Nội dung kiến nghị và trả lời của Bộ Y tế (tiếp theo kỳ trước)

Nội dung kiến nghị: Xử lý các vụ việc vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ đã thực hiện: Trong phạm vi chuyên môn thuộc thẩm quyền, Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ xác định nguyên nhân, hướng dẫn, xử lý, khắc phục hậu quả sự cố (khi địa phương yêu cầu); khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm thì đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, xử lý vi phạm theo thẩm quyền; cụ thể là các vụ việc: Vụ việc gian dối trong tiếp nhận nguyên liệu tại Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được phụ huynh giám sát phát hiện vào cuối tháng 2/2019; vụ việc 352 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy vào ngày 5/10/2018; vụ việc 209 học sinh Trường Mầm non Xuân Nộn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội bị ngộ độc thực phẩm vào ngày 15/11/2018; vụ việc 170 học sinh của Trường Tiểu học bán trú Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có biểu hiện buồn nôn, đi ngoài sau khi ăn trưa tại trường vào ngày 03/10/2018.

Nội dung kiến nghị: Giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ đã và đang thực hiện: Phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm, thanh tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

Chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành văn bản số 278/TTg-KGVX ngày 28/2/2018 trong đó tập trung triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm; 2) Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp; (3) Phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm (trong đó tập trung phòng chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học, bếp ăn tập thể khu công nghiệp/khu chế xuất); (4) Hoàn thiện chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồng bộ với quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất an toàn; (5) Quản lý an toàn thực phẩm theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; (6) Bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm theo dự toán. Tăng cường xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và một số khâu dịch vụ kỹ thuật; thực hiện tốt việc đánh giá, công nhận các cơ sở thực hiện xã hội hóa quản lý an toàn thực phẩm và chỉ định các cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm tham gia kiểm định, giám định chất lượng thực phẩm; phối hợp với hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội; (7) Tăng cường công tác thông tin giáo dục, truyền thông; (8) Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm tại các tuyến.

Thành lập Hệ thống labo hiện đại, xét nghiệm kiểm tra theo tiêu chuẩn của quốc tế để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân: Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020… Đến nay, ngành Y tế đã có Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia được thừa nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế, 3 trung tâm kiểm nghiệm khu vực và hơn 40 đơn vị kiểm nghiệm tại các tỉnh/thành phố đáp ứng cơ bản nhu cầu (đạt chuẩn ISO/IEC 17025).

Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm: Từ năm 2016, đã có chương trình giám sát tối cao của Quốc hội về việc chấp hành chính sách và pháp luật an toàn thực phẩm… Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó nhấn mạnh nội dung “lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn”.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/noi-dung-kien-nghi-va-tra-loi-cua-bo-y-te-tiep-theo-ky-truoc-tintuc450730