Nỗi đau của nền bóng đá

Không loại trừ khả năng VFF chọn cách thông báo rộng rãi việc tuyển chọn theo kiểu 'việc tìm người' để tìm kiếm người ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch VFF, khi lần thứ 3 Tiểu ban nhân sự Đại hội phải ra thông báo thời hạn nhận đề cử, ứng cử để lựa chọn thêm ứng viên.

Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn sẽ rút tranh cử Chủ tịch khóa VIII. Ảnh: H.A

Chứng kiến hình ảnh biển người với hơn nửa triệu cổ động viên chào đón những người hùng trở về sau chức vô địch World Cup 2018 của Đội tuyển Pháp lẫn Á quân Croatia, rất nhiều người liên tưởng đến U.23 Việt Nam cùng màn chào đón “vô tiền khoáng hậu” hôm nào. Thực tế, đến hơn nửa năm sau chiến công ở vòng Chung kết U.23 Châu Á 2018 thì ảnh hưởng và sức nóng của “từ khóa” U.23 Việt Nam vẫn còn nguyên với bóng đá Việt cũng như trong đời sống xã hội.

Thế nên thật bi kịch và cả cay đắng khi bóng đá với giá trị, quyền lực và sức mạnh to lớn như thế nhưng ngành thể thao lại bất lực trong việc kiếm một người xứng đáng để đứng đầu.

“Con số 0” và 3 lần thông báo để “đi tìm Chủ tịch VFF”

“Để tăng cường tập hợp, huy động các ứng viên có khả năng lãnh đạo, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý, tổ chức hoạt động bóng đá trong nhiệm kỳ VIII, trân trọng đề nghị các tổ chức thành viên xem xét, giới thiệu và đề cử nhân sự mới ứng cử vị trí chủ chốt gồm: Chủ tịch và các phó chủ tịch…”. Ngày 17.7, Tiểu ban nhân sự Đại hội VFF khóa VIII có công văn thông báo về việc một lần nữa tiến hành đề cử bổ sung mới các ứng viên.

Đây là lần thứ 3 chỉ sau hơn 3 tháng, VFF phải thông báo tìm ứng cử viên. Lần đầu tiên, ngay ở khâu chuẩn bị nhân sự đã xuất hiện lùm xùm khi tiêu chí “có bằng đại học” thành đề tài gây tranh cãi rồi cả nghi ngờ về động cơ, mục đích trong việc quy hoạch, “xếp mâm” để loại người này, người kia. Vấn đề trở thành nghiêm trọng hơn khi một số thành viên VFF tiết lộ việc có đề cử nhưng không thấy tên bầu Đức xuất hiện. Và ông Đức dù tuyên bố rút, vẫn nhận được nhiều phiếu tín nhiệm nhưng bất ngờ bị âm thầm gạch tên và sau đó những phản ứng dữ dội đã tuyên bố “tẩy chay”. Bởi thiếu sót này, việc gia hạn đề cử, ứng cử được tiến hành bên cạnh quyết định xóa sổ đề xuất làm quan chức VFF phải có bằng cử nhân.

Thêm một lần gia hạn đề cử và ứng cử, ngoài một số gương mặt mới xuất hiện cho các vị trí phó chủ tịch, chức danh quan trọng nhất là Chủ tịch VFF vẫn không có cái tên nào sáng giá tạo được sự đồng thuận, thuyết phục. Đáng nói, vì lý do chủ quan cũng như hệ quả của việc “đấu đá”, có thêm hàng loạt cái tên rút lui và mới nhất là việc xin rút không tranh cử vị trí đứng đầu VFF của đương kim Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn.

Bởi ông Lê Quý Phượng - nguyên Giám đốc Trung tâm TDTT 2 TPHCM - gần như chắn chắn sẽ rút nên cuộc đua nếu có thì chỉ còn 2 người là ông Cấn Văn Nghĩa - nguyên Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia và ông Nguyễn Công Khế - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT VPF. Tuy nhiên, cả 2 nhân vật này đều không nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và được cho là thiếu thích hợp với trọng trách người đứng đầu nền bóng đá.

Vậy là gần 1 năm chuẩn bị nhân sự cho ghế Chủ tịch VFF, giờ gần như công tác nhân sự vẫn bằng không và lại phải làm lại từ đầu, với việc đi tìm một ứng viên mới trong sự rối trí và bất lực của ngành thể thao.

Cần sự can thiệp và cả “đường ray” cho bóng đá

Về bản chất, việc thêm một lần gia hạn để có thêm đề cử, ứng cử chức Chủ tịch VFF chỉ là hình thức “câu giờ”, có thêm thời gian và cơ hội cho việc tìm phương án cũng như lối thoát. Bởi sau vài lần hoãn rồi đến giờ vẫn chưa thể xác định thời gian Đại hội, với 2 lần giới thiệu và bổ sung nhân sự ứng viên, các thành viên VFF lẫn Tiểu ban nhân sự đều bất lực trong việc đưa ra giải pháp hay một cái tên xứng đáng và những người có trách nhiệm bế tắc đến mức tính đến cả phương án cuối cùng là một quan chức ngành thể thao đứng tên làm Chủ tịch VFF.

Theo tìm hiểu, từ vài tháng qua việc vận động cũng như đặt vấn đề với nhiều doanh nhân thành đạt, có tình yêu, tâm huyết hoặc liên quan tới bóng đá cũng được xúc tiến. Tuy nhiên, tất cả đều lắc đầu từ chối với lý do không thích hợp hoặc bận việc, không thể thu xếp thời gian dành cho bóng đá.

Với những gì diễn ra bao năm qua, cùng với đặc thù phức tạp cùng nhiều vấn đề tồn tại của bóng đá Việt Nam, nhiều người nhìn vào thấy sợ không dám dấn thân, đó là sự thật. Tuy nhiên, bản chất vấn đề có lẽ nằm ở chỗ thời điểm này để tìm một nhân vật có uy tín, vị thế xứng tầm cho vị trí chèo lái cả nền bóng đá thì vượt tầm của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên VFF là Tổng cục TDTT và Bộ VHTTDL. Cần những cấp cao hơn, với những người có tiếng nói có thể trực tiếp thuyết phục, ủng hộ và đồng hành để xây dựng một cơ chế, một “đường ray” thuận lợi cho con tàu bóng đá Việt Nam chạy khi bắt đầu một nhiệm kỳ mới.

Vấn đề là ai và bằng cách nào thì câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ. Thật bi kịch cho bóng đá Việt.

GIANG ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/noi-dau-cua-nen-bong-da-619544.ldo