Nỗi đau của người phụ nữ mang thai hộ

Quá trình mang thai hộ của người phụ nữ đến từ Thành Đô không hề bằng phẳng như cô nghĩ. Ý định kiếm tiền trả nợ thất bại, khách hàng từ chối nhận con.

Zing trích dịch bài đăng trên Sina, kể về câu chuyện của một phụ nữ tại Trung Quốc đồng ý mang thai hộ dù biết hành vi này phạm pháp. Đứa trẻ sau khi đẻ ra được chính cô nuôi dưỡng.

Wu Chuan Chuan đến từ Thành Đô (Trung Quốc) từng nghĩ mang thai hộ sẽ giúp cô giải quyết món nợ lớn của gia đình, song quyết định này lại đẩy cô vào những rắc rối, nỗi khổ khác.

Năm 2016, người phụ nữ 43 tuổi rời quê nhà, lên Thượng Hải sau khi đọc được mẩu quảng cáo về việc nhẹ lương cao. Liên hệ với bên môi giới, cô được giới thiệu công việc mang thai hộ.

 Wu Chuan Chuan bên con gái 3 tuổi. Ảnh: Sina.

Wu Chuan Chuan bên con gái 3 tuổi. Ảnh: Sina.

Số tiền được trả lên tới 200.000 NDT, đủ giúp cô thanh toán hết nợ nần, còn có khả năng mở một cửa hàng nhỏ.

Cô đồng ý với lời đề nghị và không nói với người thân về quyết định của mình.

Mang thai hộ để kiếm tiền trả nợ

“Mang thai hộ” là cụm từ lạ lẫm với người phụ nữ này, Wu chỉ làm theo những gì công ty chỉ dẫn. Sau khi qua bước kiểm tra y tế, Wu được uống thuốc, tiêm thuốc, kiểm tra nội mạc tử cung, chuẩn bị cho việc cấy ghép.

Các sinh hoạt thường ngày như ăn uống, quần áo hay phương tiện đi lại đã có công ty đứng ra lo. Wu còn có một giúp việc chăm sóc cho cô.

Nhận kết quả tử cung đạt tiêu chuẩn để thụ thai, Wu được dẫn đến một nơi giống như cơ sở y tế. Sau việc cấy ghép, 3 phôi thai được đặt vào trong cơ thể người phụ nữ.

Wu không cảm thấy đau đớn, song cảm giác sắp sửa mang thai khiến cô thấy lạ lẫm.

Sau khi khách hàng chấm dứt hợp đồng, Wu quyết định giữ lại cái thai vì cảm thấy có mối liên kết thiêng liêng. Ảnh: Sohu.

Sau khi cấy ghép, Wu bước vào thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh. Ngoài đi ăn và đi vệ sinh, cô hiếm khi rời khỏi giường, tránh tổn thương đến phôi thai.

Ngày thứ 7 sau cấy ghép, cô lấy que thử thai và hiện hai vạch. Đến ngày thứ 14, cô được đưa đến bệnh viện xét nghiệm máu, kết quả cho thấy cô có thai.

Khoản thù lao 200.000 NDT được trả làm nhiều lần. Cô được trả 15.000 NDT theo mức tăng dần trong thai kỳ. Ngoài ra, Wu còn nhận 2.000 NDT/tháng do bên thuê cô chi trả. Phần còn lại sẽ được trả sau khi trao em bé cho cha mẹ đẻ.

Biến cố đến vào tháng thứ 3 của thai kỳ, Wu phát hiện mình mắc bệnh giang mai dù cô khẳng định không làm gì sai trái. Công ty yêu cầu cô giữ im lặng, không được nói với khách hàng. Song, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ lại bất ngờ đến thăm Wu, gửi cô nhiều đồ ăn ngon và đưa phong bì tiền cám ơn.

Thấy áy náy, Wu tiết lộ sự thật với khách hàng. Cô được chữa khỏi bệnh sau khi mang thai được 5 tháng. Tuy nhiên, cặp vợ chồng lại yêu cầu phá thai, chấm dứt hợp đồng. Wu đứng trước 2 lựa chọn, bỏ thai hoặc sinh em bé.

