Nỗi đau âm ỉ dưới vẻ tươi vui của Vũ Hán

Trên bề mặt, cuộc sống ở Vũ Hán đang nhộn nhịp như chưa từng trải qua đợt phong tỏa 76 ngày.

Người dân Vũ Hán khiêu vũ bên bờ sông Trường Giang. (Ảnh: CNN)

Người dân Vũ Hán khiêu vũ bên bờ sông Trường Giang. (Ảnh: CNN)

Vào lúc bình minh, những người bán hàng rong bận rộn dỡ rau quả từ xe xuống. Các nhân viên văn phòng ngồi đầy các quán ăn trong giờ nghỉ trưa. Đến khi chiều xuống, những cụ già thong thả tập thể dục trong công viên bên bờ sông Trường Giang. Những chiếc đèn lồng đỏ được treo khắp thành phố trước dịp Tết âm lịch.

Một năm đã trôi qua từ khi thành phố 11 triệu dân ở miền trung Trung Quốc trải qua đợt phong tỏa đầu tiên của thế giới vào ngày 23/1. Ít nhất 3.869 người dân ở đây chết vì virus.

Thế giới sững sờ khi những chuyến bay, tàu và xe buýt bị cấm ra vào Vũ Hán, những tuyến đường cao tốc bị chặn lại và người dân bắt buộc phải ở nhà, phụ thuộc vào các cán bộ và tình nguyện viên mua hộ những đồ dùng thiết yếu hằng ngày.

Thời gian đầu, các bệnh nhân, gia đình và cả nhiều nhân viên y tế cũng khó vào viện.

Nhưng chính phủ Trung Quốc sau đó đã triển khai những bước đi quyết liệt để khống chế đại dịch. Vũ Hán sau đó trở thành bài học thành công trong đánh bại dịch bệnh. Thành phố này không báo cáo ca nhiễm nào ở địa phương trong mấy tháng qua.

Bây giờ, người dân thành phố nói một cách tự hào về sự bền bỉ và sức mạnh của thành phố, cũng như những nỗ lực trong đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Nhưng các biện pháp quyết liệt cũng gây ra nhiều tổn thất lớn cho người dân. Và dù thành phố đã trở lại cuộc sống bình thường, những vết thương về cảm xúc vẫn ám ảnh nơi này.

Những cư dân mất người dân vì virus vẫn đang sống với nỗi buồn và sự trách móc vì chính quyền sai lầm trong giai đoạn đầu khi không sớm thông báo sự thật.

“Tìm kiếm sự thật là cách tốt nhất để tưởng nhớ con gái tôi”, bà Yang Min, 50 tuổi, nói. Bà vẫn nghĩ rằng con gái bà không mất mạng nếu biết virus corona lây từ người sang người chỉ sớm hơn 4 ngày.

Vũ Hán đón năm mới 2020 bằng màn đếm ngược có sự tham gia của hàng ngàn người. (Ảnh: CNN)

Ngày 16/1/2020, cô con gái 24 tuổi của bà vào viện để hóa trị bệnh ung thư vú. Các nhân viên bệnh viện lúc đó đã nhiễm virus, nhưng thông tin chưa được công khai. Giới chức Vũ Hán lúc đó khẳng định “chưa có bằng chứng virus lây từ người sang người” và “có thể ngăn chặn và kiểm soát được”.

3 ngày sau, trước khi chính quyền thừa nhận virus lây từ người sang người, con gái bà Yang bị sốt cao. Cô được chuyển viện, sau đó được đưa vào bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi chuyên điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Con gái bà chết ở đó vào ngày 6/2.

Bà Yang cho rằng con gái bà đã nhiễm virus trong bệnh viện và trách móc chính quyền không sớm công khai về tính nghiêm trọng và bản chất của dịch bệnh. “Nếu tôi biết ở đó có bệnh truyền nhiễm, tôi đã không đưa con đến đó. Tôi đưa con đến viện để sống chứ không phải để chết”, bà nói.

