Nối dài 'cánh tay' chữa cháy tại cơ sở

Nhận thức rõ tầm quan trọng của sức dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại cơ sở, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) CAH Hoài Đức, Hà Nội đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, trang bị phương tiện, máy móc cho lực lượng chữa cháy tại khu dân cư.

Phát huy sức mạnh PCCC tại cơ sở

Nói về nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn trên địa bàn, Thượng tá Nguyễn Thành Vinh, Phó trưởng CAH Hoài Đức, Hà Nội cho hay: “Huyện Hoài Đức có 20 xã - thị trấn, trong đó có nhiều khu dân cư đông đúc, ngõ nhỏ hẹp, xe chữa cháy không vào được. Điển hình xã La Phù có làng nghề bánh kẹo và nhiều ngành - nghề kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Trước tình hình cháy nổ có diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp phòng ngừa hỏa hoạn, trong đó xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cùng với tăng cường kiểm tra, trang bị thiết bị cho lực lượng chữa cháy cơ sở, để phát huy hiệu quả phương châm '4 tại chỗ' là nhiệm vụ trọng tâm”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức kiểm tra thực tế địa bàn và sử dụng máy bơm cao áp phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu

Đưa chúng tôi đi thực tế tại địa bàn được cho là trọng điểm, tiểm ẩn nguy cơ cháy cao tại làng nghề làm bánh kẹo, Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Đội trưởng Đội PCCC & CNCH - CAH Hoài Đức chỉ tay về phía những ngõ nhỏ, hẹp phía trước mặt và nói: "Ở trong làng nghề, nới xe chữa cháy tập kết được có. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân ở đây vừa sản xuất kết hợp nhà ở trong ngõ nhỏ, sâu, nên khi xảy ra sự cố cháy rất nguy hiểm, nếu không kịp thời ngăn chặn có thể dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Xác định rõ phương châm “4 tại chỗ” là biện pháp hiệu quả, để hạn chế tối đa thiệt hại do cháy gây ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCH - CAH Hoài Đức đã lập Đội chữa cháy tại cơ sở, tập huấn, trang bị phương tiện đầy đủ, đáp ứng yêu cầu PCCC".

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Vinh, Phó trưởng CAH Hoài Đức, căn cứ Quyết định số 1738/QĐ-BQL (ngày 26/11/2013) của Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức về việc phê duyệt chi phí mua sắm trang - thiết bị, hệ thống máy bơm chữa cháy cho lực lượng chữa cháy dân phòng của các xã, thị trấn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức đã tiếp nhận 8 máy bơm chữa cháy, các vật tư thiết bị đi kèm từ Ban quản lý (BQL) đầu tư xây dựng huyện, để trang cấp cho lực lượng chữa cháy dân phòng của 8 xã trên địa bàn huyện.

CAH Hoài Đức tiếp tục bàn giao máy bơm chữa cháy cho 12 xã - thị trấn còn lại trên địa bàn huyện, đồng thời tổ chức hướng dẫn sử dụng và bảo quản hiệu quả, sử dụng đúng mục đích thiết bị chữa cháy được trang cấp.

“Trong nguyên tắc chữa cháy, công tác phát hiện sớm và chữa cháy ban đầu là rất quan trọng. Việc trang bị các máy bơm và thiết bị kèm theo rất cơ động trong công tác chữa cháy tại những địa bàn nhỏ hẹp, dân cư đông đúc, có giếng và ao hồ lân cận. Phương tiện này lực lượng cơ sở có thể triển khai dễ dàng, thao tác đơn giản và có hiệu quả tại thời điểm ban đầu”- chỉ huy CAH Hoài Đức khẳng định.

Xử lý nghiêm vi phạm

Đối với công tác phòng ngừa cháy, nổ, biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân là nhiệm vụ quan trọng, song không phải dễ thực hiện. Bởi lẽ, ý thức người dân chưa cao, cùng với đó là sự lơ là, thơ ơ với "bà hỏa" vẫn là quan niệm phổ biến. Tại làng nghề La Phù, huyện Hoài Đức, khi phóng viên hỏi một hộ dân về việc đã bao giờ gia đình mua bình chữa cháy để phòng hỏa hoạn, đã nhận được trả lời khá thờ ơ: “Cháy làm sao được mà mua”; hoặc “Nhà tôi toàn máy móc làm bằng sắt, lửa nào bén được vào”… Đó là những quan niệm, suy nghĩ xem nhẹ hỏa hoạn mà nhiều người vấp phải, chỉ đến khi xảy ra cháy ở đâu đó, họ mới giật mình tự hỏi: “Tại sao kho xưởng toàn sắt thép lại cháy kinh khủng đến thế?".

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức bàn giao, hướng dẫn lực lượng Công an xã sử dụng máy bơm cao áp, phục vụ công tác PCCC tại cơ sở

Theo chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức, ban đầu khi đơn vị tổ chức mời bà con đến Nhà văn hóa tập huấn, tuyên truyền nâng cao kỹ năng PCCC là cách để tự cứu mình, nhưng rất ít người tham gia. Tuy nhiên, CAH luôn xác định việc tuyên truyền rất quan trọng và kiên trì vận động, thuyết phục mọi người cùng tham gia, nhằm mục đích hướng tới "Mỗi người dân là một chiến sỹ cứu hỏa". Đến nay, ý thức chấp hành của người dân địa phương về công tác an toàn PCCC nâng lên rõ rệt. Tại những buổi tập huấn công tác PCCC, người dân đã đến tham gia đông hơn và sôi nổi trao đổi kinh nghiệm hữu ích về PCCC tại từng gia đình.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết lực lượng chữa cháy tại các xã của huyện Hoài Đức được xem là cánh tay đắc lực, nòng cốt trong nhiệm vụ PCCC tại chỗ. Do đó, CAH Hoài Đức đã trang bị phương tiện PCCC và tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu, để lực lượng này xử lý có hiệu quả các vụ cháy xảy ra trên địa bàn.

Chỉ huy CAH Hoài Đức chia sẻ, cùng với công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập để người dân nâng cao kỹ năng PCCC, đơn vị tập trung phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm về an toàn PCCC. Cùng với đó, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở nếu để tồn tại vi phạm không khắc phục và chây ỳ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của huyện áp dụng biện pháp mạnh xử lý”.

Chủ động rà soát, kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm về PCCC, vừa qua CAH Hoài Đức đã phát hiện và xử lý 467 lượt cơ sở vi phạm; hướng dẫn 450 hộ gia đình ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC; Đồng thời phát hiện và kiến nghị 177 cơ sở khắc phục tồn tại, thiếu sót và đưa ra 2.009 khuyến cáo về an toàn PCCC...

Đức Tuấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/noi-dai-canh-tay-chua-chay-tai-co-so/844591.antd