Nỗi đau nhìn con mà không được gọi con

Mười năm về trước, tôi là một cô gái phơi phới tuổi đôi mươi, với một mối tình đầu cũng đẹp như mơ. Người yêu của tôi ở làng kế bên, lớn hơn tôi ba tuổi, con của một gia đình thuộc hàng khá giả trong làng.

Ảnh minh họa

Để rồi, khi tôi thông báo đã có thai sau chừng nửa năm yêu nhau, anh ta trả lời tỉnh queo: “Con cái gì, em tự tính sao được thì tính, thân anh còn chưa lo nổi, lấy gì nuôi con”. Mà thiệt, tuy đã 23 tuổi nhưng anh ta suốt ngày lông nhông, sống nhờ cha mẹ.

Thế là mẹ tôi chỉ còn biết “con dại cái mang”, đành phải tự lo cho tôi. Cũng ngay thời điểm đó, một người chú ruột từ Mỹ về thăm gia đình. Trước kia ba mẹ tôi đã giúp đỡ chú rất nhiều khi chú còn ở Việt Nam nên giờ chú muốn bảo lãnh tôi sang bên ấy để đào tạo tôi vào làm cho công ty của chú. Ba mẹ tôi vui mừng lắm nhưng ngặt nỗi, tôi lại sắp phải sinh con. Vậy là ba mẹ đã nghĩ ra một cách, bảo tôi sau khi sinh hãy tạm thời cho đứa con để sang Mỹ. Coi như tôi chỉ nhờ người nuôi hộ, sau này có điều kiện sẽ đón con cũng sang bên ấy luôn. Theo suy nghĩ của ba mẹ tôi, làm như thế sẽ tốt cho tôi hai điều, đi khỏi đất nước, giấu được lai lịch không chồng mà chửa. Tất nhiên là lúc đầu tôi không đồng ý. Song, dưới áp lực của ba mẹ, và sự thuyết phục kiên nhẫn của người chú, tôi đành phải đồng ý.

Trong những ngày ở bệnh viện huyện sinh con, tôi đã để ý đến một sản phụ nằm cùng phòng. Chị này cũng sinh con đầu lòng, cũng con gái giống tôi. Nhìn vợ chồng chị hiền lành và có vẻ rất hạnh phúc. Không hiểu sao, tôi lại đặt niềm tin vào vợ chồng chị, và muốn được chị nuôi hộ con. Tôi lân la trò chuyện với chị, và bày tỏ hoàn cảnh cũng như ước nguyện của mình. Lúc đầu vợ chồng chị do dự không đồng ý. Nhưng tôi cố năn nỉ, khẩn cầu anh chị nuôi giúp con cho tôi một vài năm, tôi sẽ trợ cấp tiền hàng tháng, khi có điều kiện, tôi sẽ xin nhận lại con. Cuối cùng, vợ chồng anh chị đã nhận lời.

Một thời gian sau, tôi rời Việt Nam sang Mỹ sinh sống cùng gia đình người chú. Gần hai năm sau, tôi kết hôn với một chàng trai người Mỹ gốc Việt, con một đối tác làm ăn với công ty người chú. Vợ chồng chú căn dặn tôi tạm thời giấu kín mọi chuyện về đứa con, đợi sau này khi thuận tiện hãy thú thật với chồng. Tôi đành nghe theo. Có điều, sau đó chẳng bao lâu, ba mẹ tôi ở Việt Nam thông báo cho tôi, rằng vợ chồng người nuôi hộ con tôi đã không còn ở quê nhà. Họ đã lên TP.HCM (cách xa nhà hơn 100 cây số) sinh sống, sau khi một đứa con gái qua đời do bị sốt cấp tính. Tôi nghe tin như sét đánh bên tai. Nỗi đau giằng xé trong lòng nhưng tôi vẫn phải cố giấu chồng, chỉ biết nhờ ba mẹ ở Việt Nam cố gắng tìm cho được cặp vợ chồng kia. Đã 10 năm trôi qua, mỗi lần về Việt Nam, tôi đều tranh thủ tìm kiếm tung tích đứa con tội nghiệp của mình, nhưng vẫn biệt vô âm tín. May mắn sao, lần này về nước, tình cờ tôi đã gặp được người vợ tại một siêu thị ở TP.HCM.

Hóa ra, đứa con đã mất chính là con ruột của chị ấy. Do vậy, vợ chồng chị đã nảy sinh ý định sẽ không trả lại con cho tôi. Bây giờ lại chính anh chị van xin tôi đừng nhận lại con, vì anh chị chỉ có mình nó, còn tôi vẫn còn hai đứa bên Mỹ. Anh chị đã đưa tôi về nhà, xem cuộc sống của con gái. Tôi rất vui mừng khi thấy con mình khỏe mạnh, xinh đẹp, có cuộc sống đầy đủ, được đến trường đàng hoàng. Con bé không hề hay biết gì về thân phận của mình, và anh chị thương yêu nó như con ruột. Thực tình thì tôi rất muốn nhận lại con và đưa nó sang Mỹ, nhưng trước tình cảnh của anh chị, tôi chưa biết phải tính sao?

KIM HIỀN (Kiến thức gia đình số 2)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/noi-dau-nhin-con-ma-khong-duoc-goi-con-post234218.html