Bản thân bà Yang cũng mắc COVID-19. Chồng bà không báo tin con gái bà đã qua đời cho đến khi bà hồi phục.

“Ký ức cuối cùng của tôi về con gái là đỉnh đầu của nó khi ngồi trên xe đẩy. Nó thậm chí không quay lại nhìn tôi. Nó vẫn khiến tôi đau đớn”, bà nói.

Bà Yang không phải người duy nhất trách móc chính quyền. Mất bố vì COVID-19, anh Zhang Hai dành gần như cả năm ngoái để kiện đòi chính quyền bồi thường.

Kiện chính quyền là việc hiếm có ở Trung Quốc, vì các vụ kiện như vậy chẳng đi đến đâu.

Nhưng Zhang không nản chí. Anh nộp đơn kiện chính quyền TP Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc từ tháng 6 năm ngoái, nhưng bị tòa án địa phương bác đơn. Hai tháng sau, anh nộp đơn lên tòa cấp cao hơn, nhưng lại bị gạt. Đến tháng 11, anh kiện lên tòa án tối cao, nhưng đến giờ vẫn chưa được phản hồi.

Giống như bà Yang, anh Zhang cho rằng chính quyền Vũ Hán có lỗi khi giấu sự thật về virus corona.

Ngày 17/1, một ngày sau khi bà Yang đưa con gái đến bệnh viện điều trị ung thư, anh Zhang đưa bố mình đến một bệnh viện ở Vũ Hán để chữa rạn chân. Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, nhưng bố anh mắc COVID-19 khi đang điều trị phục hồi. Ông qua đời vào ngày 1/2, ở tuổi 76.

“Nếu chính quyền Vũ Hán không che giấu, bố tôi đã chưa phải rời thế giới này”, anh nói.

Khẩu trang là thứ duy nhất ở Vũ Hán còn nhắc nhớ về giai đoạn phong tỏa vì đại dịch. (Ảnh: CNN)

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền sẽ đền bù cho nỗi đau của bà Yang và anh Zhang. Một tuần trước lễ tưởng niệm 1 năm phong tỏa Vũ Hán, nhóm WeChat của hơn 90 gia đình mất người thân vì COVID-19 bị khóa, anh Zhang cho biết. Nhóm này là nơi các gia đình chia sẻ nỗi đau và mất mát của mình.

Đối mặt với nhiều chỉ trích và cáo buộc từ khắp thế giới, Trung Quốc huy động lực lượng tuyên truyền viên và thắt chặt kiểm soát để định hình lại cách mô tả về phản ứng của nước này đối với đại dịch ở giai đoạn đầu.

Thành công của Trung Quốc trong kiểm soát virus được dùng làm bằng chứng để phủ nhận bất kỳ sai lầm nào.

Giới chức Trung Quốc dùng câu chuyện Vũ Hán để nói về chủ nghĩa anh hùng, tình đoàn kết và chiến thắng.

Tại một trung tâm hội nghị trong thành phố, nơi từng biến thành một địa điểm cách ly tạm thời dành cho các bệnh nhân COVID-19, một triển lãm được mở vào tháng 10 để tưởng nhớ cuộc chiến của thành phố trước đại dịch.

“Đặt con người và mạng sống lên trên hết – Một triển lãm đặt biệt về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19” là tên triển lãm. Ở đó có hơn 1.000 hiện vật, nhắc nhở người xem về những nỗ lực và hy sinh của các nhân viên y tế, binh lính, tình nguyện viên, quan chức và những công dân trong cuộc chiến với kẻ thù không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Sự lãnh đạo của chính quyền trong cuộc chiến được tô đậm trong cuộc triển lãm, nhưng không thấy sự đề cập nào về những sai lầm mà họ đã phạm phải.

Bình Giang

theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/noi-dau-am-i-duoi-ve-tuoi-vui-cua-vu-han-1783996.tpo