Nỗi cô đơn của một con người

'Một con người' của Christopher Isherwood tập trung vào nỗi đau của George khi mất đi người bạn anh yêu thương.

 Hình ảnh trong phim chuyển thể A single man của Tom Ford. Ảnh: Artina Films.

Hình ảnh trong phim chuyển thể A single man của Tom Ford. Ảnh: Artina Films.

Một con người là một tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Christopher Isherwood, thuật lại một ngày của một giáo sư văn chương Anh, George. Một ngày trong đời như bao người khác nhưng cũng rất khác với mọi người xung quanh. George vẫn sống như một thói quen, nhưng đồng thời, phải học cách quen với sự thiếu vắng bóng hình Jim.

Từng giờ từng phút một, George như giằng xé, đấu tranh trước hiện thực tàn nhẫn rằng anh đang cô độc. Anh vẫn thức dậy mỗi sáng, rửa mặt, cạo râu, vẫn quan sát hàng xóm, vẫn đi làm, vẫn dọa đuổi bọn trẻ con quấy phá sân nhà, và vẫn nhớ đến người bạn đời quá cố của mình.

Đặt bối cảnh California năm 1962, khi mà đồng tính vẫn chưa được chấp nhận và những người như George, phải giấu giếm xu hướng tính dục của mình để có thể sống “bình thường”. Bối cảnh trên hiển nhiên có tác động đến George, nó khuếch tán nỗi lạc lõng sâu thẳm trong anh, và khi người tình lâu năm của anh qua đời, anh rơi vào tình trạng lênh đênh, mất phương hướng.

Dịch giả Nham Hoa có nói rằng nhân vật George đối mặt với 4 nỗi cô độc khác nhau: Anh là một người di cư từ lục địa già sang tân thế giới; anh vừa mất Jim - người bạn tình anh yêu thương nhất; anh cô độc với bản chất mình là người đồng tính giữa một quần thể người hầu hết là người dị tính; là một giáo sư già, ông cũng phải đối diện với nỗi cô độc vì chênh lệch tuổi tác với sinh viên. Và với cuộc sống như vậy, thời gian đối với George, gần như là sự chịu đựng.

Sách Một con người.

“Nhưng bây giờ không đơn thuần là bây giờ. Bây giờ còn là một lời nhắc nhở lạnh lùng: cả một ngày sau ngày hôm qua, một năm sau năm ngoái. Mỗi một bây giờ đều được đánh dấu ngày tháng cụ thể, biến mọi bây giờ đã qua thành cũ kĩ, cho tới khi - không sớm thì muộn - có lẽ - mà không, chẳng phải có lẽ - khá chắc chắn: Nó sẽ tới”.

Trọng tâm của quyển sách không tập trung khắc họa George là một người đồng tính như thế nào hay cuộc sống của một người đồng tính khác gì so với những người dị tính. Cuốn sách tập trung vào nỗi đau của George khi mất đi người bạn đời. Nhân vật chính của chúng ta dường như muốn chối bỏ thực tại tàn nhẫn ấy.

Với hàng xóm xung quanh, anh chỉ nói rằng Jim đã chuyển đi, thế thôi. Có lẽ bởi một phần của Jim vẫn còn sống trong George, có lẽ George không muốn người ngoài bàn tán về Jim hay George muốn né tránh nhắc về cái chết của Jim. Bản thân George cũng muốn lơ đi những ký ức về Jim để không phải cảm thấy mình đang chìm đắm trong nỗi đau đớn, tuyệt vọng.

Và với nỗi thương tiếc khôn nguôi ấy bao trùm lấy mình, George trở nên lạc lõng trong chính môi trường sống của anh. Chỉ có khi bị kích thích tình dục, anh mới cảm thấy “sống”, như là khi gặp tay vận động viên quần vợt đẹp trai, hay đi tập thể hình cạnh một chàng trai trẻ. Những ham muốn trần tục ấy đánh thức George, dù là chỉ trong một khoảnh khắc.

Một con người là một tác phẩm kinh điển, được coi là một trong những bước tiên phong trong dòng văn học đồng tính. Câu chuyện trong Một con người mang tính phổ quát và dễ liên hệ với công chúng. Ở xã hội nào, chả có những người phải trải qua những gì George trải qua. Một câu chuyện ảm đạm nhưng vẫn ẩn hiện những tia hy vọng. Đó chính là nét tinh tế rất riêng của văn Isherwood.

Quá khứ bám níu lấy hiện tại, nỗi đau vơi đi, nhưng vẫn luôn hiện hữu. Mất đi Jim, George loạng choạng mất phương hướng và thậm chí, còn muốn tự sát. Nhưng mỗi ngày, anh vẫn đấu tranh với cuộc sống. Và chính ở điểm đó, người đọc cảm nhận được mối đồng cảm sâu sắc. Khi mà ai trong chúng ta, cũng đều đang trong con đường riêng đi tìm lẽ sống. Ai lại chưa từng tự vấn những câu hỏi như “Sống để làm gì? Còn gì đang đợi ta phía trước? Còn ai đang đợi ta trong cuộc đời này?”.

Không cần phải sống cuộc đời George, độc giả cũng có thể thấu hiểu được những dằn vặt kia, và liên hệ được với cuộc đời của riêng mình. Một con người như bức họa tái hiện một lát cắt cuộc sống, bẽ bàng nhưng vẫn thầm kín, mãnh liệt nhưng vẫn ý nhị, phức tạp nhưng cũng rất đơn giản. Một câu chuyện của một con người cuốn hút độc giả đến tận trang cuối cùng.

Hải Đăng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-co-don-cua-mot-con-nguoi-post1421819.html