Nổi giận với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không buông S-400

Sự bất đồng, mâu thuẫn giữa Moscow và Ankara về tình hình Idlib ở Syria sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với việc bàn giao các hệ thống tên lửa phòng không S-400 nói riêng cũng như quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung. Đây là phát biểu vừa được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đưa ra hồi cuối tuần sau cuộc hội đàm giữa ông này với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bên lề Hội nghị An ninh Munich.

Tên lửa S-400

Tên lửa S-400

"Chúng ta không thể thay đổi các chính sách và lập trường nguyên tắc của mình vì những bất đồng nảy sinh với nước này hay nước khác. Chúng ta không được để các vấn đề ở Syria làm phương hại đến các mối quan hệ cũng như sự hợp tác của chúng ta", Ngoại trưởng Cavusoglu nhấn mạnh.

Tình hình ở Idlib đang xấu đi nghiêm trọng sau khi nỗ lực mới nhất của quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở đây bị đổ vỡ bởi chiến sự leo thang nhanh chóng.

Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đổ lỗi cho nhau về chiến sự bùng phát ác liệt ở Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần vừa rồi đã phản pháo mạnh mẽ lời cáo buộc của Nga về việc nước này không tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận năm 2018. Ankara nhấn mạnh rằng họ vẫn đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình ở Idlib – thành trì lớn cuối cùng còn lại của phe nổi dậy Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 chốt chặn an ninh ở tỉnh tây bắc Idlib sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký một thỏa thuận năm 2018 nhằm ngăn không cho Damascus phát động chiến dịch đánh vào Idlib. Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, có tới 4 chốt chặn an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang nằm trong vùng lãnh thổ do chính quyền Syria kiểm soát.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã rơi vào một cuộc khẩu chiến về tình hình Idlib sau khi quân đội trung thành với Tổng thống Assad dưới sự hậu thuẫn của Moscow phát động một chiến dịch quân sự quyết liệt nhằm giành lại tỉnh Idlib.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không “tách biệt giữa phe đối lập ôn hòa với lực lượng khủng bố".

Tình hình ở Idlib hiện tại được cho sẽ là phép thử đối với mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy ủng hộ các phe phái đối lập nhau ở chiến trường Syria nhưng hai nước này đang hợp tác với nhau để tháo gỡ tình hình ở quốc gia Trung Đông. Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng trở nên gắn bó hơn khi hai nước ký hợp đồng mua bán tên lửa S-400 bất chấp sự phản đối quyết liệt của Mỹ và NATO.

Mâu thuẫn mới nổi lên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở chiến trường Syria khiến một số người đặt câu hỏi về hợp đồng S-400. Tuy nhiên, khẳng định của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, nước này vẫn quyết liệt theo đuổi hợp đồng S-400 cũng như duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Với sức mạnh ấn tượng của S-400, danh sách khách hàng quan tâm đến loại vũ khí này của Nga liên tục tăng lên. Năng lực đỉnh cao của hệ thống tên lửa S-400 đang hút khách ở những thị trường vốn lâu nay được độc chiếm bởi phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Đến thời điểm này, đã có 6 quốc gia được cho là đang tham gia vào các giai đoạn khác nhau của qua trình đàm phán nhằm có được quyền sở hữu các tên lửa S-400 Triumf hay còn gọi là SA-21 Growler của Nga. Moscow đã ký hợp đồng bán S-400 cho hai nước là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, Bắc Kinh và Ankara đều đã nhận được các hệ thống S-400. Ấn Độ, Qatar và Ả-rập Xê-út vẫn đang đàm phán với Nga về những chi tiết cụ thể của một hợp đồng mua bán S-400. Trong khi đó, Serbia được cho là đang để ý đến S-400 của Nga.

Nguồn VnMedia: https://vnmedia.vn/quan-su/202002/noi-gian-voi-nga-tho-nhi-ky-van-khong-buong-s-400-1156719/