Nơi đất 'nở hoa'

Vùng ven biển xứ Thanh vốn là nơi khởi phát của nhiều nghề, làng nghề truyền thống như chiếu cói Nga Sơn, nước mắm Ba Làng, nghề đan lưới ở Sầm Sơn... Với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của con người, nơi đây đất tạo ra những sản phẩm không chỉ ngày càng đẹp, có giá trị kinh tế, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa riêng.

Bằng đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ ở khu phố Tân Lập, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) đã gìn giữ và phát triển nghề truyền thống đan lưới mang đậm bản sắc văn hóa của vùng biển đến ngày nay. Ảnh: Nguyễn Đạt

Khu phố Tân Lập, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), vốn chỉ là một xóm nhỏ ven biển, nhưng đã sớm hình thành nghề truyền thống đan lưới.

Chẳng ai nhớ nghề này có từ khi nào, chỉ biết rằng đây là nghề “cha truyền con nối”. Những người phụ nữ khi lên 5 lên 7 đã theo mẹ học nghề. Nghề đan lưới không khó khăn, vất vả, nhưng đòi hỏi người thợ đan phải rất tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn mới có được những tấm lưới chất lượng. Chính vì yêu cầu kỹ thuật không cao, nên bất kỳ độ tuổi nào, nếu cần mẫn và khéo léo, cũng có thể đan. Hiện, khu phố Tân Lập có khoảng 30 nhân công gắn bó với nghề đan lưới, trong số đó có cả những em nhỏ vừa đi học vừa làm thêm khi có thời gian rảnh rỗi.

Tay cầm con thoi đưa nhanh, thoăn thoắt buộc từng nút phao vào lưới chắc chắn, gọn, đẹp và đúng kỹ thuật, chị Dương Hồng Loan, người bám trụ với nghề đan lưới đã khá lâu, bộc bạch: “Tôi lựa chọn công việc này vì không quá nặng nhọc và không đòi hỏi trình độ học vấn, chỉ cần nhanh tay, tỉ mỉ. Nhờ lưới sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu là nhạy, dễ dính cá, thích nghi địa thế mương, sông, biển... nên sản phẩm bán rất chạy giúp tôi có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”.

Nhớ lại những năm đói kém, khó khăn, chính những chiếc lưới vó vừa giúp người dân đi khắp vùng đánh bắt tôm cá kiếm ăn, vừa là mặt hàng kinh doanh hiệu quả; ông Nguyễn Trọng Tỷ, trưởng khu phố Tân Lập, cho biết: Tuy mức thu nhập từ nghề chưa cao, nhưng nếu chăm chỉ, mỗi tháng những người làm nghề cũng có khoản thu từ 1,5 đến 2 triệu đồng để trang trải thêm cho cuộc sống.

Với người dân vùng biển, thì nước mắm được ví như tinh túy của đất trời, biển cả và con người. Nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) có mùi đặc trưng, thơm nồng hương biển, ngọt đậm vị đạm. Cũng bởi thế nghề làm nước mắm Khúc Phụ từ lâu đã trở thành một “sản phẩm văn hóa” độc đáo của cư dân miền biển.

Đi dọc con đường nhỏ quanh co trong khu dân cư thôn Bắc Sơn, thôn Hợp Tân, xã Hoằng Phụ, nhà nào cũng tỏa hương nước mắm thơm nức. Ông Nguyễn Minh Quyết, giám đốc HTX chế biến nước mắm Khúc Phụ, chia sẻ: làng nghề có khoảng 150 hộ đăng ký làm nghề chế biến nước mắm, trong đó có hơn 50 hộ vào HTX. Còn lại các hộ đều sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là bán hàng trực tiếp tại nhà hoặc các chợ. Thu nhập trung bình của các hộ trong HTX chế biến nước mắm khá ổn định, khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Nước mắm Khúc Phụ được chế biến bằng phương pháp gài nén. Những con cá tươi xanh được rửa sạch, trộn đều với phụ gia: muối trắng sạch, thính gạo, vừng rang, đường, rồi cho vào thùng, chum, vại để ủ. Ở phía trên cùng đặt một tấm đan bằng nan tre sạch, đè lên một hòn đá nặng không cho cá nổi. Những thùng ủ 1 tấn cá phải từ 18 tháng đến 2 năm mới chín và rút được. Trong thời gian đó, người làm nghề phải coi sóc cẩn thận, tránh mưa, đủ nắng. Cũng từ sự tỉ mỉ đó nên nước mắm Khúc Phụ đã chiếm được sự yêu mến của khách hàng ở khắp mọi miền đất nước.

