Nơi đầu sóng - món quà gửi Trường Sa

Nơi đầu sóng - tập tản văn và ảnh về Trường Sa của Lữ Mai và Trần Thành cũng có được tài trợ, nhưng về cơ bản do hai tác giả bỏ tiền xuất bản. Phần lớn sách in ra dành tặng lính đảo. Số còn lại đem bán lấy tiền mua các món quà thiết thực gửi Trường Sa.

Sóng An Bang Ảnh: Trần Thành

Sóng An Bang Ảnh: Trần Thành

Sấu chua, cà muối… ra đảo

Lữ Mai làm thơ, làm báo, đã xuất bản khá nhiều đầu sách trong khi Trần Thành chưa viết văn bao giờ. Anh tốt nghiệp Kinh tế, là doanh nhân nhưng kể từ sau lần thăm Trường Sa vào 2014, anh hầu như toàn tâm toàn ý hoạt động vì biển đảo. Anh chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương mà Mai là thành viên.

CLB này thường tặng Trường Sa những món quà không giống ai như quả sấu, cà muối, để trồng thì có cây giang (lấy lá nấu canh chua) hay cây dừa, hoa giấy. Toàn những món hữu ích với đời sống trên đảo. Dừa giữ đất, cho quả. Hoa giấy sống khỏe, ra hoa đủ để chiến sĩ hái tặng những vị khách ghé thăm…

Trần Thành còn tập hợp anh em sáng chế ra những loại máy đặc chủng lọc nước ngọt từ nước biển, hay ép thể tích rác xuống còn 20%. Hiện các máy này đã “phủ sóng” khắp các điểm đảo nổi, chìm. Các loại máy của Trần Thành được bộ đội ưa thích vì gọn nhẹ, tốn ít nhiên liệu, dễ vận hành, sửa chữa. Riêng máy ép rác rất hữu ích với các đảo của Việt Nam, nhưng Thành còn mải hoạt động biển đảo, chưa có thời gian sản xuất kinh doanh.

Lữ Mai kể, sau khi dốc tiền túi tặng máy cho đảo, anh Thành đi vận động các doanh nghiệp mua máy tặng tiếp. Vì một thực tế là quà tặng cho Trường Sa khá đơn điệu và có vẻ như không hiệu quả. Chẳng hạn TV màn hình phẳng tốn điện, mà lính cũng chẳng có thời gian xem nhiều. Vậy nên mỗi đợt thu quân, nhiều món quà cũng được thu về “trả” đất liền.

Với tư cách kỹ sư lắp máy, Thành được nằm vùng trên các đảo cả tháng trời. Nhiều khi anh ra đảo bằng tàu cấp hàng. Những trải nghiệm ít ai có đó tạo nên nét độc đáo cho một số trang viết của Nơi đầu sóng.

Lữ Mai mới thăm Trường Sa một lần tháng Năm năm nay. Trần Thành tất nhiên tư vấn tận tình cho cô về những chủ điểm cần tiếp cận ở mỗi đảo. Vì thời gian cho các đại biểu ghé mỗi điểm đảo chỉ khoảng 2 tiếng, mà các nghi lễ tiếp đón đã chiếm mất nửa.

Mỗi đảo đều có lực lượng quân y, giáo viên và gác đèn. Đúng như Thành miêu tả, khi lên hải đăng Mai bắt gặp các bác gác đèn ngồi ngay ngắn bên ấm trà ủ sẵn, trong khi một bác cứ lau đi lau lại ô kính dù nó đã trở nên “trong suốt như một làn nước”. Với những khách lên đèn biển chỉ để chụp ảnh, các bác chỉ gật đầu chào. Nhưng khi Mai đến bắt chuyện, lập tức cả đội vui cười hồ hởi, nước được châm vào ấm và câu chuyện bắt đầu…

Chính những thành phần này lại hay bị các chuyến tàu thăm đảo bỏ quên. Nhiều đảo chỉ có duy nhất một thầy giáo. “Lực lượng dân sự không đứng ở cầu tàu chào mọi người, quà cũng không phải đến với họ, nhưng họ lại là những người bám đảo lâu nhất. Với gác đèn, 20 năm là bình thường, luân chuyển từ đảo nọ sang đảo kia, thiếu thốn đủ thứ mà không bao giờ ta thán,” Mai kể.

Người gợi cho Mai ý tưởng ra sách là những cậu lính nghĩa vụ tuổi 18. Mai hỏi: “Các em thích gì nhất?”. Câu trả lời là sách: “Đảo nổi, đảo chìm đều có tủ sách. Nhưng sách về lính thì bọn em không thấy nhiều. Bọn em muốn đọc gì đấy gần gũi dễ hiểu…”.

Chuyện chưa kể...

