Nối dài đường học cho trẻ khuyết tật
'Phải làm sao để HS của mình học lên THPT' – thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương lai (Đà Nẵng) nhiều năm nay vẫn tìm cách giải bài toán nối dài đường học cho HS của mình.
Học nghề để “ấm lấy thân”
Trần Hoài Trang (quê ở thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam) có 18 năm gắn bó với Trường Chuyên biệt Tương lai. Trang bị khiếm thính, ba mẹ đưa em về Đà Nẵng xin học hồi 6 tuổi, có bà ngoại theo về chăm sóc. Sau khi Trang hết tuổi học, ra trường, thầy Nguyễn Duy Quy thấy cô bé không có nghề nghiệp gì để có thể nuôi sống bản thân nên gọi Trang về lại trường, cho cô học làm nail, hoa vol và gửi Trang học nghề làm bánh ở Trường Hướng nghiệp Á - Âu Đà Nẵng. Giờ Trang đã có thể làm những chiếc bánh cupcake, sinh nhật theo đơn đặt hàng của một số trường học mà thầy Quy kết nối giúp học trò. Trường tận dụng căn phòng bảo vệ làm nơi cho các em làm và trưng bày sản phẩm, dành một góc của phòng bếp cho Trang có chỗ đặt lò nướng bánh. Từ câu chuyện của Hoài Trang, Trường Chuyên biệt Tương lai đã nghĩ đến hướng đi dài hơi khi tính đến bài toán hướng nghiệp cho HS một cách bài bản.
Trường Chuyên biệt Tương lai (Đà Nẵng) bắt đầu dạy hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật trí tuệ (KTTT) từ năm học 2015 - 2016, với nghề làm hương. Thầy Nguyễn Duy Quy cho biết: Với học sinh KTTT, chương trình giáo dục dừng lại ở bậc tiểu học. Không đủ khả năng để học hòa nhập ở bậc THCS trong khi chưa có chương trình dành riêng cho HS dạng tật này nên nếu gia đình nào không đủ điều kiện cho con theo học ở các trung tâm bên ngoài thì “rời trường ra các em thường ở nhà”.
Có nhiều phụ huynh, dù con đã tốt nghiệp 1 - 2 năm, vẫn quay trở lại trường bày tỏ nguyện vọng muốn gửi con theo học trở lại, bởi “các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội của các em bị mai một đi nhiều, chỉ còn giữ lại được kỹ năng tự phục vụ”. Nếu mở các lớp nghề nối đuôi để các em vẫn tiếp tục được rèn luyện kỹ năng và có cơ hội tiếp cận một nghề nghiệp nào đấy, từ những trăn trở như vậy, thầy Nguyễn Duy Quy cùng đội ngũ GV nhà trường tìm mọi nguồn hỗ trợ để giúp HS có một nghề để tự nuôi sống bản thân sau này.
Hiện, Trường Chuyên biệt Tương lai có 20 em theo học nghề làm hương. Với HS từ 16 - 18 tuổi, các em có thể làm các quy trình từ sản xuất đến thành phẩm. Một số HS khác theo học nghề làm nail, hoa đá. Theo thầy Quy, nhà trường xác định đem kiến thức, kỹ năng và nghề cho các em là niềm hạnh phúc và thành công của người thầy.
Giai đoạn chuyển tiếp để sống hòa nhập
Đều đặn vào chiều thứ 5 hàng tuần, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, tiền thân là Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) tổ chức bán các sản phẩm do học sinh làm ra, như dưa cà, rau sạch, sữa chua, móc khóa, hương, chả xiên… trong khuôn viên của trung tâm. Khách hàng mua thường xuyên cũng chủ yếu là giáo viên, nhân viên, phụ huynh của Trung tâm và học sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền ở gần đó.
Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên – Giám đốc Trung tâm cho biết: Ngoài chương trình học văn hóa và tiết can thiệp cá nhân, học sinh từ 12 tuổi trở lên, không có khả năng học chữ nhưng kỹ năng khác tốt được Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập chia nhóm để dạy kỹ năng tự phục vụ, làm các việc nhẹ nhàng trong gia đình, làm vườn, rửa xe. Học sinh nữ được dạy kết cườm, kết hạt, làm hoa, đồ trang sức bằng giấy. Những em có khả năng học được dạy kỹ năng đi chợ, quản lý chi tiêu trong gia đình, chế biến bữa ăn.
Ngay như hoạt động mua – bán vào chiều thứ 5 cũng là hình thức để Trung tâm giúp cho HS nhuần nhuyễn một số kỹ năng đã được học trước đó. Số tiền thu được từ phiên chợ, trừ đi tiền nguyên vật liệu, sẽ dồn lại để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HS. “Nhà trường tổ chức cho các em đi công viên, siêu thị, xem phim… Mỗi hoạt động đều dạy cho các em kỹ năng nhất định và rất cần thiết trong cuộc sống”, cô Quyên cho biết.
Trường Tư thục Thanh Tâm (Đà Nẵng) triển khai dạy nghề cho học sinh khuyết tật cho học sinh từ năm 2012, với các nghề như photoshop, may, làm bánh, nghề mộc, làm vườn. Nhà trường cũng chủ trương không tuyển tạp vụ, để học sinh tự phải tự kê bàn, bưng thức ăn, rửa dọn phòng ăn cũng như mọi việc ở lớp cùng với giáo viên để rèn kỹ năng tự phục vụ. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa vào thứ 6 mỗi tuần, các lớp sẽ tổ chức nấu nướng, làm bánh. Trường mở Công ty TNHH Xã hội Thanh Tâm, nhiều em đang làm việc tại công ty với các vị trí công việc như pha chế, làm bánh, quầy bar - là quán cà phê trong khuôn viên trường.
Hiện, học sinh bị khuyết tật thính giác ở Trường Chuyên biệt Tương lai được học với giáo trình biên soạn riêng, kéo dài đến lớp 9. Sau khi hoàn thành chương trình, nhiều em không biết đi đâu và làm gì tiếp theo trong khi không phải em nào cũng thích học nghề. Theo thầy Nguyễn Duy Quy, nhà trường đang nỗ lực để HS có thể theo học ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên hoặc tiến hành xây dựng chương trình cho học sinh khiếm thính học lên chương trình THPT như mô hình của một số trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật đang triển khai.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/noi-dai-duong-hoc-cho-tre-khuyet-tat-0uAIpZ1Mg.html