và hoa văn như kỳ lân, cà ri, ngọn lửa... các hình chạm, đắp nổi những đề tài phổ biến như hình tượng thần Rehu, Keyno, chằn Yeak...

Ngoài chức năng chính là thực hiện các hoạt động nghi thức tôn giáo, Sala còn là nơi các sư sãi học tập và cho du khách tham quan tìm hiểu về một trong những kiến trúc văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer Nam bộ.

Đối lập với vẻ trang trọng, đồ sộ của chánh điện, nhà Sala của chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) ẩn chứa nét đẹp cổ kính của nghệ thuật kiến trúc Khmer. Ngày nay, nhiều công trình, hạng mục trong chùa đã được xây dựng theo khuynh hướng cách tân, song duy chỉ có Sala vẫn còn được giữ nguyên kết cấu xưa cũ. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi sự kết hợp hài hòa của lối kiến trúc hiện đại pha lẫn truyền thống. Đặc biệt, Sala còn là nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ phục vụ du khách như: Múa Apsara, biểu diễn nhạc ngũ âm...

Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán cho biết: “Từ lâu, chùa Xiêm Cán được xem là một trong những ngôi chùa cổ và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer Nam bộ. Chính việc gìn giữ tốt yếu tố truyền thống mà hiện thân là Sala đã góp phần tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng phật tử Khmer, du khách thập phương. Thời gian qua, Ban trị sự chùa và đồng bào Khmer địa phương đã bảo tồn và phát huy giá trị của công trình văn hóa, tôn giáo này bằng việc giáo dục tư tưởng thế hệ trẻ, thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống để mọi người thấu hiểu hơn nữa tầm quan trọng của Sala”.

Ngoài phục vụ du lịch, ý nghĩa chính của Sala là giảng đường học tập phật pháp, tu hành của sư sãi. Từ khi khánh thành ngôi Sala vào năm 2017, Ban trị sự và phật tử chùa Luông Bassac Bãi Xàu (thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) vô cùng phấn khởi. Theo ông Sơn Sal, A cha chùa Luông Bassac Bãi Xàu cho biết: “Trước đây, ngôi Sala của chùa đã xuống cấp khá nghiêm trọng làm cho nhiều hoạt động văn hóa, tôn giáo không được duy trì thường xuyên. Ý thức được tầm quan trọng của Sala, đồng bào Khmer địa phương đã chung sức, góp của xây dựng ngôi giảng đường khang trang. Vào những ngày đại lễ, Sala chính là nơi đón tiếp, chiêu đãi khách quý. Còn những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, phật tử thường hay rủ nhau đến Sala để hành lễ Phật Thích Ca, dâng cơm, dâng y, cúng dường. Sala còn được trưng dụng để thuyết giảng, tổ chức sinh hoạt văn hóa, bàn bạc các vấn đề quan trọng của phum sóc”.

Còn ông Thạch Khâm, ở ấp Phnô Cam Bốth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng là người có uy tín trong đồng bào Khmer nói: “Nhờ có Sala mà các phong tục, lễ hội văn hóa cổ truyền của đồng bào Khmer được duy trì thường xuyên. Đến đây, bà con được hướng đạo theo những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó tiếp cận và thực hiện tốt các chính sách, thắt chặt tinh thần đoàn kết trong các dân tộc anh em”.

Với ý nghĩa là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa phum sóc, nhà Sala đã và đang góp phần tôn vinh nét đẹp kiến trúc chùa Khmer. Mong rằng, đồng bào Khmer tiếp tục bảo tồn và phát huy vai trò của nhà Sala, để nơi đây mãi là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của phum sóc.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-gin-giu-nhung-phong-tuc-co-truyen-nguoi-khmer-o-phum-soc/