Mai miêu tả Nơi đầu sóng gồm những câu chuyện giản dị “đọc rồi cười cái là xong”, nhưng tất nhiên không chỉ như vậy. Các tác giả tỉ mẩn viết về những cái có lẽ chưa ai viết. Mà mọi chi tiết liên quan đến Trường Sa đều là một phần của câu chuyện lớn hơn. Lần đầu bước lên tàu ra đảo, nghe 3 hồi còi rúc lên, Mai đã thấy khác lạ. Cô hỏi các thủy thủ và được biết cũng 3 hồi còi này cất lên vào những lúc khác thì cảm xúc sẽ lại rất khác. Đặc biệt trong lễ tưởng niệm liệt sĩ, ai đảm nhiệm việc bấm còi đều thấy tay mình run. Ở một câu chuyện khác, Trần Thành kể từng bỏ nhiều công săn chụp cá chuồn bay trên mặt biển. Nhưng vào lễ tưởng niệm liệt sĩ gần đảo Cô-lin, hàng đàn cá chuồn “như lượn vòng thành vệt mềm dải lụa, ôm lấy con tàu”. Lữ Mai viết tiếp: “Ngồi trên xuồng tác nghiệp của phóng viên lúc ráng chiều tím đỏ đằng Tây, chưa bao giờ tôi thấy đàn cá chuồn gần mình đến thế. Như thể chỉ cần chúng giương vây, tôi chìa tay là chạm được vào nhau, là trong giây phút tất cả cùng nhập vào một đời sống khác”.

Những sự chăm sóc tận tình tới mức tinh tế của đội tàu dành cho đoàn đại biểu cũng khiến Mai xúc động. Chẳng hạn khi nhìn miếng cháy cơm được tới tận phòng cho một đại biểu bị say sóng không ăn được gì khác, chị nhận ra cả dấu vết của những hạt sạn đã được nhặt sạch… Để chăm lo cho hàng trăm đại biểu, đội tàu gần như không ngủ. Quá nửa đêm mới dọn dẹp xong bữa ăn khuya (trên tàu rất nhanh đói), thì chưa tới 3h sáng, nhà bếp đã lại nổi lửa. Lữ Mai gọi chuyến tàu ân tình ấy là một “Trường Sa thu nhỏ”.

Hai tác giả còn ấp ủ xuất bản những cuốn sổ lưu niệm hay còn gọi là sổ tâm tình của lính. Ở cả 33 điểm đảo và 15 nhà giàn đều có một cuốn sổ dày hàng trăm trang như vậy. “Bọn tôi ước mơ ra được cho mỗi nhà giàn, mỗi đảo một cuốn sổ như thế. Chỉ cần biên soạn lại và xuất bản thôi. Đấy chính là chủ quyền, là lịch sử, văn hóa, là yếu tố con người”, Mai nói.

Lữ Mai vẫn nhớ như in những trang viết của chỉ huy đảo Đá Đông Trần Văn Phúc mà chị cho rằng “không thua kém bất cứ nhà văn nào”. Ông kể về người lính 18 tuổi nhớ nhà, không dám khóc trước mặt chỉ huy. Chỉ huy biết nhưng không hỏi thăm trực tiếp mà dẫn cậu lính ra ổ chó mới đẻ: “Đây chú cho mày một con chó mày nuôi…”. Con chó làm người lính khuây khỏa nỗi nhớ nhà, hai bên cùng nhau đi gác, đi đuổi cá, cùng làm, cùng chơi… Một năm sau, người lính ra quân, xin chỉ huy đem chú chó về bờ. Chỉ huy muốn lắm, nhưng không thể vì chó ở đảo không chỉ là chó mà còn là một nguồn lương thực dự trữ được kiểm soát chặt chẽ.

Chính chỉ huy Phúc đã nhờ Thành chụp cảnh chú chó nhỏ ngồi trên cầu tàu dõi theo chiếc xuồng đưa người lính đi xa. Còn Mai đặt mình vào vị trí kẻ ở lại, ra mấy câu thơ: “Về đi anh người bạn lớn của tôi/ Anh sẽ có những người thân yêu nhất/ Tôi ở lại vẫn ngày đêm canh gác/ Dịu bớt nhớ nhung khi bạn mới ân cần”. Thơ, ảnh, chuyện… có cả trong Nơi đầu sóng.

Quà Tết tới Trường SaẢnh: Trần Thành

Kỹ sư Trần Thành cho hay mới chỉ đem máy lọc nước biển tặng cho Trường Sa và đồng bằng sông Cửu Long mà chưa đưa vào kinh doanh vì “toàn đi hoạt động xã hội”. Anh lý giải về nhiệt huyết dành cho Trường Sa: “Từ việc mình đến Trường Sa, thấy ngoài đấy đời sống cán bộ chiến sĩ cũng khó khăn. Thứ hai, anh em bạn bè hội viên CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tâm huyết, phối hợp tương đối tốt để chuyển hóa các ý tưởng thành hiện thực. Thành công này lại là cơ sở cho những dự án khác. Làm việc vì Trường Sa giờ đã thành niềm vui, ai cũng hoạt động tích cực”.

Nơi đầu sóng chính thức ra mắt bạn đọc bằng một “lễ mở sách” kết hợp triển lãm 100 bức ảnh của nhiều tác giả về Trường Sa bắt đầu từ 30/8 tại nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Sẽ liên tục có các buổi giao lưu với tác giả và các nguyên mẫu tại đây đến 3/9. Đặc biệt những bức ảnh không chỉ của các tay máy chuyên nghiệp mà của chính lính đảo và những đại biểu từng thăm đảo.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/noi-dau-song-mon-qua-gui-truong-sa-1456556.tpo