Nỗi đau từ một vụ án lừa đảo

Cuối tuần qua, TAND cấp cao tại TP HCM đã mở phiên phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Thủy Lộc và đồng phạm phạm tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' tại trụ sở TAND tỉnh Lâm Đồng. Điều đọng lại sau vụ án là nhiều giọt nước mắt đã rơi, từ người già đến con trẻ và cả bản thân các nữ bị cáo dẫu đã quá muộn...

Tuổi già giọt lệ như sương

Theo cáo trạng, lợi dụng chỗ quan hệ thầy - trò với ông Nguyễn Vinh Quang (SN 1955), Nguyễn Thị Thủy Lộc (SN 1979, ngụ P.10, TP. Đà Lạt) cùng chồng là Nguyễn Thế Việt (SN 1977, cùng ngụ TP. Đà Lạt) làm quen, tạo thân mật với bà Lê Thị Xuân Lan (vợ ông Quang, ngụ P.2, TP. Đà Lạt). Sau đó, Lộc đặt vấn đề vay tiền của bà Lan.

Từ ngày 5-12-2012 đến 18-12-2013, Lộc và chồng đã vay của bà Lan tổng cộng 93,8 tỷ đồng (làm tròn) với 36 giấy mượn tiền do Lộc thực hiện. Lộc đã thuê Đàm Thị Bé (30 tuổi, ngụ Đà Lạt), làm nghề… tiếp viên karaoke, đóng giả Nguyễn Nữ Huyền Trang, mặc đồng phục của một ngân hàng để giao dịch với bà Lan qua các lần chuyển nhận tiền.

Ông Nguyễn Văn Vân, cha của bị cáo Lộc.

Ông Nguyễn Văn Vân, cha của bị cáo Lộc.

Lộc còn thuê Nguyễn Thị Bích Loan (28 tuổi, cùng ngụ Đà Lạt), cùng nghề tiếp viên karaoke, đóng vai Nguyễn Thị Tuyết Trinh, là cán bộ tín dụng của một ngân hàng khác để giao dịch với bà Lan nhằm tạo niềm tin cho nạn nhân.

Lộc đã chỉ đạo cho Bé, Loan giả chữ ký của Trang, Trinh (đại diện cho hai ngân hàng trên), xác nhận Lộc nợ bà Lan tổng số tiền 93,8 tỷ đồng. Số tiền này đã được đáo hạn tại ngân hàng. Mỗi khi bà Lan chuyển tiền vào tài khoản cho Lộc - Việt thì cán bộ ngân hàng "dỏm" là Bé và Loan xác nhận qua tin nhắn "ngân hàng đã nhận được tiền" để bà Lan yên tâm, khi nào bà Lan cần thì Lộc sẽ chuyển trả. Tại bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử vào tháng 8-2017, Lộc bị tuyên án tù chung thân, Bé nhận mức án 16 năm tù và Loan là 14 năm tù.

Suốt quá trình tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm lần này, ông Nguyễn Văn Vân (84 tuổi, ngụ TP. Đà Lạt), bố đẻ bị cáo Lộc cố lắng nghe những gì đang diễn ra ở phiên tòa. Giữa giờ nghị án của HĐXX, ông Vân thất thần tiến về băng ghế ngồi của con gái mình.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thủy Lộc bị truy tố do giữ vai trò tổ chức cho hai bị cáo Loan và Bé để thực hiện hành vi phạm tội. Con gái ông Vân là bị cáo Lộc ngồi ngoài cùng của băng ghế, ngoái đầu nhìn cha mình đang cố gắng tiến lại gần.

Khuôn mặt ông Vân thất thần khi nghe tòa thẩm vấn con gái. Vợ qua đời sớm, gia đình ông có ba người con, Lộc là con giữa. Ông nói với cán bộ Cảnh sát hỗ trợ tư pháp là con gái bị đau dạ dày, muốn ngỏ ý gửi vào nhà giam một ít thuốc tây cho con.

Trong phiên xử phúc thẩm lần 1 vào ngày 21-3-2018, chúng tôi nhớ ông còn gửi cho con gái một lọ dầu gội mà ông đã chuẩn bị trước phiên tòa. Hai cha con không nói được gì nhiều. Họ nhìn nhau, mắt ngấn lệ. Tuổi già, ông Vân cũng chẳng còn nước mắt để khóc vì con gái nữa rồi.

Thương con gái bao nhiêu, ông càng oán hận con rể là Nguyễn Thế Việt, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Trong suốt quá trình vay tiền tại nhà của bị hại là ông Quang và bà Lan đều xuất hiện hai vợ chồng Việt - Lộc.

Tuy nhiên, trên giấy vay tiền do Lộc đều kí tên nên khi truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ có bị cáo này mới chịu mức án tù chung thân trong bản án sơ thẩm. Vợ chồng bị cáo này có hai con. Sau khi Lộc vào tù, Việt đã có vợ mới, sinh con mới, chuyển về TP Hồ Chí Minh sinh sống.

Khóc với cha xong, Lộc quay lại nói với chồng cũ là Việt, đang ngồi ở băng ghế phía sau: "Sao anh tàn nhẫn với tôi như vậy?". Người chồng cũ không nói gì...

Nguyễn Thị Bích Loan (giữa) đang nói chuyện với con trai.

