Nơi cuộc chiến đi qua...

Một ngày tháng Tư nắng ấm, chúng tôi vượt qua cầu Hiền Lương, Quảng Trị, qua Huế, xe chạy vào đường hầm dài 7km đầy ắp ánh sáng điện của đèo Hải Vân đến Đà Nẵng. Xe vòng một lượt qua thành phố sầm uất, đô hội, ngắm nhìn những chiếc cầu vươn qua sông Hàn nối hai bờ, người và xe đi lại tấp nập, chiếc cầu vượt ba tầng ở dưới chân đèo Hải Vân uy nghi đưa chúng tôi vào thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi hồi tưởng về bờ Nam đèo Hải Vân, nơi có cầu Nam Ô và kho xăng Linh Chiểu, nơi đây đã chứng kiến cuộc chiến đấu của quân giải phóng mở đường tấn công vào thành phố Đà Nẵng. Đối với tôi, nơi đây còn có một kỷ niệm một đồng đội đã anh dũng hy sinh trước giờ phút Đà Nẵng giải phóng. 

Đài tưởng niệm trong thành cổ Quảng Trị.

Cũng tại đây, 55 năm trước, quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, những trận đánh ác liệt đã diễn ra. Đà Nẵng hôm nay đã quá đổi thay, nơi đây đã từng diễn ra Festival pháo hoa quốc tế, một dấu ấn đẹp đẽ, biểu thị sự thay đổi lớn lao trong quan hệ quốc tế.

Từ Tiên Sa, chúng tôi dọc theo sông Hàn, một con đường lớn đang mở xuyên suốt qua các tỉnh miền Nam Trung bộ để dành riêng đặt tên cho vị Đại tướng huyền thoại: Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi lên Bà Nà để được thưởng thức cảm giác thú vị, lâng lâng, bay bổng khi ngồi trong ca-bin cáp treo. Cảm nhận của chúng tôi, vùng đất nơi đây đang được bàn tay và khối óc người Đà Nẵng biến rừng hoang thành khu du lịch tuyệt đẹp. Tôi bỗng liên tưởng về rừng Phong Nha-Kẻ Bàng, nơi có động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng, hang lớn nhất thế giới, tương lai là điểm du lịch hấp dẫn. Chúng tôi đi qua Khu kinh tế Chu Lai đang rộn ràng công trường để đến với Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi nơi có nhà tưởng niệm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nơi có lăng Cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, là nơi của du kích Ba Tơ đã đi vào lịch sử. Đến Quảng Ngãi, chúng tôi không thể không đến Sơn Mỹ, nơi ghi lại chứng tích ngày 16-3-1968, giặc Mỹ đã tàn sát trên 500 người dân thường vô tội bằng pháo kích và lính bộ binh Mỹ, lính Hàn Quốc, chúng bắn, giết, hãm hiếp, đốt phá, cướp bóc vô cùng dã man, biến Sơn Mỹ thành một rừng lửa, máu đổ đầy đường, đầy ruộng, một màu đỏ tang tóc, gây căm giận không chỉ đối với nhân dân miền Nam mà cả những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Tôi vốn là người lính, từng có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, được chứng kiến không khí chiến thắng oai hùng của những ngày tháng 4-1975. Hôm nay đến Sơn Mỹ, xem lại những bức ảnh, những di vật và cả những lời sám hối của những tên lính Mỹ tay dính máu ngày ấy, lòng tôi quá xúc động. Sơn Mỹ chỉ là một trong hàng ngàn tội ác mà giặc Mỹ gieo rắc ở miền Nam trong suốt 20 năm xâm chiếm. Dù bất cứ thủ đoạn đê hèn và tàn bạo nào, chúng cũng không thể hủy diệt được sức mạnh kiên cường của một dân tộc đã thề "Thà hi sinh tất cả quyết không chịu làm nô lệ", ý chí đó càng được người dân Quảng Ngãi thể hiện vào công cuộc xây dựng lại quê hương.

Chúng tôi đến Dung Quất, nhìn về dãy núi Vạn Tường đang ôm ấp một thung lũng Dung Quất, nơi đây ghi lại cuộc chiến đầu tiên của quân dân miền Nam đánh thắng một đơn vị quân Mỹ có trang bị hiện đại với sự yểm trợ của máy bay, tàu chiến. Chiến thắng Vạn Tường đã mở ra một giai đoạn mới “tìm địch mà đánh, tìm Mỹ mà diệt", làm cho chúng vô cùng hoang mang, sợ hãi!

