Nỗi đau của gia đình nạn nhân trong vụ cháy ở nhà máy thép Hòa Phát

'Nhiều lần đưa con thắp hương cho bố là chúng lại nhìn mẹ rồi hỏi bố ở đâu, lúc ấy em chỉ biết gạt nước mắt rồi im lặng', vợ nạn nhân vụ cháy ở nhà máy thép Hòa Phát khóc nghẹn.

Người thân nạn nhân trong vụ cháy ở nhà máy thép: Sao bỏ vợ con đi? Người thân những công nhân tử vong trong vụ hỏa hoạn ở nhà máy thép Hòa Phát (Hải Dương) đau đớn, gào khóc trước sự ra đi quá đột ngột của họ và chưa tin đó là sự thật.

Ngày 9/5, thi thể các nạn nhân xấu số trong vụ hỏa hoạn tại Công ty CP Thép Hòa Phát (Hải Dương) đã được người thân, làng xóm mai táng. Miền quê huyện Kinh Môn và Kim Thành nơi những công nhân gặp nạn vẫn còn bao trùm không khí tang tóc.

Nhiều người còn chưa hết bất ngờ về vụ tai nạn lao động cháy nổ và thương xót cho các nạn nhân.

Việc nặng nhọc, lương ít

Căn nhà hai tầng vừa xây còn màu sơn mới nằm trong con hẻm nhỏ hơn 1 m phía cuối thôn, nơi nạn nhân Bùi Văn Tung (33 tuổi, xã Thăng Long, huyện Kinh Môn) sinh sống, bà con lối xóm đang tập trung đông phụ giúp vợ con, mẹ già của anh chuẩn bị mâm cơm cúng cho người đã khuất.

Người dân ở đây nói rằng từ hôm con trai gặp nạn, bà Nguyễn Thị Lê (66 tuổi, mẹ anh Tung) ngất lên ngất xuống, sức khỏe bà càng yếu hơn.

Bà Lê ngất lên ngất xuống từ ngày con trai gặp nạn. Ảnh: Văn Chương.

Bà Lê ngất lên ngất xuống từ ngày con trai gặp nạn. Ảnh: Văn Chương.

Ngồi trong phòng khách nơi đặt tấm di ảnh con, bà Lê hướng đôi mắt thâm quầng nhìn con trai sau làn khói hương nghi ngút, một lúc bà lại gào khóc gọi tên con với giọng mệt mỏi: “Con ơi! Mấy hôm trước con còn dậy sớm ăn cơm đi làm mà giờ con ở đâu, sao bỏ mẹ, bỏ vợ trẻ, con thơ mà đi, con ơi!”.

Bà Lê cho biết Tung là con út trong gia đình hai anh em. Từ nhỏ Tung đã vất vả, cha mất sớm, anh trai hay bị bệnh nên hết lớp 7, Tung xin nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ lo cho gia đình.

Sau này lấy vợ, sinh con, anh xin vào làm công nhân tại nhà máy thép. Nhìn con vất vả, lương lại không đáng bao nhiêu, nhiều lần bà Lê khuyên con trai chọn việc khác nhưng anh vẫn bám làm, còn xin thêm giờ để có tiền lo cho gia đình.

“Thấy nhà dột nát, nó bàn vợ dùng hết số tiền ít ỏi tiết kiệm được rồi vay thêm ngân hàng, xây căn nhà hai gác, gắng làm trả nợ dần. Khi nhà xây xong chưa bao lâu, nó đã vội đi”, bà Lê nghẹn ngào.

Vừa cùng hai con nhỏ đi thăm mộ chồng trở về, chị Nguyễn Thị Phượng (34 tuổi, vợ anh Tung) không kìm nổi nước mắt khi nhắc về người chồng xấu số.

Ôm đứa con trai nhỏ vào lòng, người vợ trẻ kể vợ chồng chị có với nhau hai cậu con trai. Đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ chỉ mới 5 tuổi. Trước ngày gặp nạn, chồng chị vẫn dậy sớm ăn cơm để đến chỗ làm.

Hai đứa con nhỏ chị Phượng liên tục hỏi bố. Ảnh: Văn Chương.

Nhưng không ngờ, đó cũng là bữa cơm cuối cùng chị nấu cho chồng. Khoảng 10h khi chị đang làm ngoài đồng thì nhận tin chồng gặp nạn lúc đang làm việc và đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Chưa tin là sự thật, chị tức tốc chạy về nhờ người hỏi một số công nhân làm cùng chỗ chồng, mới hay anh Tung cùng 3 người khác bị bỏng nặng do vụ hỏa hoạn tại công trường.

