Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt thuộc tỉnh nào?

Tỉnh này giáp với Trung Quốc, là nơi sinh sống của 20 dân tộc thiểu số với nhiều nét văn hóa đặc sắc và con sông Đà chảy qua.

Tỉnh của Việt Nam có sông Đà chảy qua

Hỏi:

Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt thuộc tỉnh nào?

A. Lai Châu

B. Lào Cai

C. Sơn La

D. Lạng Sơn

Đáp án:

A. Lai Châu

Sông Đà còn được gọi là sông Bờ hay Đà Giang, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Bảo thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Đà với lãnh thổ Việt Nam ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tại điểm này, người dân tộc Thái thường gọi sông Đà là Nậm Tè.

Đây là một trong những dòng sông năng lượng lớn nhất Việt Nam với hàng loạt hệ thống thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La hay Hòa Bình (Ảnh: Du lịch).

Đây là một trong những dòng sông năng lượng lớn nhất Việt Nam với hàng loạt hệ thống thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La hay Hòa Bình (Ảnh: Du lịch).

Tác giả tập tùy bút "Sông Đà"

Hỏi:

Tập tùy bút "Sông Đà" nổi tiếng, viết về cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống con người hai bên bờ sông Đà, của tác giả nào?

A. Nguyễn Đình Thi

B. Lê Minh Khuê

C. Nguyễn Tuân

D. Tố Hữu

Đáp án:

C. Nguyễn Tuân

Tùy bút “Sông Đà” là kết quả chuyến đi thực tế năm 1958 của nhà văn Nguyễn Tuân, gồm 15 bài tùy bút và một bài thơ phác thảo. Nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh vật và con người Tây Bắc, đặc biệt nhà văn đã khám phá "chất vàng mười" đã qua thử lửa của vùng đất này.

Nhà văn Nguyễn Tuân (Ảnh: TL).

Hỏi:

Lai Châu tiếp giáp với bao nhiêu tỉnh của Việt Nam?

A. 3

B. 4

C. 5

D. 6

Đáp án:

B. 4

Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 450 km về phía Đông Nam. Ngoài 265,095km đường biên giới với Trung Quốc, Lai Châu tiếp giáp với 4 tỉnh trong nước là Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La.

Lai Châu có nhiều cao nguyên, sông suối, sông có nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên tiềm năng thủy điện rất lớn (Ảnh: Báo Lai Châu).

Dân tộc chiếm tỷ lệ lớn nhất ở Lai Châu

Hỏi:

Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người dân tộc nào chiếm tỷ lệ lớn nhất?

A. Mông

B. Dao

C. Tày

D. Thái

Đáp án:

D. Thái

Lai Châu là nơi sinh sống của 20 dân tộc. Trong đó, dân tộc Thái chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 34%, Mông chiếm 22,3%, Kinh chiếm 19,94%, Dao chiếm 13,41%...

Dân tộc Thái ở Lai Châu (Ảnh: TTXVN).

Vua Thái ở Lai Châu giàu có nhất vùng

Hỏi:

Vua Thái ở Lai Châu giàu có nhất vùng một thời tên là gì?

A. Vương Chí Sình

B. Đèo Văn Long

C. Hoàng A Tưởng

D. Giàng A Sử

Đáp án:

B. Đèo Văn Long

Đèo Văn Long là con thứ hai của chúa Đèo Văn Trị (có tài liệu ghi Đèo Văn Trì), người Thái Trắng, quê ở bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ông nắm quyền cai quản 12 xứ Thái ở nơi đây.

Di tích Vua Thái Đèo Văn Long (Ảnh: Du lịch).

Hỏi:

Pa pỉnh tộp là món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng. Món ăn này liên quan đến loại thực phẩm nào dưới đây?

A. Cá

B. Gà

C. Chim

D. Lợn

Đáp án:

A. Cá

Từ xa xưa, người Thái thường định cư ở thung lũng, ven con sông, con suối nên cá là nguồn thực phẩm đặc biệt quan trọng. Tục ngữ Thái có câu được dịch nghĩa là "Gà tơ tần đem đến không bằng cá Pỉnh Tộp đem cho". Pa pỉnh tộp có nghĩa là cá gập nướng, món ăn nổi tiếng của người Thái ở Lai Châu nói riêng và ở Tây Bắc nói chung, có cách làm cầu kỳ ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Để có món pa pỉnh tộp ngon, người Thái thường sử dụng cá chép tươi, còn nguyên con để nướng.

Món Pa pỉnh tộp (Ảnh: Du lịch).

Nguyễn Trang

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/noi-con-song-da-chay-vao-dat-viet-thuoc-tinh-nao-76534.html