Nơi duy dưỡng cuộc sống trước căn bệnh thế kỷ

BV 09 nằm ngay mặt đường 70 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Những bệnh nhân đến điều trị và nằm nội trú tại đây đều là những người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Và bên họ, những người khoác áo blouse trở thành chỗ dựa duy nhất, chăm sóc họ đến giây phút cuối cùng…

Ban đầu, BV 09 chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, là các học viên tại các trại tạm giam, trung tâm lao động xã hội, sau này tiếp nhận thêm bệnh nhân tại cộng đồng. Thành phần bệnh nhân khá phức tạp từ người nghiện ma túy, gái bán dâm, hoặc người bị gia đình bỏ rơi khi phát hiện bị nhiễm HIV. BV có khoảng 100 giường bệnh, 170 cán bộ y, bác sĩ. Và phía sau cánh cổng BV không chỉ có nỗi đau của bệnh nhân mà còn có những tâm tư tình cảm của các y bác sĩ, những người đang hàng ngày làm công tác điều trị tại đây.

Đội ngũ y bác sĩ BV 09 luôn nhiệt tình, hết lòng vì người bệnh nhiễm HIV/AIDS. Ảnh tư liệu

Có thể nói các y bác sĩ tại đây đã làm cho BV này trở thành ngôi nhà thứ 2, thậm chí là duy nhất đối với nhiều bệnh nhân. Thế nhưng chính những bác sĩ, nhân viên y tế ở BV 09 lại luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Họ thậm chí bị bệnh nhân, người nhà dọa dẫm, hành hung. Đa số các bệnh nhân đến đây không một đồng xu dính túi. Mọi chi phí sinh hoạt và khám chữa bệnh đều được miễn phí. Nhiều trường hợp BV phải bỏ tiền để hỗ trợ cho bệnh nhân.

Với đặc thù công việc thường xuyên phải tiếp xúc với những bệnh nhân mang căn bệnh thế kỷ, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng hơn một nửa cán bộ ở đây là nữ. Điều dưỡng Bùi Thị Hiên chia sẻ: “Sau 2 năm làm việc ở BV, tôi đã gạt bỏ được sự sợ hãi ban đầu đối với các bệnh nhân HIV/AIDS”. Làm việc tại BV 09, nhiều các bộ, y bác sĩ phải chịu thiệt thòi, thậm chí… bị kỳ thị như người mắc bệnh. Chị Hiên kể, tài xế taxi từng từ chối chở chị về BV. Nhiều y tá, điều dưỡng gặp sóng gió tình cảm vì điều trị cho các bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ. Thậm chí, chị Hiên kể, chị đã bị hủy hôn khi gia đình chồng chưa cưới nghe tin chị làm việc tại đây.

Mong muốn chung của bệnh nhân HIV/AIDS và những y bác sĩ ở đây là xã hội hãy gạt bỏ những quan niệm nặng nề, sự miệt thị đối với người bệnh. Có như vậy người bệnh mới có quyết tâm “chiến đấu” với căn bệnh này để hòa nhập trở lại với cộng đồng và các thầy thuốc có thêm sức mạnh để giành giật cuộc sống cho người bệnh.

Là người công tác ở BV 09 ngay từ ngày mới thành lập hồi đầu thập niên 90, bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Hưng bồi hồi kể lại nhiều câu chuyện đau thương. Ông không giấu nổi nỗi buồn: Chẳng riêng gì những người mang trong mình căn bệnh HIV mới bị phân biệt đối xử, ngay cả chúng tôi - những BS điều trị - cũng đối mặt với sự kỳ thị đến đau đớn. Khi tham gia hội thảo, sau khi giới thiệu làm ở BV 09, một số người đầu tiên thể hiện thương cảm nhưng sau đó họ giữ một khoảng cách giao tiếp nhất định. Tôi chỉ còn biết thở dài. Đến cả hàng quán dịch vụ xung quanh BV này, người ta cũng ra chiều khó chịu, gượng ép khi đón tiếp chúng tôi.