Chứng kiến câu chuyện này, lòng ông Vân như thắt lại. Ông Vân nói với chúng tôi, sẽ làm đơn tố cáo chàng rể cũ tên Việt bởi Việt không thể vô can như vậy được. Trong khi, cô con gái nhất mực ông thương yêu thì đang lâm vào vòng lao lý.

Theo hai bị hại là ông Quang và bà Lan, trong bản án sơ thẩm vào tháng 8-2017 của TAND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều dấu hiệu khuất tất chưa làm rõ nên đã kháng cáo. Đó là ai tiếp tay cho "nữ quái" Lộc lừa đảo, nếu không có trợ giúp của chồng thị là ông Việt (?!). Nhiều chứng cứ cho thấy, bị cáo Lộc chỉ giữ vai trò đồng phạm, chứ không thể nào là tổ chức lừa đảo.

Chẳng hạn, ngày 29-3-2016, Lộc đã khai trước cơ quan điều tra của Công an tỉnh Lâm Đồng với nội dung: "Khoản tiền 93,8 tỷ đồng tôi không mượn bà Lan. Ông Việt (chồng Lộc - PV) là người nhận tiền của bà Lan. Ông Việt là người yêu cầu tôi viết giấy nợ bà Lan!". Sau đó, ngày 19-8-2016, tại buổi đối chất giữa hai bị hại và bị can Đàm Thị Bé, Bé đã khai và ghi vào biên bản (có sự chứng kiến của đại diện VKSND tỉnh Lâm Đồng): "Bé đã đưa tiền cho ông Việt 4 - 5 lần, tổng số tiền là một tỷ đồng".

Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Lộc mong muốn hội đồng xét xử phúc thẩm giảm án vì đã nhận mức án tù chung thân trong bản án sơ thẩm. Theo nữ bị cáo này, án tù chung thân là quá oan với Lộc. Bởi lẽ, nếu lừa đảo cả trăm tỷ đồng bỏ túi riêng thì gia đình, con cái bị cáo sẽ khá giả.

Đằng này, thực tế là hoàn cảnh của ông Vân (cha bị cáo), hai con nhỏ của bị cáo đang rất khó khăn. Số tiền lừa đảo đã chui vào túi ai là điều mà cấp sơ thẩm cần phải điều tra kĩ lưỡng, Nguyễn Thế Việt giữ vai trò gì, có phải tổ chức cho ba nữ bị cáo này đi lừa đảo không?

Sau khi nghị án, Thẩm phán Phan Văn Yên -chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát tỉnh này để điều tra, xét xử lại.

Sao mẹ đi lâu thế?

Ngồi bên cạnh bị cáo Lộc, bị cáo Loan giàn giụa nước mắt khi trông thấy mẹ và con trai của mình. Một cán bộ Cảnh sát hỗ trợ tư pháp cho họ tiến tới ngồi phía sau bị cáo Loan. Cậu bé trai của bị cáo này còn mặc nguyên bộ đồng phục học sinh cấp 1, rụt rè ngồi gần mẹ.

Hôm ấy, bà ngoại đã đến trường từ sớm để xin nhà trường cho cháu vắng mặt một buổi. 5 năm rồi, từ ngày mẹ bị bắt để phục vụ điều tra và xét xử ở cấp sơ thẩm, bé trai này sống với bà ngoại. Thi thoảng, cháu mới được vào thăm mẹ.

Cháu bé trông thấy mẹ vội hỏi: "Sao mẹ đi lâu thế hả mẹ?". Chỉ nghe tới đây, nước mắt bị cáo Loan lăn dài. Mẹ và con trai của nữ bị cáo cũng chực chảy dài những giọt lệ. Chứng kiến cảnh này, chúng tôi và cả những cán bộ Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa cảm thấy bùi ngùi.

Các nữ bị cáo ra xe dẫn giải.

Một nữ Cảnh sát đứng cạnh chúng tôi tâm sự: "Nhiều phiên tòa có rất nhiều con của bị cáo tới cùng người thân. Nhiều cháu nhỏ chỉ vài tuổi đầu khi trông thấy cha mẹ của chúng trở thành bị can, bị cáo trong phiên tòa lắm lúc còn khóc lóc, quấn quýt phụ huynh, cầu xin người lớn tha tội cho cha mẹ của chúng. Các em không thể biết là cha hoặc mẹ của chúng đã gây ra tội ác và đang bị pháp luật trừng trị để đảm bảo tính nghiêm minh".

Với chúng tôi, nhiều năm tham dự các phiên tòa chỉ có suy nghĩ, giá như nữ bị cáo này đừng lười lao động, biết suy nghĩ về pháp luật, biết nghĩ về những đứa trẻ của gia đình thì sẽ không có ngày hôm nay. Theo cáo trạng, bị cáo Loan nhận được vài chục triệu đồng tiền công từ việc "giả danh" cán bộ ngân hàng để moi tiền của ông Quang và bà Lan. Phải nói hành vi như vậy quả "to gan". Thế nhưng, cái giá phải trả của nữ bị cáo này là cũng thật "đắt" khi nhận mức án nhiều năm tù giam, trong khi con cái thì còn nhỏ.

Trời chiều vội đổ cơn mưa tầm tã. Sau khi tuyên bản án, các nữ bị cáo này lập tức bị còng tay để đưa ra xe dẫn giải. Họ lại khóc khi ngoái nhìn người thân mình là cha, là các con đang dõi theo.

Hà Tiên

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/chuyen-tinh-tien-tu-toi/noi-dau-tu-mot-vu-an-lua-dao-566466/