Nội dung trò chuyện qua điện thoại của Tổng thống Mỹ được bảo vệ ra sao?

Lời chất vấn của các nghị sĩ Hạ viện trong phiên điều trần luận tội mới đây đã phơi bày cách xử lý đối với các cuộc gọi mà Tổng thống Mỹ là người tiếp nhận.

Một quan chức tình báo Mỹ đã cáo buộc ông Trump giữ bản tóm tắt của cuộc gọi giữa mình và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky trong một không gian điện tử bảo mật để phục vụ cho mục tiêu chính trị, không nhằm đảm bảo an ninh quốc gia như Tổng thống từng khẳng định. Đầu tiên, bản ghi này chỉ được gắn nhãn “bảo mật”, song ít lâu sau đột nhiên được đổi thành “tuyệt mật”, tức chỉ một vài cá nhân có quyền hạn cao nhất mới được tiếp cận.

Điều này chứng tỏ từ lâu các quan chức trong Nhà Trắng đã ý thức được tính chất nhạy cảm về mặt chính trị của cuộc gọi, nhưng lại che giấu bí mật đó với các chính khách bên ngoài. Các nhà phê bình tin rằng trong quá trình trò chuyện, ông Trump đã cố thuyết phục lãnh đạo Ukraine điều tra đối thủ của ông, tức Phó Tổng thống Joe Biden, nhằm phục vụ cho mục đích chính trị.

Cụ thể, ông muốn mượn tay Ukraine để bôi nhọ ông Biden, người đang tạm dẫn đầu phe Đảng Dân chủ để tranh cử Tổng thống vào tháng 11/2020. Chính vì màn thỏa thuận ngầm này mà những cánh tay đắc lực của ông Trump trong Nhà Trắng phải tìm cách ém nhẹm nội dung cuộc gọi đi.

Đáp lại cáo buộc này, Tổng thống Trump phủ nhận tất cả, từ việc xử lý bản ghi tóm tắt cuộc điện thoại cho đến quy trình lưu trữ đều không khác gì các cuộc gọi từ trước đến nay. Theo thường lệ, các quan chức từ hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSC) sẽ tóm lược nội dung cần bàn với Tổng thống trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với lãnh đạo nước khác. Sau đó, ít nhất hai thành viên của NSC sẽ túc trực tại Phòng Bầu dục trong lúc Tổng thống trao đổi trên điện thoại.

Tại một căn phòng an toàn khác trong Nhà Trắng, một số nhân viên khác sẽ phụ trách việc lắng nghe nội dung cuộc gọi và chép lại. Bản tốc ký của họ được gọi là “memcon”.

Ông Trump rơi vào vòng chất vấn của các quan chức trong phiên điều trần luận tội.

Ông Trump rơi vào vòng chất vấn của các quan chức trong phiên điều trần luận tội.

Các cuộc gọi của tổng thống với các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng được ghi lại bằng máy tính. Tiếp đến, các quan chức sẽ so sánh nội dung bản tốc ký viết tay của nhân viên với bản được máy móc ghi lại, kết hợp hai phần này thành một bản tài liệu hoàn chỉnh. Các nhân viên cần nỗ lực đảm bảo chúng sát với thực tế nhất có thể, miễn là thời gian và tài nguyên cho phép.

Theo lời người tố giác, có khoảng 10 quan chức đã nghe buổi trò chuyện giữa ông Trump và ông Zelensky. Đôi khi, Tổng thống sẽ yêu cầu mở cuộc họp vô cùng chớp nhoáng trước khi bắt đầu thương thảo qua điện thoại. Vì thời gian cấp bách nên đội ngũ phân tích thường bao gồm nhiều thành viên có trình độ chuyên môn khác nhau. Một cựu quan chức NSC cho biết trong thời gian nhậm chức, ông đã vài lần được yêu cầu làm nhiệm vụ này vào phút chót.

Quyền hạn phân loại mức độ bảo mật của cuộc gọi nằm trong tay văn phòng thư ký điều hành của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Nếu bản ghi chứa thông tin có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hoặc tính mạng cá nhân, nó có thể được gắn nhãn “tuyệt mật” và lưu giữ ở nơi được bảo vệ nghiêm ngặt. Andrew Miller, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đang tham gia Dự án Dân chủ Trung Đông, phát biểu: “Tôi không thấy bản ghi chép cuộc gọi có gì hệ trọng đến mức phải phân loại là tuyệt mật. Hành động này rõ ràng phục vụ cho lợi ích chính trị”.

Ông Trump trò chuyện cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2017, bên cạnh là các quan chức có nhiệm vụ ghi chép.

Mang trên mình nhãn “tuyệt mật” đồng nghĩa với việc tài liệu này chỉ những ai có quyền hạn cao nhất trong chính phủ Mỹ mới được phép động vào. Trong suốt thời gian đó, nó được lưu trữ trên Jwics, tên viết tắt của Joint Worldwide Intelligence Communications System (Hệ thống thông tin tình báo chung toàn thế giới), mạng lưới hoạt động của cơ quan tình báo toàn cầu.

Những bản ghi thông thường sẽ được bảo vệ ở một nơi an toàn, nhưng độ ưu tiên và tính chất quan trọng không được chú ý đến mức này. Khi được phân loại “bảo mật” thay vì “tuyệt mật”, các quan chức sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận bản ghi hơn và thảo luận, tìm hiểu sâu hơn về nội dung trao đổi của Tổng thống.

Ông Kudlow và các cố vấn khác bên cạnh Tổng thống liên tiếp bác bỏ lời cáo buộc của người tố giác, đồng thời khẳng định bản thân cuộc gọi và quy trình xử lý vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, lời tuyên bố này không thể giúp ông Trump thoát khỏi cáo buộc lạm dụng quyền lực.

“Tính năng phân loại cuộc gọi được thiết lập để bảo vệ tính mạng”, Brett Bruen, một quan chức Nhà Trắng từng phục vụ trong chính quyền Obama nói. “Nếu chúng trở thành công cụ để bảo vệ vị thế chính trị của Tổng thống, thì chúng ta thực sự đã mất đi một hệ thống phân loại an ninh đáng tin cậy”.

Ý kiến này được ông Miller hết sức ủng hộ. Trong giây phút tuyên thệ lòng trung thành trước khi bước vào Nhà Trắng, họ đang hướng về Hiến pháp Hoa Kỳ chứ không phải Tổng thống hay bất cứ cá nhân nào khác. “Lòng trung thành của bạn nên dành cho đất nước, không thiên vị cho cá nhân nào”, ông tuyên bố.

Thanh Vân (Theo BBC)

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/noi-dung-tro-chuyen-dien-thoai-cua-tong-thong-my-duoc-bao-ve-ra-sao-6620411.html