Nỗi day dứt của người đàn ông giúp nhân tình đưa trẻ sơ sinh ra nước ngoài bán

Cùng cảnh làm thuê kiếm sống nơi mảnh đất vùng biên đã khiến Ngọc và người đàn bà góa bụa tìm đến với nhau. Song cũng vì hoàn cảnh đẩy đưa ấy mà Ngọc đã mềm lòng, nhiều lần giúp người đàn bà 'già nhân ngãi, non vợ chồng' ấy trong việc đổi tiền và đưa trẻ sơ sinh qua biên giới.

Phạm tội vì tình

Với hành vi này, Hoàng Văn Ngọc, SN 1955, trú tại huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh được xác định là đồng phạm tích cực cho “vợ” trong đường dây đưa trẻ sơ sinh từ các tỉnh phía Nam ra biên giới phía Bắc, bán sang Trung Quốc. Ngọc phải trả giá bằng bản án 13 năm tù giam.

“Nói tôi dại cũng được mà chết vì tình cũng đúng. Tôi chẳng đính chính gì đâu vì dẫu sao thì chuyện cũng xảy ra rồi”, Hoàng Văn Ngọc mở đầu cuộc nói chuyện với cách nói đầy ám chỉ “muốn hiểu thế nào thì hiểu”.

Ngọc là người Ba Chẽ, cuộc sống gia đình cũng nhiều sóng gió nên chọn mảnh đất vùng biên Móng Cái để sinh sống. Quá trình mưu sinh ở đây, người đàn ông tuổi ngũ tuần đã đem lòng thương một người đàn bà góa, quê gốc Hải Phòng. Người đàn bà đó chính là Lương Thị Dạng, nhân vật chính trong đường dây buôn bán trẻ sơ sinh từng chấn động dư luận năm 2013.

Theo tài liệu điều tra, trong thời gian đi làm thuê cho các đại lý bán vải ở chợ Móng Cái, Dạng được một phụ nữ tên là Dung, sinh sống ở Đông Hưng (Trung Quốc) nhờ đón hộ trẻ sơ sinh do người nhà Dung ở TP HCM đưa ra. Nhiệm vụ của Dạng sẽ là đón trẻ sau đó mang sang Trung Quốc giao cho Dung, Dung sẽ trả công hậu hĩnh. Dạng đồng ý nên đã 3 lần cùng con trai lúc thì đi Hải Phòng, khi thì về Hải Dương và một lần ở ngay thị xã Móng Cái, đón các bé sơ sinh sau đó đưa sang Trung Quốc cho Dung. Mỗi lần như thế, Dạng được Dung trả công 2.000 NDT. Theo lời Dạng thì có lần nhận trẻ xong Dung mới đưa song cũng có lần, bà ta chuyển tiền trước để Dạng chi phí cho những người cùng tham gia.

Người đứng ra nhận tiền của Dung chính là Hoàng Văn Ngọc. Mỗi lần nhận tiền từ Dung, Ngọc có nhiệm vụ đem đổi sang tiền Việt Nam để Dạng chi trả cho những người trong đường dây. Ngoài việc nhận tiền, đổi tiền, cũng có lần Ngọc còn tham gia vào việc đi đón trẻ do đối tượng Ngô Thị Lan trong Bình Phước chuyển ra. “Nói tôi được hưởng lợi trong đó cũng được mà nói không thì cũng có thể vì tiền cầm về tôi đưa hết cho bà ấy. Bà ấy chia cho ai, làm gì tôi nào có biết. Tôi với bà ấy sống chung một nhà, cùng ăn cùng hưởng mà”, Hoàng Văn Ngọc cho biết.

Theo lời Ngọc thì ngày gặp Dạng khi đó đang làm thuê ở chợ Móng Cái, ông ta đã cảm thấy mến người đàn bà lam lũ, tảo tần mà cuộc sống cứ mãi vất vả. Dường như muốn thanh minh cho “người yêu” của mình, Ngọc bảo cũng tại cuộc sống vất vả quá, phải lần hồi kiếm từng bữa ăn và lo cho cả một gia đình ba thế hệ gồm ông ta,vợ chồng đứa con trai và hai cháu nhỏ nên bà Dạng đã mềm lòng trước những lời ngon ngọt của một phụ nữ ở bên kia biên giới về khoản tiền hậu hĩnh. “Nói là thanh minh cho bà ấy thì không phải nhưng cũng nên thông cảm cho bà ấy. Đã nghèo lại còn mù chữ thì làm gì am hiểu pháp luật nên cứ thấy có tiền là làm thôi. Ngay cả tôi, gọi là biết đọc biết viết chứ có rành rẽ gì chuyện pháp luật đâu. Nghe họ bảo bên kia những gia đình hiếm muộn muốn xin con nuôi, bên này cho, mình đưa sang thì được trả công chứ ai nghĩ là mua bán. Mà họ nói cũng khéo lắm, tôi nghe thấy cũng hợp lý, xuôi tai nên mới làm”, phạm nhân Hoàng Văn Ngọc bộc bạch.

