'Nỗi đau nhân đôi' của Không quân Ukraine sau vụ rơi tiêm kích Su-27

Sự kiện chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27UB của Không quân Ukraine bị rơi khi đang tham dự cuộc tập trận quốc tế Clear Sky 2018 đã mang lại cho quốc gia Đông Âu này nhiều nỗi đau hơn so với dự kiến.

Hôm qua ngày 17/10, lực lượng Không quân Ukraine đã phải gánh chịu một vụ tai nạn cấp 1 (mất cả người lẫn máy bay) khi chiếc tiêm kích Su-27 phiên bản hai chỗ ngồi của họ bị rơi.

Được biết khi đó chiếc Su-27 này đang tham gia bài tập không chiến với tiêm kích F-15C của Mỹ trong khuôn khổ cuộc tập trận quốc tế mang tên Clear Sky 2018.

Sự cố cực kỳ nghiêm trọng này đã khiến cho 2 phi công điều khiển máy bay chiến đấu Su-27 gồm một người Ukraine và một người Mỹ thiệt mạng.

Tuy nhiên đối với riêng Không quân Ukraine, nỗi đau mà họ phải gánh chịu được nhận xét là còn bị "nhân đôi" vì những nguyên nhân cụ thể sau đây.

Đầu tiên, một trong hai phi công thiệt mạng là Đại tá Ivan Petrenko - Phó Chỉ huy Bộ tư lệnh Không quân phương Đông của Ukraine, phi công cấp 1 với 25 phục vụ và rất giàu kinh nghiệm.

Đại tá Petrenko là một giáo viên đầy năng lực, có khả năng đào tạo phi công thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu cả ban ngày, ban đêm, trong mọi điều kiện thời tiết phức tạp.

Mất mát đối với Không quân Ukraine còn kéo dài sau khi Đại tá Petrenko ra đi, bởi vì còn rất lâu nữa họ mới đào tạo được một phi công có năng lực cao đến vậy.

Chưa dừng lại đó, Không quân Ukraine còn thiệt hại đúng chiếc máy bay chiến đấu Su-27 thuộc hàng hiện đại nhất, đã trải qua quá trình nâng cấp cách đây không lâu.

Được biết chiếc tiêm kích hai chỗ ngồi Su-27UB mang số hiệu 70 vừa gặp nạn được sản xuất năm 1991 (số hiệu gốc của máy bay là 05).

Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, máy bay được chuyển về biên chế Quân đội Ukraine theo Trung đoàn không quân tiêm kích số 100 của Liên Xô ở sân bay Saki, Crimea.

Sang năm 1992, nó được chuyển về Trung đoàn không quân tiêm kích 831 của Ukraine ở Mirgorod. Đến năm 2009 thì chính thức ngừng bay do hết niên hạn sử dụng và được đưa đi bảo quản.

Sau khi cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông nổ ra và trước những căng thẳng với Nga xung quanh vụ việc sáp nhập bán đảo Crimea, Không quân Ukraine đã quyết định gọi tái ngũ nhiều tiêm kích đang lưu kho.

Năm 2014, chiếc tiêm kích Su-27UB mang số hiệu 70 này đã được tiến hành nâng cấp giữa vòng đời để đưa nó lên tiêu chuẩn Su-27UBM1 hiện đại hơn.

Từ chỗ chỉ là một chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không đơn thuần, giờ đây Su-27UBM1 đã có khả năng tấn công mặt đất bằng các loại vũ khí chính xác cao.

Dự kiến thời gian hoạt động của chiếc chiến đấu cơ này còn hơn 15 năm nữa, đây là thiệt hại nặng nề với Ukraine trong tình trạng số phi đội tiêm kích hiện đại của họ vẫn chưa đạt tới số lượng yêu cầu.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-noi-dau-nhan-doi-cua-khong-quan-ukraine-sau-vu-roi-tiem-kich-su27/786765.antd