“Mọi người đưa tôi lên viện thì chỉ thấy người cháy đen nằm bất động trong lớp vải bọc kín, không nhìn rõ mặt. Họ bảo chồng tôi đã qua đời. Chân tay tôi bủn rủn, không còn nghĩ được gì”, chị Phương nhớ lại.

Theo người vợ, chồng chị đã làm việc ở nhà máy thép được khoảng 6 năm. Công việc vất vả, độc hại nhưng do anh hay tiếc việc nên thường xin làm thêm giờ. Tuy nhiên, tiền lương anh chỉ từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng/tháng.

Cuộc sống tuy vất vả nhưng vợ chồng anh chị vẫn bảo ban nhau cố gắng. Thương chị hay ốm đau, mọi việc anh Tung lo toan hết. Ngoài việc ở công ty, thời gian rảnh anh còn đi phụ hồ kiếm thêm thu nhập.

"Chồng em mất rồi, giờ em không biết làm sao nữa. Nhiều lần đưa con thắp hương cho bố là các cháu lại nhìn mẹ rồi hỏi bố ở đâu, lúc ấy cũng chỉ biết gạt nước mắt rồi im lặng", chị Phượng nghẹn lại.

Nhìn cảnh côi cút, nhiều người sống cạnh lo lắng về tương lai hai đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi. Liệu bố chúng mất rồi, người mẹ trẻ thường xuyên đau ốm có đảm đương nổi cuộc sống và cả việc học cho chúng.

Mong làm rõ nguyên nhân

Tại xã Kim Lương, huyện Kim Thành, nhiều người dân thôn Lương Xã Bắc cuối ngày vẫn đang phụ dọn đồ đạc sau buổi mai táng nạn nhân Hứa Văn Tâm, chồng của bà Ngô Thị Thảo (50 tuổi), một trong 4 người gặp nạn trong vụ cháy nổ lò thổi cao nhà máy thép.

Người phụ nữ vừa mất chồng trông phờ phạc, đôi mắt đỏ hoe cứ nhìn ra cửa như mong chờ điều gì đó. Trước sân, ba đứa con (2 gái, 1 trai) của vợ chồng ông Tâm mỗi người một góc. Họ vẫn chưa tin gia đình từ nay sẽ không còn nghe giọng nói của người chồng, người cha.

Bà Thảo chưa thể tin chồng bà đã vội bỏ bà và các con ra đi. Ảnh: Phạm Trường.

Nỗi đau quá bất ngờ khiến căn nhà nhỏ chìm trong im lặng, chỉ nghe tiếng kinh từ phía bàn thờ vọng ra.

Khoảng 11h ngày 7/5, lúc đang đi làm, bà nhận hung tin chồng gặp nạn ở công trường nhưng vẫn chưa tin đó là sự thật. Cầm máy gọi cho người em làm cùng chồng, mới sững người khi biết đó là sự thật.

“Lên đến viện họ bảo chồng tôi bị bỏng nặng, nhiều bộ phận trên cơ thể bị cháy, co cứng, rất khó nhận dạng. Nghe bác sĩ bảo chồng tôi không qua khỏi, tôi không nghĩ được gì nữa, như thể mọi thứ đổ sụp trước mắt”, bà Thảo nhớ lại.

Khi đưa thi thể nạn nhân về nhà, người thân của ông Tâm cho rằng nạn nhân cùng 3 người khác bị bỏng nặng như vậy không đơn thuần chỉ là do cháy bao bì. Họ mong cơ quan công an sớm điều tra, làm rõ vụ việc.

Người vợ cho biết chồng bà làm công nhân ở nhà máy thép hơn 9 năm. Công việc xây lò được biết rất vất vả, độc hại nhưng lương tính theo sản phẩm nên dù tăng ca, số tiền nhận được cũng chẳng được bao nhiêu.

“Ông ấy bảo làm thêm ít năm rồi xin nghỉ về trồng rau, nuôi gà. Vậy mà giờ ông ra đi, tôi biết phải xoay xở thế nào”, bà Thảo khóc và liên tục gọi tên chồng.

Trước đó, khoảng 9h30 ngày 7/5, trong quá trình sửa lò thổi số 2 tại khu liên hợp gang thép Hòa Phát (Hải Dương) ngọn lửa bùng phát. Hỏa hoạn khiến 4 công nhân tử vong.

Bốn nạn nhân trong vụ việc là Hứa Văn Tâm (52 tuổi, trú tại xã Kim Lương, huyện Kim Thành); Nguyễn Văn Tưởng (49 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh); Bùi Văn Tung (33 tuổi, trú tại xã Thăng Long, huyện Kinh Môn) và Vũ Văn Tuyền (32 tuổi, trú tại xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn).

Phạm Trường - Văn Chương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/noi-dau-cua-gia-dinh-nan-nhan-trong-vu-chay-o-nha-may-thep-hoa-phat-post841298.html