Nỗi đau từ giấc mộng đổi đời

Vì cuộc sống khó khăn, nhiều người đã tìm cách vượt biên trái phép để tìm cơ hội đổi đời. Ở nơi xứ người, khi đau ốm không dám đi bệnh viện, bất đồng ngôn ngữ, bị đánh đập, quỵt tiền lương, không được chủ đóng bảo hiểm, sống chui lủi vì nỗi lo Cảnh sát địa phương truy quét.; không giấy tờ về nhà…

Cuộc sống chưa thay đổi gì họ đã phải chịu biết bao đau đớn, mất mát, thậm chí cả tính mạng. Đau đớn hơn, khi chết rồi còn không có tiền để đưa về quê mai táng.

Tan giấc mộng đổi đời

Vượt biên trái phép sang Trung Quốc để lao động, kiếm cơ hội đổi đời chẳng còn xa lạ gì với người dân ở các tỉnh biên giới. Thế nhưng 10 người được chúng tôi hỏi thì tất cả đều ám ảnh, sợ hãi và tự nhủ lòng, dù chết đói chứ không dại dột như vậy nữa.

Chúng tôi được cán bộ địa phương đưa tới gia đình một thanh niên xấu số là anh Bế Văn G (21 tuổi, ở xã Bà Gò, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, Bắc Giang). Ông B (bố đẻ của anh G) tiếp chuyện chúng tôi với tâm trạng ủ rũ.

Công an huyện Lạng Nam - Bắc Giang đến vận động, tuyên truyền người dân không vượt biên trái pháp luật.

Có lẽ sau cái chết đột ngột, đau đớn của người con trai duy nhất đã khiến ông suy sụp, gương mặt khắc khổ già hơn cái tuổi ngoài 40 rất nhiều. Ông kể, khoảng tháng 8 năm 2016 con trai trốn gia đình vượt biên sang Trung Quốc để tìm việc làm.

Chỉ khi đến khu vực biên giới, con trai mới gọi điện về báo cho gia đình là đã theo bạn sang Trung Quốc làm ăn, Tết mới về. Báo tin xong anh G tắt máy và không thể liên lạc được nữa. Ông B rưng rưng nhớ lại: “Sang bên đó một thời gian, nó có gọi điện về để thông tin tình hình công việc, cuộc sống bên đó.

Tết năm đó nó có gọi điện về bảo không có tiền về, cả nhà bắt đầu lo lắng đứng ngồi không yên. Tôi điện lại cho cháu là cứ vay mượn đi, bố sẽ gửi trả. Nghe được câu đó, nó đã khóc nức nở và nói là con sẽ không về nữa. Tôi có động viên cháu, nếu lao động bên Trung Quốc khổ cực quá thì hãy về, quê mình thiếu gì việc, có xe đưa xe đón tận nơi”.

Bao nhiêu lời khuyên, động viên của bố đều vô ích, vào khoảng tháng Ba âm lịch, gia đình ông B nhận được tin sét đánh ngang tai, G đã bị tai nạn lao động khi làm ca đêm. Vì tai nạn vào ban đêm lại không được cứu chữ kịp thời, G đã mất máu nhiều và tử vong. Do đường sá cách trở, thủ tục phức tạp, phải đến 15 ngày sau đó gia đình mới đưa được tro cốt con trai về quê hương.

Nói đến đây, vợ ông B bật khóc nức nở: “Cả nhà trông chờ vào mỗi nó, có lẽ vì thương bố mẹ nhà nghèo nên cháu đã quyết tâm đi lao động. Cháu cứ ở nhà, lao động ở quê thì đâu có ra nông nỗi này. Thấy người ta bảo con tôi còn may mắn vì nhanh chóng mang được tro cốt về quê, nhiều người phải lén lút vác xác người thân qua biên giới vì không đủ tiền thuê, rồi thủ tục rườm rà. Có nhà phải mất vài ba tháng mới đưa được xác người thân về”.

Dù đã trở về quê hương được 2 năm nhưng anh Nguyễn Đức Hiệp (Lục Ngạn, Bắc Giang) vẫn còn nhớ như in những tháng ngày vật lộn nơi xứ người. Anh kể: “Quê em nghèo lắm, cứ quanh quẩn ở nhà chắc không thể đổi đời được. Khoảng đầu năm 2015, một người bạn có rủ sang Trung Quốc lao động, cố gắng vài năm có tí vốn để về quê làm ăn.