Phạm nhân Hoàng Văn Ngọc đang cải tạo ở đội làm vàng mã trong trại giam.

Phạm nhân Hoàng Văn Ngọc đang cải tạo ở đội làm vàng mã trong trại giam.

Ân hận day dứt

Vào trại cải tạo với bản án 13 năm tù, Ngọc bảo ngay hôm ở tòa, nghe mức án của mình, ông ta đã sốc vì không ngờ tội lỗi của mình lại nghiêm trọng đến vậy. Ngọc bảo mặc dù thời gian ở trại giam cứu, được các bạn tù cùng buồng “tư vấn” luật song ông ta vẫn đinh ninh rằng tội lỗi của mình chỉ vài năm tù thôi, chứ không nghiêm trọng đến như vậy. “Thời gian giam cứu, mọi người đem tội của tôi ra bàn luận. Người thì nói ít nhất 8 năm, có người bảo phải 10 năm. Tôi cười họ vì nghĩ họ cứ nói khống lên thế để dọa tôi, ai ngờ”, Ngọc tâm sự.

Rồi ông ta nói về những mặc cảm của mình ngày mới bước chân về trại cải tạo. Ngọc bảo trong buồng cũng có người già, người trẻ, mỗi người một hoàn cảnh nhưng Ngọc cứ có cảm giác tự ti trước mọi người. Cũng may là không ai đả động đến tội của ai nên dần dần, Ngọc không còn cảm thấy mất tự tin như trước. “Đã phải vào trong này là khổ rồi nên chúng tôi tránh làm những việc có thể gây hiểu lầm. Ngay cả khi nói chuyện, chúng tôi cũng chỉ cười nói vô tư, tránh bình luận sâu vì sợ đụng chạm bạn cùng buồng. Quan điểm của mọi người trong buồng là anh em giúp được nhau cái gì thì giúp còn đừng dùng lời nói làm đau lòng nhau”, Ngọc kể. Theo lời anh ta thì dù là người vô tâm nhất thì khi vào tù, tất cả đều nhạy cảm giống nhau và cũng rất dễ bị tổn thương.

Hỏi Ngọc có nghĩ gì khi thấy những đứa trẻ còn đỏ hỏn thế đã phải xa gia đình, đến một nơi hoàn toàn mới để sống với những con người xa lạ, Ngọc cười nhẹ. Ông ta bảo chưa trực tiếp bế đứa trẻ nào và cũng chưa được tận mắt nhìn cảnh Dạng trao trẻ cho người bên kia biên giới nên không biết nói thế nào. “Dạng nói là bên kia người ta đang tìm con nuôi, họ tìm được và xin được rồi nhưng để làm thủ tục một cách đường đường chính chính thì rất lâu và tốn kém. Tôi chỉ nghĩ mình làm thế này là giúp họ, đưa những đứa trẻ được sinh ra trong sự không mong muốn đến làm con nuôi những gia đình tử tế. Chỉ đến khi vào trại giam, nghe cán bộ phân tích, mọi người bàn luận, tôi mới giật mình lo sợ. Tôi thấy tội của mình to quá và từ đó thấy day dứt, ân hận”, Ngọc kể.

Hỏi Ngọc về cuộc sống trong trại giam, ông ta bảo: “Mấy năm gần đây, tôi thường mắc bệnh về xương khớp nên chỉ làm được những việc nhẹ nhàng. Cán bộ cũng không bắt tôi làm nhiều nên tôi không bị khoán định mức. Khi nào mệt quá thì lên bệnh xá nằm, uống thuốc. Không phải nghĩ tiêu cực đâu nhưng nhiều khi nghĩ trong này ốm còn được khám bệnh, uống thuốc chứ ở nhà có khi thèm một miếng cháo cũng khó mà có được”. Hỏi Ngọc vì sao lại nói vậy, ông ta chỉ lắc đầu cười buồn.

Hỏi về chế độ ăn uống, có phải mua thêm thứ gì khác không, Ngọc tâm sự: “Tôi già rồi lại mắc nhiều thứ bệnh nên không cần gì nhiều, tiêu chuẩn trại giam cấp cho còn không dùng hết. Nhiều người gia đình có điều kiện thì gửi vào đồ ăn thức uống. Tôi thì có sao dùng vậy, trước ở ngoài khổ hơn còn chịu được nữa là”.

“Tuổi này mà nói dự định sau này ra trại làm gì thì thật buồn cười. Tôi chỉ nghĩ cái đích gần nhất là đến kỳ giảm án thôi. Cố gắng khỏe, lao động vượt khoán để còn được xét giảm án. Mọi chuyện đã xảy ra rồi, cứ cho qua là sẽ qua thôi. Tôi chẳng nghĩ gì hơn nữa...”, Ngọc bảo.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/noi-day-dut-cua-nguoi-dan-ong-giup-nhan-tinh-dua-tre-so-sinh-ra-nuoc-ngoai-ban-120994.html