Nơi cuộc sống đang trở về thời chưa có đại dịch

Đài Loan từng tiên phong trong việc đóng cửa, hạn chế tiếp xúc với quốc tế để ngăn chặn đại dịch Covid-19, giờ đây hòn đảo tiếp tục thử nghiệm cách mở cửa trở lại hiệu quả.

Những ngày này, trên những con phố của Đài Bắc, người đi đường có vẻ chú tâm hơn đến việc chạy trốn cái nắng gay gắt giữa trưa hơn là duy trì giãn cách xã hội.

Thực khách xếp hàng dài bên vệ đường, đứng chờ trước những hàng quán ăn trưa nổi tiếng. Trong công viên, thanh niên họp thành nhóm lớn để tập thể dục hay nhảy theo nhạc. Cảnh tượng phần nào lạ lẫm với bức tranh chung của năm 2020, khi đóng cửa chống dịch đã trở thành điều quen thuộc.

Nếu ai vừa đến Đài Loan và tưởng mình lạc lên chuyến tàu trở về quá khứ, khi đại dịch còn chưa lây lan khắp thế giới, đó cũng là chuyện dễ hiểu.

 Người dân Đài Bắc mang khẩu trang khi mua sắm tại chợ đêm Ninh Hạ vào ngày 30/7. Ảnh: Getty.

Người dân Đài Bắc mang khẩu trang khi mua sắm tại chợ đêm Ninh Hạ vào ngày 30/7. Ảnh: Getty.

Trong khi tổng số ca nhiễm virus corona toàn cầu đã vượt cột mốc u ám 30 triệu người, cư dân ở Đài Bắc có vẻ khá thư thả. Kể từ giữa tháng 4 đến nay, thành phố chỉ ghi nhận một trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Hành động trước chuông báo động

Trên khắp Đài Loan, hòn đảo tự trị với dân số xấp xỉ 23 triệu người, tổng số ca nhiễm kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay chỉ khoảng 500, trong đó có 7 ca tử vong. Cách bờ biển Đài Loan chỉ 130 km về phía tây, bên kia eo biển, chính là Trung Quốc đại lục - nơi đầu tiên bùng phát Covid-19 trên diện rộng, trước khi đại dịch lan ra khắp thế giới.

Một trong những yếu tố chủ đạo tạo nên thành công cho Đài Loan chính là tốc độ. Chính quyền hòn đảo nhanh chóng hành động ngay khi xuất hiện tin đồn trên mạng về một loại virus bí ẩn ở Vũ Hán và một số bệnh nhân phải cách ly.

Trả lời CNN, lãnh đạo cơ quan ngoại vụ Đài Loan Joseph Wu nói hòn đảo đã đúc kết được nhiều bài học từ đợt bùng phát SARS vào năm 2003.

"Thời điểm đó, Đài Loan chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi sau này bắt đầu cải thiện năng lực ứng phó những đại dịch loại này", ông chia sẻ.

"Khi nghe tin về một số ca bệnh phổi bí mật ở Trung Quốc và bệnh nhân phải điều trị cách ly, chúng tôi biết chuyện cũ đang tái diễn", ông nói.

Giới chức y tế Đài Loan đã bắt đầu kiểm tra hành khách đến từ Vũ Hán và áp dụng các lệnh hạn chế đi lại trước khi Bắc Kinh chính thức thừa nhận mức nghiêm trọng của chủng virus mới. Trong khi cả thế giới còn đang chờ đợi thông tin, Đài Loan đã kích hoạt Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Trung ương (CECC). Đây là cơ quan điều phối liên ngành trong trường hợp khủng hoảng y tế. Quân đội được huy động tăng gia sản xuất khẩu trang và thiết bị bảo hộ.

Nhân viên sân bay Đào Viên hỗ trợ hành khách rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Ảnh: Getty.

Việc phản ứng từ sớm và quyết tâm hành động mang ý nghĩa then chốt trong ngăn chặn đại dịch từ Trung Quốc đại lục tràn sang Đài Loan. CNN nhận định chiến lược này của Đài Bắc có thể đã cứu sống hàng nghìn người.

Từ ngày 31/12/2019, các chuyến bay thẳng từ Vũ Hán sang hòn đảo bắt đầu được giám sát. Mọi hành khách đều phải kiểm tra y tế. Trong thông báo ngày 20/1, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Đài Loan xác nhận đã gửi 2 chuyên gia đến Vũ Hán "thu thập thông tin toàn diện về đợt bùng phát". Chỉ một ngày sau, hòn đảo ghi nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên. Kể từ đó, mọi trường hợp sinh sống tại Vũ Hán bị cấm nhập cảnh. Tất cả hành khách từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau đều phải kiểm tra y tế.

Phải đến ngày 23/1, Vũ Hán mới chính thức phong tỏa toàn diện.

Tháng 3, hòn đảo mở rộng các biện pháp chống dịch với lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh, trừ quan chức ngoại giao và thường trú nhân có thị thực đặc biệt.

