Nơi duy nhất nào thờ bà Chúa Bói?

Sau khi học được phép thuật, bà dành hết cuộc đời mình để làm phúc cho dân lành. Mỗi lần ra trận, vua đều cho người đến thỉnh cầu, nhờ chúa bà bấm đốt tay, xem lành dữ và hỏi chuyện quân cơ, mưu lược, bày binh bố trận.

Tỉnh Bắc Giang ở nước ta có đền thờ bà Chúa Bói. Theo Cổng thông tin điện tử Bắc Giang, đền Nguyệt Hồ (đền bà Chúa Bói) là một trong những di tích cổ gắn liền truyền thống lịch sử văn hiến của Bắc Giang. Ngôi đền nằm ở vùng đất có nhiều di tích thuộc thượng lưu dòng sông Thương, xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Thần tích và truyền thuyết ở vùng Bo (Yên Thế) cho biết: “Đệ nhị Nguyệt Hồ là bà Chúa Bói dưới thời Hùng Vương. Tương truyền, chúa bà Nguyệt Hồ vốn người thôn nữ ở đất Bắc Giang. Sau khi học được phép thuật, bà dành hết cuộc đời mình để làm phúc cho dân lành. Mỗi lần ra trận, vua đều cho người đến thỉnh cầu, nhờ chúa bà bấm đốt tay, xem lành dữ và hỏi chuyện quân cơ, mưu lược, bày binh bố trận”.

Lễ hội đền bà Chúa Nguyệt Hồ được tổ chức ngày 15/2 Âm lịch. Trong lễ này, nhân dân vùng Bo rước kiệu từ đình Bố Hạ về đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Hội đền Nguyệt Hồ nằm trong không gian chung của tín ngưỡng thờ Mẫu ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Tỉnh Bắc Giang là quê hương của trạng nguyên Giáp Hải. Trạng nguyên Giáp Hải (1515-1585) còn được gọi là Trạng Kế, người làng Dĩnh Kế, xã Dĩnh Kế, nay thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông là danh nhân khoa bảng tiêu biểu của cả nước, thi đỗ trạng nguyên năm 1538 dưới triều nhà Mạc. Ngoài Giáp Hải, Bắc Giang cũng là quê hương của trạng nguyên Đào Sư Tích, thám hoa Hoàng Sầm...

Cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài gần 30 năm ở Bắc Giang do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913). Hoàng Hoa Thám đã tập hợp và rèn luyện những con người tầm thường thành đội ngũ mạnh mẽ để chống lại thực dân Pháp xâm lược. Địa bàn cuộc khởi nghĩa tập trung ở vùng Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Tiến sĩ Thân Nhân Trung, người nói "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", ở huyện Việt Yên của tỉnh Bắc Giang? Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1419-1499) từng giữ chức Đông các đại học sĩ thời Hậu Lê. Sinh thời, vâng mệnh vua Lê Thánh Tông, ông soạn bài ký cho tấm bia tại Văn Miếu - Quốc Tử giám: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí".

Huyện Lục Ngạn ở Bắc Giang được xem là thủ phủ của cây vải thiều nước ta. Lục Ngạn là huyện miền núi, có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Đông bắc Bắc Bộ, phía Đông giáp Quảng Ninh, phía Bắc giáp Lạng Sơn, phía Tây giáp Thái Nguyên và thành phố Hà Nội, phía Nam giáp Bắc Ninh và Hải Dương. Bắc Giang có diện tích tự nhiên 3.849,5 km2.

Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/noi-duy-nhat-nao-tho-ba-chua-boi-1376244.html