Nơi đong đầy yêu thương

Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Nhà giáo Ưu tú Võ Thị Thúy Quyên - Trường THPT Thái Hòa (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) quan niệm, Lớp học hạnh phúc là nơi tạo nên hứng thú dạy học cho cả thầy và trò.

Cô Quyên cùng học trò của mình. Ảnh: NVCC

Cô Quyên cùng học trò của mình. Ảnh: NVCC

Bắt đầu từ tiết học hạnh phúc

Cô Quyên chia sẻ, để xây dựng Lớp học hạnh phúc, cô bắt đầu từ những tiết học hạnh phúc. Thông thường tiết dạy đầu tiên của năm học mới, cô thường dành 20 phút để “làm quen” với học trò nhằm nắm bắt đặc điểm tâm lý của từng học sinh trong lớp. Trước khi tiết học được bắt đầu, cô luôn chuẩn bị kiến thức để trình bày và đặt ra những vấn đề HS có thể không hiểu. Cô quan sát tất cả các em trong lớp, nắm bắt khả năng tiếp thu kiến thức bài học của học trò để điều chỉnh kế hoạch giảng dạy của mình. “Điều đó có nghĩa là GV phải linh hoạt, còn HS phải “linh động”. GV cũng phải trả lời một cách uyển chuyển, khi nào nghiêm túc, khi nào hài hước, khi nào cần khiển trách mà không làm các em tự ái hay tổn thương. Đó là nghệ thuật, kỹ năng riêng của từng GV” - cô Quyên chia sẻ.

GV môn Giáo dục công dân nên cô Quyên luôn ý thức rằng, mọi cử chỉ, hành động, lời nói, thái độ của mình không được tùy tiện. Cô có thể cười, nói, thực hiện “ngôn ngữ thân thể” theo đề nghị của học trò. “Tất nhiên, không được lố bịch. Tôi giải thích ý nghĩa, những ưu, nhược điểm khi thực hiện các yêu cầu mà học sinh đề xuất với cô giáo. Tôi dạy các em từ lời ăn tiếng nói cho đến ứng xử trong giao tiếp, hoạt động xã hội; quan trọng là phải có thái độ sống tích cực” – cô Quyên trao đổi.

Cô không phân biệt lớp chủ nhiệm hay lớp giảng dạy. Cô cũng không phân biệt HS nam hay nữ… Tất cả đều bình đẳng, thân thiện và luôn ngập tràn yêu thương. Những ngày lễ, tết, cô và HS thường vận dụng các phần mềm của mạng xã hội để làm những tấm thiệp chúc nhau. Cô còn nhớ, có HS lớp 11 đã gửi thiệp chúc mừng cho cô với dòng chữ vừa hài hước, vừa dí dỏm nhưng cũng rất đỗi thân thương và đáng yêu: Cảm ơn đã luôn là cô bạn ngọt ngào đáng yêu!... “Những lúc như thế, tôi thấy hạnh phúc được đong đầy” - cô Quyên trải lòng.

Cô Võ Thị Thúy Quyên luôn thân thiện với học trò. Ảnh: NVCC

Tâm huyết trong từng bài giảng

Cô Quyên chia sẻ, một trong những lý do quan trọng để giáo viên luôn được HS tin yêu, quý trọng đó là phải thực sự tâm huyết với từng bài giảng. Theo đó, cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và áp dụng các kỹ thuật dạy học hiện đại để học sinh không bị nhàm chán. Cô quan niệm, áp dụng phương pháp và các kỹ thuật dạy học mới không có nghĩa là loại bỏ phương pháp dạy học truyền thống. “Để học sinh tiếp thu kiến thức tốt và tiết học thành công thì người dạy cần biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp dạy học cũ và mới” - cô Quyên nhấn mạnh.

Cô Quyên dẫn giải, chẳng hạn như: Tổ chức cho HS thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học mới, giúp các em hình thành và phát triển các năng lực giao tiếp, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm. Trước khi làm việc, GV phải chia nhóm. Cũng một lớp đó, hôm nay chia nhóm theo vị trí tổ, tuần sau chia theo vị trí ngồi, kế tiếp là chia theo cách đếm số 1 - 2 - 3 - 4… Nội dung thảo luận không nhất thiết phải giống như SGK, mà có thể mở rộng một phần kiến thức, hoặc có thể là ý nghĩa rút ra từ nội dung bài học...

“Để chốt lại kiến thức cần ghi nhớ, nếu như theo phương pháp truyền thống thì giáo viên sẽ có vai trò chỉ đạo, nhận xét, diễn giải, phân tích rồi đưa ra kết luận chung. Nhưng tôi sẽ để học sinh ở vị trí chủ động và giáo viên sẽ cùng thảo luận với học trò để giải quyết vấn đề. Đó chính là kết hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống với kỹ thuật dạy học hiện đại” – cô Quyên phân tích.

“Lớp học hạnh phúc, học sinh không cảm thấy bị áp đặt vào khuôn mẫu cố định, nhồi nhét kiến thức. Các em được bày tỏ ý kiến, cảm xúc của mình, được tôn trọng và được lắng nghe. Từ đó, giúp các em tự tin, hòa đồng và tiếp thu bài học tốt hơn”. - Cô Võ Thị Thúy Quyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/noi-dong-day-yeu-thuong-20200327122111863.html