Dung Quất bây giờ trở thành khu công nghiệp lớn, có Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhìn ra phía biển, những con tàu chở dầu thô từ giàn khoan đưa về cung cấp cho nhà máy qua hệ thống ống dẫn vào nhà máy, rồi cũng qua ống dẫn ra những bồn chứa ở cảng để xuất đi mọi miền. Nơi đây còn có những khu biệt thự đẹp thu hút khách du lịch, khu chung cư của công nhân, chuyên gia, nhà văn hóa, khu thể thao và một trung tâm truyền hình. Những con đường bao quanh chằng chịt nằm lọt giữa thung lũng cây xanh mát mẻ. Một con đường 2 chiều nối từ Khu kinh tế Dung Quất ra Quốc lộ 1 được đặt tên đường Võ Văn Kiệt để ghi công ơn vị Thủ tướng đã quyết định xây dựng nhà máy lọc dầu ở đây.

Đến đây, mỗi chúng tôi đều cảm nhận bên trong cái khu kinh tế đồ sộ đã đem lại cho đất nước những nguồn thu lớn, thì Vạn Tường vẫn hiên ngang, ngời sáng một dấu ấn lịch sử vẻ vang của nhân dân ta. Hai địa danh cùng chung một niềm tự hào xưa và nay, giúp chúng ta thực sự lớn lên, tự hào với quê hương, với đất nước.

Chia tay Quảng Ngãi, chúng tôi mang theo vị mặn mòi của vùng biển Sơn Tịnh, đẹp, nên thơ mà mến khách. Chúng tôi mang theo vị ngọt của đường phèn, đường phổi, sản phẩm nổi tiếng mà ai qua Quảng Ngãi cũng không quên mang về chút quà đậm đà hương vị ngọt ngào ấy.

Trở lại Huế, nơi một thời "Ba tỉnh về chung một nhà". Tách tỉnh chưa lâu mà Huế cũng đã đổi thay khá nhiều. Chúng tôi thăm khu đền thờ Huyền Trân công chúa và đền thờ vua Trần Nhân Tông. Nơi đây vốn là khu rừng phía Đông Nam thành phố, địa thế đẹp có rồng chầu. Khu đền thờ trở thành khu du lịch sinh thái đẹp, thơ mộng.

Khu di tích 9 hầm, nơi tên độc tài Ngô Đình Cẩn đã biến 9 hầm do thực dân Pháp xây dựng cất giấu vũ khí, lương thực thành khu xà lim biệt lập giam cầm, tra tấn những người cộng sản và những người yêu nước, có cả thanh niên, học sinh và cả những người chống lại chế độ. Nơi đây có biết bao chiến sỹ Cộng sản, những người yêu nước đã ngã xuống, thi thể của họ đã mãi mãi yên nghỉ dưới lòng đất trong khu rừng. Chúng tôi dừng lại căn hầm thứ 9, những chứng tích được tôn tạo làm quặn đau trái tim của những người hôm nay.

Trước lúc trở về Quảng Bình, chúng tôi dừng chân ở Thành cổ Quảng Trị, thắp nén hương thơm tưởng nhớ những cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong đợt 81 ngày đêm. Giặc Mỹ đã ném xuống đây 328 ngàn tấn bom đạn, tương đương với sức công phá 7 quả bom nguyên tử của Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki năm 1945, hòng ngăn cản Hiệp định Pa-ri, nhưng kẻ địch đã thất bại thảm hại. Sau khi bị thất thủ Quảng Trị, địch trở lại ném bom miền Bắc, nhưng càng thất bại nhục nhã hơn.

Dâng hương lên tượng đài kỷ niệm, thăm Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, bước đi trên những con đường nơi mà mặt đất Thành cổ đã trở lại màu xanh của sự sống, nhưng trong lòng đất vẫn còn đâu đó những chiến sỹ quân giải phóng đã chiến đấu suốt 81 ngày đêm. Dòng sông Thạch Hãn trong xanh, hiền hòa đang ôm ấp, che chở bao chiến sỹ đã hòa vào trong dòng sông và nằm dưới đáy sông mãi mãi.

Trở lại chiến trường xưa vào dịp tháng Tư lịch sử này của chúng tôi đã để lại bao điều ghi nhớ, nhắc nhủ con tim mình hãy sống xứng đáng hơn với sự hy sinh lớn lao của cả dân tộc cho ngày hôm nay, đất nước ngày càng xanh tươi, hạnh phúc.

Phạm Xuân Lục

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-cuoc-chien-di-qua/