Anh ấy bảo, sang đó làm cũng như ở quê thôi nhưng lương tháng khá cao, trung bình khoảng 10 -12 triệu/tháng. Anh ấy còn bảo, thủ tục quá đơn giản, chỉ cần nộp hơn 10 triệu là đi được”. Biết là nói với gia đình Hiệp sẽ bị ngăn cản nên anh đã quyết định lặng lẽ ra đi trong đêm. Chuyến xe chở hơn 10 người từ các tỉnh khác đến biên giới, sau đó họ được đưa lên xe khác, mỗi người một nơi.

Khoảng 2 ngày đi đường rừng, Hiệp được đưa vào một xưởng nhựa tư nhân để làm. Ở đó anh phải làm liên tục 12 tiếng/ ngày, ăn nghỉ chỉ tranh thủ. Làm việc vất vả là thế nhưng Hiệp cũng không biết chủ sẽ trả mình bao nhiêu tiền/tháng.

Tại Bắc Giang chính quyền địa phương đang nỗ lực đưa cây trồng có năng suất cao vào sản xuất để tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Chẳng còn lựa chọn nào khác anh đành phải cắn răng làm, chờ đợi đến cuối tháng. Thế rồi một tháng trôi qua, anh bàng hoàng nhận được thông báo của ông chủ, anh đã bị bán sang đây để lao động. “Em làm ở đó mà không có đồng lương nào cả, làm cả ngày họ cho ăn 2 bữa.

Nếu làm ăn chểnh mảng hay có đề xuất sẽ bị chủ đánh đập. Em bị đày đọa ở đó hơn 1 năm, sau đó nghĩ cách bỏ trốn cùng một vài người bạn nữa. Nói thật, đến giờ này cứ nhắc tới thời gian đó là em lại thấy rùng mình, có chết đói em cũng không sang bên đó nữa” – Hiệp nhớ lại.

Còn nhớ, vào tháng 2 -2017, nhiều gia đình có thân nhân sang Trung Quốc lao động bất hợp phát bàng hoàng vì có thông tin về một vụ tai nạn chìm tàu trên biển khiến 12 người thiệt mạng. Nạn nhân đều là những lao động “chui”, họ thiệt mạng trong tình trạng thi thể không còn nguyên vẹn, nhiều người còn mất tích.

Kẻ cầm đầu vụ vượt biên trái pháp này là Nguyễn Huy Thường (31 tuổi, ở thôn Dùm, xã Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang). Những lao động vượt biên đều được Thường và đồng bọn thu từ 40 - 50 triệu đồng để sang Trung Quốc. Tuy nhiên khi đoàn vượt biên này ra đến eo biển ở Chu Hải thì không may tàu gặp nạn và chìm. Ngay sau đó đối tượng Thường đã bị bắt và điều tra về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Tạo việc làm trên quê hương

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại Lục Nam và một số huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nạn vượt biên trái phép để làm “chui” diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân là do chi phí thấp, thủ tục nhanh gọn, không đòi hỏi tay nghề cao, có việc làm ngay.

Nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của người dân, đã xuất hiện nhiều đối tượng cò mồi chủ động săn đón, tạo thành hẳn một đường dây đưa người trốn sang Trung Quốc. Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng sẽ có người lo từ A đến Z. Như ở địa bàn huyện Lục Nam, có tới 4.000 người dân tộc Hoa sinh sống, họ có mối quan hệ thân tộc với người Trung Quốc.

Vì thế chỉ cần một cú điện thoại là họ có thể sang được nước bạn. Ông Bế Văn Minh cho biết: “Dù biết bất hợp pháp nhưng vì miếng cơm manh áo mà chúng tôi mới làm liều. Thực ra cũng chỉ là đồn nhau thôi, chắc gì sang bên đó thu nhập cao hơn. Giờ thấy nhiều người sang đó khi về tay trắng, thậm chí còn bỏ mạng nên chúng tôi cũng đắn đo, suy nghĩ nhiều”.