BS Hưng cho biết thêm, thiệt thòi hơn cả là những nữ đồng nghiệp trẻ, họ không thể lập gia đình cũng bởi sự kỳ thị nghiệt ngã đó. Nhưng BS Hưng cũng khẳng định, chưa bao giờ hối hận khi lựa chọn nghề nghiệp: “Chúng tôi bây giờ là những chiến sĩ thầm lặng chống HIV. Tuy không được vinh danh như những anh hùng trận mạc nhưng cảm thấy mình giúp ích cho đời".

Gắn bó với người bệnh HIV đến nay đã sang năm thứ 11, trải qua không ít thăng trầm, điều dưỡng Nguyễn Thanh Thủy vẫn luôn dành nhiệt huyết chăm sóc những bệnh nhân “đặc biệt” - đồng nhiễm HIV và lao. Trò chuyện với chúng tôi, chị cho biết, các bác sĩ, điều dưỡng làm việc rất vất vả, cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa phù hợp với mô hình một BV đặc thù. Ngoài những chia sẻ về nghề, chị còn nỗi niềm trăn trở về bệnh nhân, họ đều là những người thiếu thốn tình cảm, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ do không được người thân chăm sóc. Mọi việc đều phó mặc bác sĩ, điều dưỡng BV.

“Chúng tôi chăm sóc người bệnh bằng cái tâm. Người bệnh ở đây đến rồi lại đi, nhiều người coi đây như chốn đi, về của họ. Vì thế, bệnh nhân và các y, BS luôn cảm thấy thân tình” - chị chia sẻ. Mặc dù luôn đối mặt với hiểm nguy và nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng chưa bao giờ điều dưỡng Nguyễn Thanh Thủy có ý định rời bỏ nơi đây.

Có thể nói những người tận tâm với công việc như điều dưỡng Tụy, Hiên, Thủy… cùng đội ngũ y BS hiện tại ở BV 09 đã gửi đi thông điệp tới cộng đồng rằng mọi người hãy mở lòng hơn với người bệnh. “Họ đã đau về thể xác rồi, đừng để họ đau thêm về tinh thần. Những lúc cuối đời, họ cần hơi ấm của tình thân, đừng để họ cô đơn, lạnh lẽo thêm”, chị Thủy chia sẻ. Có lẽ trăn trở của chị Thủy cũng là trăn trở của những thầy thuốc áo trắng của BV 09 và sự trăn trở đó chỉ chấm dứt khi gia đình, xã hội có những cái nhìn tích cực hơn đối với những người bị nhiễm HIV. Dù họ đã làm sai trong quá khứ, nhưng họ đã muốn quay đầu thì chúng ta nên dang rộng vòng tay để tạo cho họ điểm tựa, âu đó cũng là nét văn hóa của dân tộc.

Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nguyễn Đình Tụy cho biết: “Khoa Hồi sức cấp cứu hiện có 15 bệnh nhân, nhiều người trong tình trạng bị bệnh nhiễm trùng cơ hội, bị các bệnh như nấm, lao… Số người bệnh có người thân chăm sóc như K không nhiều và đó là may mắn của họ. Rất nhiều người đến BV 09 trong tình cảnh chỉ có một bộ quần áo trên người, không tài sản, không người thân. Đến đây, họ mới có được cái ăn, có được chỗ nằm và được điều trị. Đáng thương là vậy, nhưng nhiều người đã bỏ rơi những bệnh nhân này trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời”.

Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nguyễn Đình Tụy cho biết: “Khoa Hồi sức cấp cứu hiện có 15 bệnh nhân, nhiều người trong tình trạng bị bệnh nhiễm trùng cơ hội, bị các bệnh như nấm, lao… Số người bệnh có người thân chăm sóc như K không nhiều và đó là may mắn của họ. Rất nhiều người đến BV 09 trong tình cảnh chỉ có một bộ quần áo trên người, không tài sản, không người thân. Đến đây, họ mới có được cái ăn, có được chỗ nằm và được điều trị. Đáng thương là vậy, nhưng nhiều người đã bỏ rơi những bệnh nhân này trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời”.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/noi-duy-duong-cuoc-song-truoc-can-benh-the-ky-122884.html