Nơi để tiếp cận đầy đủ hơn văn hóa dân tộc Thái

Để giúp du khách và nhà nghiên cứu có cách nhìn tổng quát về đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa, nhiều năm nay Báo tàng tỉnh đã xây dựng phòng trưng bày về văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa, thu hút nhiều người tham quan.

Du khách tham quan và được trải nghiệm tại Phòng trưng bày.

Dân tộc Thái ở Thanh Hóa có gần 23 vạn người, cư trú ở các huyện miền núi nhưng tập trung chủ yếu ở các vùng Mường Ca Da (Quan Hóa), Mường Khoòng (Bá Thước), Mường Chiềng Vạn (Thường Xuân), Mường Đanh (Lang Chánh).

Hiện nay đồng bào Thái ở Thanh Hóa còn bảo lưu được những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần tiêu biểu, đặc trưng, góp phần tạo dựng nên bản sắc cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam.

Tiếng Thái thuộc hệ ngôn ngữ Tày - Thái. Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa có 43 chữ cái (phụ âm) và 23 dấu nguyên âm (nguyên âm) được xếp theo từng cặp và luôn chứa đựng hai âm (ó và o); trong đó có 3 chữ vừa là chữ vừa là dấu. Đó là mái cá (a), mái cói (o) và chữ nặn.

Do đặc điểm phát âm của tiếng Thái, nên bộ chữ Thái cổ không có chữ tương ứng với chữ R, G và Y của chữ Quốc ngữ. Một số âm như Ô, Ơ, I, U, Ưa, ăn, ăng được thể hiện bằng dấu.

Sản phẩm nổi tiếng của nghề dệt truyền thống là vải thổ cẩm với những hoa văn độc đáo, bền, đẹp. Nghề thêu, dệt thổ cẩm của người Thái phát triển sớm và có những nét riêng. Tất cả các khâu từ chuẩn bị nguyên liệu, dệt vải, nhuộm màu, nhuộm chỉ và tạo thành sản phẩm đều do người phụ nữ tự tay làm.

Sản phẩm của nghề thêu, dệt thủ công rất phong phú gồm mặt phá, đệm bọng, cạp váy, túi thổ cổm, khăn Piêu... Hoa văn trang trí cũng đa dạng, gồm hình vuông, quả trám, răng cưa, dích dắc, rồng. Gam màu được bố trí hài hòa với các màu trắng, đen, vàng, xanh, hồng, tím...

Lễ hội Kin chiêng boọc mạy, khua luống và uống rượu cần là những đặc trưng văn hóa nổi tiếng của người Thái ở Thanh Hóa. Lễ hội “Kin chiêng boọc mạy” (Ăn Tết dưới cây bông) là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của dân tộc Thái ở Thanh Hóa.

Hàng năm, sau mùa thu hoạch nương rẫy, dân trong bản, mường mời ông Mo, bà Một, bà Tày tổ chức lễ “Kin chiêng boọc mạy”. Thầy Mo là người chủ trì chính trong buổi lễ. Mọi hoạt động của lễ nghi và trò chơi trong lễ “Kin chiêng boọc mạy” đều diễn ra xung quanh cây hoa.

Cây hoa Kin chiêng boọc mạy là sự ước lệ, hài hòa trong thế giới quan, là tín ngưỡng phồn thực, biểu tượng của sinh sôi, phát triển.

Mở đầu lễ “Kin chiêng boọc mạy” là lễ tế thần linh, tạ ơn người Mường trời đã có công công cứu giúp dân tộc Thái qua khỏi bệnh tật, kẻ thù, thú dữ. Sau đó là lễ cầu mát, cầu lành, cầu bình an cho dân bản. Tiếp theo là các trò diễn dân gian diễn ra xung quanh cây hoa, kết hợp với những đạo cụ, nhạc cụ dân tộc cổ truyền: trống, chiêng, boong bu...

Nhạc cụ của người dân tộc Thái trưng bày tại bảo tàng tỉnh.

Công cụ sản xuất của người Thái, gồm: chóp, nắp dao, lưỡi rìu, nái, hái trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Kho tàng văn hóa truyền thống của người Thái ở Thanh Hóa bao gồm nhiều thể loại như: Thần thoại, cổ tích, truyện thơ, ca dao. Đồng bào Thái rất thích ca hát, đặc biệt là khặp - hình thức hát phổ biến nhất.

“Khặp” (hát) - loại hình sinh hoạt, diễn xướng văn nghệ dân gian không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của người Thái.

Phòng trưng bày văn hóa dân tộc Thái tại Bảo tàng tỉnh thường xuyên có người tham quan.

Trong những dịp đặc biệt như đám cưới, đám lợp nhà mới, ngày hội vui của bản làng luôn rộn ràng tiếng khua luống, trống, chiêng, boong bu, sáo, khèn, pi một...

Nghe những âm thanh tinh tế của nhạc cụ Thái, chúng ta cảm nhận được sự giao thoa của đất trời, vạn vật cùng với khát vọng một cuộc sống sinh sôi nảy nở, ấm no, hạnh phúc.

Việc Bảo tàng tỉnh đưa vào trưng bày chuyên đề dân tộc Thái giúp người xem có cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về một dân tộc có dân số khá đông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thu Thủy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/noi-de-tiep-can-day-du-hon-van-hoa-dan-toc-thai/133646.htm