Theo Trung tá Đỗ Đức Trịnh, Phó trưởng Công an huyện Lục Nam thì địa bàn này từng là điểm nóng về xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động. Có những thời điểm, các đối tượng tổ chức vài chiếc xe ôtô chở lao động đến khu vực biên giới.

Thời gian gần đây, tình trạng này tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Năm 2016 có 607 người; 2017 còn 352 người, hiện tại có 110 người đã quay trở về địa phương. “Lực lượng Công an huyện thường xuyên rà soát, xác minh, bám nắm các đầu mối tổ chức, đường dây, thống kê, lập danh sách số người xuất cảnh trái phép để có biện pháp xử lý hành chính, bóc gỡ.

Con trai anh Đào Sỹ Hùng bên di ảnh cha (một trong hơn 20 nạn nhân tử nạn trên chuyến tàu vượt biên trái phép).

Ví dụ như, năm 2016, trong số những người xuất cảnh trái phép trở về, chúng tôi đã hỏi 35 trường hợp. Từ đó điều tra, làm rõ các đối tượng Nguyễn Văn Triệu (47 tuổi) ở xã Nghĩa Phương 8 lần tổ chức đưa 50 lượt người trốn đi nước ngoài. Hiện đối tượng này vẫn ở Trung Quốc. Vụ án đã được khởi tố và bàn giao hồ sơ cho Phòng An ninh điều tra (PA 92) Công an tỉnh làm rõ” – Trung tá Đỗ Đức Thịnh cho biết thêm.

Rõ ràng để xảy ra tình trạng này là do người dân thiếu công ăn việc làm. Chính vì thế để giải quyết “bài toán” này là phải tạo cho người dân thu nhập chính đáng, ổn định ngay tại quê hương. Mở rộng đường giao thông, phát triển kinh tế vườn, đồi, đào tạo nghề để người dân chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm cần thiết vào lúc này.

Chia tay miền quê nghèo, gác lại những câu chuyện buồn của các gia đình có thân nhân vượt biên để lao động “chui”, chúng tôi ai nấy đều hy vọng, đều mong muốn đời sống của bà con sẽ ổn hơn, họ sẽ sống được bằng chính sức lao động trên mảnh đất quê hương mình. Để rồi họ sẽ không bao giờ phải lo lắng, phải sợ hãi thậm chí bỏ mạng nơi xứ người.

Thiếu tá Nguyễn Nhật Huy, Đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Lục Nam) thông tin: Lao động “chui” luôn gặp rủi ro. Năm nào trên địa bàn huyện cũng có người bỏ mạng ở xứ người (năm 2015 có 3 người, 2016 có 3 người, 2017 có 2 người). Không ít lao động bị quỵt lương, chưa biết đi đâu về đâu vì tiền hết, về nước cũng không được. Họ phải sống chui lủi, nếu bị công an bắt phải sống trong trại tạm giam. Nhiều người bị phía bạn truy đuổi trong tình cảnh trắng tay, tàn tạ về thể xác suy nhược về tinh thần.

Năm 2016, Công an huyện đã khởi tố 1 vụ, đối tượng là Nguyễn Công Hậu (SN 1994) ở xã Cương Sơn có hanh vi lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc. Vụ việc đã được chuyển cho Phòng Cảnh sát Hình sự (PC 45) Công an tỉnh thụ lý theo thẩm quyền. Công an huyện đã bắt quả tang Bàn Thì Kéo (SN 1975) ở xã Lục Sơn đang trên đường đưa trái phép 5 công dân xã Bình Sơn Sang Trung Quốc.

Trước thực trạng người dân rời quê hương sang Trung Quốc lao động trái phép, Công an huyện Lục Nam đã tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền. Đảng ủy các xã, thị trấn hằng tháng sinh hoạt chi bộ có kiểm điểm về nội dung này. Công an huyện liên tục cử cán bộ xuống địa bàn nằm vùng, phối hợp với người uy tín trong dòng họ, cộng đồng tuyên truyền để người dân hiểu được hệ lụy, rủi ro, hậu quả của xuất cảnh trái phép.

Phong Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/noi-dau-so-phan/noi-dau-tu-giac-mong-doi-doi-494883/