Theo Jason Wang, Giám đốc Trung tâm Chính sách, Hệ quả và Phòng ngừa thuộc Đại học Stanford, những vùng lãnh thổ như Đài Loan "có xu hướng hành động bảo thủ" vào thời điểm chưa có gì rõ ràng.

"Họ nói dù gì thì chúng ta cứ mang khẩu trang trước đã và họ đã đoán đúng", ông nhận định.

Một nguyên nhân khác cho thành công của Đài Loan là sự thành thật về mối đe dọa. Ông Wu nói giới chức Đài Loan "báo cáo mỗi ngày, có thời điểm 2 lần/ngày, cho người dân về diễn biến tình hình một cách rất minh bạch". Ông nhận định "người dân hình thành niềm tin dành cho chính quyền trong xử lý vấn đề này".

Chính niềm tin đó giúp các yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay và cách ly được tuân thủ.

Bình thường hóa

Nhờ hành động từ sớm, cuộc sống hàng ngày tại Đài Loan giờ đây khác xa cảnh tượng phong tỏa tại nhiều nơi trên thế giới.

Sil Chen chuyển từ Đài Loan đến New York khoảng 16 năm trước và mở một dịch vụ tâm lý trị liệu. Giữa tháng 3, Chen nghi ngờ mình đã nhiễm virus corona từ một bệnh nhân ho trong buổi điều trị. Cô không thể xét nghiệm nên quyết định tự cách ly tại nhà trong 5 tuần. Phải 2 tháng sau, nhờ xét nghiệm kháng thể, cô mới biết chắc mình từng mắc Covid-19.

Chen trở về Đài Bắc vào giữa tháng 7 để thăm bà. Cô chỉ cần cách ly 14 ngày trước khi trở lại với nhịp sống bình thường trước đại dịch.

"Chúng tôi ăn tối ở nhà hàng, tập yoga nhóm với mọi người. Mọi thứ thật khó tin. Gần như ở mọi nơi khác trên thế giới, tôi khó có dịp đưa bà mình đến những nơi công cộng như vậy", Chen chia sẻ bà cô đã 99 tuổi và mắc ung thư phổi.

Jason Wang nhận định Đài Loan đã xuất sắc trong "khoa học đóng cửa". Ông nhận định hòn đảo nên có thêm bước tiến mới: tạo ra hình mẫu tốt về khoa học mở cửa trở lại cho thế giới.

Chuyên gia Đại học Stanford đề xuất chính quyền hòn đảo xem xét những hành lang du lịch hoặc "bong bóng" đi lại quốc tế tiềm năng, liên kết giữa những quốc gia và vùng lãnh thổ đã ứng phó tốt dịch bệnh. Đài Loan có thể áp dụng thời hạn cách ly ngắn hơn dựa trên cơ sở xét nghiệm âm tính liên tiếp với virus corona.

Trong khi nhiều nơi trên thế giới còn phong tỏa vì chậm trễ chống dịch, nhịp sống tại Đài Loan đã gần như trở lại bình thường. Ảnh: Getty.

Kể từ tháng 6, Đài Loan đã áp dụng cách ly ngắn hạn dành cho doanh nhân nhập cảnh đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có rủi ro thấp hoặc vừa phải. Du khách phải xét nghiệm trước khi lên máy bay, chứng minh âm tính với virus corona trong vòng 72 tiếng trước giờ bay. Vào ngày cách ly thứ 5 sau khi đến Đài Loan, họ phải xét nghiệm lại. Du khách sau đó được rời cơ sở cách ly và tự giám sát y tế trong vòng 2 tuần.

"Họ đã áp dụng những đề xuất của tôi đối với người nhập cảnh công tác, một số thị thực đặc biệt, thì sao họ không áp dụng luôn cho những trường hợp khác", ông Wang chia sẻ.

Theo chuyên gia của Stanford, chính quyền Đài Loan đang xem xét một nghiên cứu của trường về rút ngắn thời gian cách ly dựa trên tăng mật độ xét nghiệm. Ý tưởng "hành lang du lịch" được Wang xem là hướng đi thiết thực để hồi phục các nền kinh tế trên thế giới.

Wang cùng các cộng sự cũng muốn nghiên cứu du khách đến Đài Loan để kiểm tra tính hiệu quả của cách ly ngắn hạn.

"Chúng ta vẫn cần thế giới mở cửa trở lại. Thậm chí khi có vaccine, không thể đảm bảo an toàn 100%", ông chia sẻ.

Sân bay Đài Loan mở chuyến bay giả cho hành khách 'thèm' đi du lịch Trên thực tế, máy bay không cất cánh hay di chuyển đến bất cứ đâu. Đây là dịch vụ dành riêng cho những người thèm cảm giác du lịch nhưng không thể đi do dịch Covid-19.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-cuoc-song-dang-tro-ve-thoi-chua-co-dai-dich-post1133864.html