Làng nghề truyền thống chế biến hải sản tại các phường Hải Thanh, Hải Bình, Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) từ lâu đã nổi tiếng với các mặt hàng hải sản khô truyền thống, như: tôm, mực, cá chỉ vàng, moi và nước mắm các loại... Quy trình chế biến hải sản khô cơ bản vẫn theo cách thức thủ công truyền thống. Những năm gần đây, để từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường và đưa sản phẩm vươn xa hơn, người làm nghề cũng đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để làm ra sản phẩm ngon hơn, mở rộng sản xuất hướng đến sản phẩm sạch. Được biết, nghề chế biến hải sản khô đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ, với thu nhập bình quân từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Ngoài việc chế biến hải sản khô, nhiều hộ còn làm đầu mối thu gom các sản phẩm hải sản để cung cấp cho các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Trải qua hàng trăm năm, tồn tại và phát triển, nhiều làng nghề truyền thống đã trải qua không ít “thăng trầm” mà chỉ người làm nghề mới thấu hết. Nhớ lại thời còn khó khăn, bác Nguyễn Văn Chữ, người làm nước mắm Do Xuyên - Ba Làng lâu đời ở phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn), chia sẻ: Gia đình tôi đã nhiều đời làm nước mắm. Ngày xưa, nước mắm sau khi làm xong đóng vào can, lọ rồi mang đi bán khắp nơi. Tuy nhiên, số lượng chẳng được là mấy. Có những thời điểm tưởng không giữ được nghề. Những năm gần đây, thương hiệu nước mắm Do Xuyên - Ba Làng dần có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người ưa chuộng nên những người làm nước mắm cũng đỡ vất vả hơn”.

Gắn bó với nghề đan lưới từ khi chỉ mới là đứa trẻ, đến nay bà Lường Thị Hòa, ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) dù đã lên chức bà nội, bà ngoại nhưng vẫn còn nặng lòng với nghề. Bà Hòa bảo, cái nghề đã trở thành niềm đam mê, thậm chí là thú vui của tuổi già rồi. Ngày nào không đan, không vá là như... ốm dở. Không nhớ, không yêu sao được khi cái nghề ấy đã đi qua nhiều thế hệ, từ đời ông đến đời cha mẹ rồi đến với cuộc đời bà như một điều tất yếu. Cái lưới cũng là nơi gặp gỡ, xe duyên để vợ chồng bà gặp nhau và gắn bó một đời. Vì vậy bà luôn cố gắng “truyền lửa” cho thế hệ sau kế tiếp.

Có thể nói, ngoài giá trị kinh tế, các nghề, làng nghề ven biển còn mang nhiều nét văn hóa đặc trưng có thể khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các nghề, làng nghề vẫn mang tính tự phát; mẫu mã, bao bì sản phẩm còn đơn điệu. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu để các làng nghề mở rộng sản xuất; xây dựng các trung tâm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm cho khách du lịch...

Do vậy, để phát triển bền vững các nghề, làng nghề gắn với du lịch, cần sự quan tâm đầu tư đồng bộ từ nguồn lực, con người đến cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người làm nghề trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/noi-dat-no-hoa/132733.htm