Nỗi đau không của riêng ai

Thời gian gần đây, hàng loạt sự cố tai biến y khoa xảy ra khiến nhiều bệnh nhân tàn phế, tử vong.

Đặc biệt, vụ 2 trường hợp tử vong sau gây mê trong cùng một thời điểm tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cuối tuần qua khiến dư luận hết sức lo lắng, bàng hoàng.

Một trong những giả thiết đang được đưa ra cho sự việc này là do sốc phản vệ sau khi gây mê, tuy nhiên đến thời điểm này chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Nhưng cho dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì cái chết của bệnh nhân là nỗi đau không gì bù đắp nổi. Không giống những ngành khác, sai lầm hay tai biến trong y khoa có thể dẫn đến chết người. Với các bác sĩ, mỗi một liều thuốc có thể trở thành kẻ sát nhân cho chính người bệnh của mình bởi bất cứ thuốc gì và bất cứ ai cũng có thể bị sốc phản vệ. Nhẹ thì phù nề, ngứa ngáy, nặng thì có thể tử vong. Theo giới chuyên môn, sốc phản vệ trong gây mê là nguy hiểm nhất bởi trong lúc gây mê, các bác sĩ phải kết hợp nhiều loại thuốc và hóa chất cũng như dụng cụ y tế. Thực tế, trên thế giới cũng như tại Việt Nam , đã có nhiều cái chết do sốc phản vệ, và những cái chết này luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với mỗi người thầy thuốc. Khi bệnh nhân bị sốc phản vệ, việc quan trọng là phải phát hiện, xử lý đúng và nhanh chóng. Trong những tình huống nguy kịch ấy, thời gian vàng được tính bằng giây.

Đối với vụ tai biến tại BV Đa khoa Trí Đức, nguyên nhân vẫn còn phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra. Song có điều chắc chắn là, 2 bệnh nhân đã tử vong, nỗi đau ấy sẽ còn đeo đẳng lâu dài, thậm chí có thể đến mức ám ảnh đối với cả người thân nạn nhân cũng như bác sĩ.

Trả lời báo chí về vấn đề tai biến y khoa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, tai biến là rủi ro xảy ra ngoài ý muốn và luôn có khả năng xảy ra. Và cũng theo Bộ trưởng thì đến nay, Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, người dân chỉ biết được thông tin qua báo chí. Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa xây dựng được một thông tư về việc báo cáo rủi ro sự cố bắt buộc và tự nguyện trong bệnh viện cũng như chưa xây dựng chuẩn chất lượng bệnh viện cùng các chuẩn chất lượng chuyên môn khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có một cơ quan độc lập để bảo vệ quyền lợi của các bên khi có tranh chấp xảy ra.

Niềm mong ước của những người mặc áo blue trắng là có được một đơn vị đứng ra bảo vệ khi xảy ra sự cố y khoa, nhưng dường như niềm mong ước ấy vẫn còn quá xa vời. Vậy nên, cứ sau mỗi vụ tai biến, người dân khó có thể biết ai đúng, ai sai. Đã có nhiều câu chuyện buồn đối với nhân viên y tế, thậm chí đã có bác sĩ đột quỵ, trầm cảm, tự tử vì không chịu nỗi búa rìu dư luận, trong khi tai biến của bệnh nhân là bất khả kháng. Ngược lại, cũng có bệnh nhân chết trong oan ức mà gia đình phải ngậm ngùi vì chẳng thể kêu thấu “trời cao đất dày”.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/noi-dau-khong-cua-rieng-ai-276580.html