Wu Chuan Chuan tìm đến nhà bố mẹ đẻ của con gái vào cuối năm ngoái. Ảnh: Sina.

Sự kết nối với sinh linh bé bỏng trong vài tháng khiến Wu dần coi đứa trẻ trong bụng như con đẻ của mình, dù cả hai không cùng huyết thống. Người phụ nữ nhiều lần do dự về quyết định phá thai, song các bác sĩ đều khẳng định đứa bé trong bụng đang khỏe mạnh.

Cuối cùng, Wu quyết định rời khỏi Thượng Hải vì sợ công ty gây khó dễ, bắt bồi thường. Ý định đẻ thuê để trả nợ ban đầu cũng thất bại.

Không hối hận khi sinh con

Đến những cuối của thai kỳ, cô gặp được một người đàn ông tên Zhang Chao. Zhang hiếm muộn, thông cảm cho hoàn cảnh của Wu và tình nguyện giúp đỡ người phụ nữ mới quen.

Zhang đưa Wu về nhà chăm sóc, chuẩn bị quần áo, tã lót và sữa bột cho đứa trẻ. Zhang đặc biệt quan tâm tới đứa trẻ trong bụng Wu. Cô còn nghĩ rằng nếu sau này hai người chia tay, có thể giao đứa bé cho Zhang nuôi.

Tháng 4/2017, bé gái tên Coco chào đời. Khi nhập viện, Wu phải sử dụng tên khác để điền vào mục tên người mẹ. Vì không có tiền, cô đã bán giấy khai sinh của đứa trẻ cho người khác.

Sau khi sinh con, Wu kết hôn với Zhang. Cuộc sống dần tốt lên nhưng việc xin hộ khẩu cho Coco không thành vì không có giấy khai sinh, cũng không thể nộp hồ sơ xét nghiệm quan hệ huyết thống.

Trung Quốc đã cấm tất cả hình thức mang thai hộ vào năm 2001 do lo ngại phụ nữ nghèo bị bóc lột. Ảnh: Stockbyte.

Wu cho biết gia đình đã tốn gần 90.000 NDT trong mấy năm qua để giải quyết hộ khẩu cho con gái. Tuy nhiên, hai vợ chồng phần lớn gặp phải lừa đảo.

Tuyệt vọng, Wu tìm đến gia đình bố mẹ đẻ của Coco, những khách hàng năm xưa, với hy vọng cô bé sẽ được đón nhận. Song, cặp vợ chồng này đã có hai người con khác cũng nhờ qua mang thai hộ. Nhìn thấy ảnh của Coco, người chồng khen cô bé xinh xắn nhưng không có ý định nhận con hay hỗ trợ tiền nuôi.

Đường cùng, Wu tìm đến báo chí và kể về câu chuyện của mình trải qua.

“Tôi biết mình sai phạm khi mang thai hộ và bán giấy khai sinh của con. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hình phạt miễn là giúp con gái được đi học”, người mẹ nói.

Tuy nhiên, Wu không hối hận khi sinh ra Coco. Không phải quan hệ máu mủ, cô bé vẫn được gia đình Zhang và Wu yêu quý như con ruột. Dù nhà không quá khá giả, hai người vẫn dành tiền mua sữa, tã nhập khẩu cùng nhiều đồ chơi cho cô bé.

Song, mong muốn cho Coco đi học vẫn chưa thể hiện thực.

Khi câu chuyện được đăng tải lên báo, không chỉ truyền thông rầm rộ, cảnh sát địa phương cũng vào cuộc điều tra. Wu lo lắng lực lượng chức năng sẽ mang con gái mình đi.

“Bây giờ, tôi chỉ có thể chịu trách nhiệm cho sai lầm trong quá khứ của mình”, người mẹ thở dài.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-dau-cua-nguoi-phu-nu-mang-thai-ho-post1175619.html