Nồi cháo từ thiện xanh

Hơn 70 triệu đồng là số tiền mỗi năm mô hình 'Nồi cháo nhân đạo' của Chi hội Chữ thập đỏ khu 6, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí tiết kiệm được từ việc thay thế túi nilon, cốc nhựa dùng một lần bằng cặp lồng đựng cháo. Việc làm trên đã càng nhân lên giá trị nhân văn của những tấm lòng thiện nguyện khi không chỉ hành động vì những số phận kém may mắn, mà còn hành động vì môi trường xanh bền vững.

5 giờ sáng mỗi ngày, rất đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có mặt tại điểm cấp phát cháo miễn phí tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, mỗi người đều xách theo một chiếc cặp lồng để đựng cháo nóng.

Các thành viên trong mô hình "Nồi cháo nhân đạo" cho bệnh nhân mượn cặp lồng khi đến nhận cháo.

Các thành viên trong mô hình "Nồi cháo nhân đạo" cho bệnh nhân mượn cặp lồng khi đến nhận cháo.

Vui vẻ và phấn khởi khi đến lấy cháo, bà Cù Thị Nhường, một bệnh nhân đến từ tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Cháo trước kia thường đựng trong cốc nhựa dùng một lần bị ảnh hưởng bởi mùi nhựa nên không an toàn. Nay chúng tôi được cho mượn cặp lồng để đựng cháo mỗi ngày, tôi thấy vô cùng tiện lợi, sạch sẽ”.

Chị Nguyễn Thị Xuân, trú tại khu Cửa Ngăn, phường Phương Đông, TP Uông Bí, cũng chia sẻ: “Nồi cháo nhân đạo ở đây là hoạt động rất ấm áp tình người. Hơn nữa, các cô, các bác khi phát cháo miễn phí còn rất quan tâm, lo lắng cho sức khỏe của các bệnh nhân. Đến đây, chúng tôi được tuyên truyền không nên sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn, được cho mượn cặp lồng inox đựng cháo, đồ ăn hằng ngày…”.

Mỗi sáng, mô hình “Nồi cháo nhân đạo” của Chi hội Chữ thập đỏ khu 6, phường Thanh Sơn, nấu và phát miễn phí trên 500 suất cháo cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Qua nhiều năm duy trì và hoạt động, mô hình đã phát hơn 808.000 suất cháo với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng. Số lượng cháo phát ra mỗi năm đều tăng, đi cùng với đó là khối lượng túi nilon, cốc nhựa dùng một lần đựng cháo cũng tăng theo. Trước đây, mỗi ngày mô hình “Nồi cháo nhân đạo” chi phí 200 nghìn đồng để mua túi nilon, cốc nhựa đựng cháo.

Như vậy, mỗi năm “Nồi cháo nhân đạo” tiêu tốn trên 70 triệu đồng cho lượng rác nhựa thải ra môi trường. Còn nguy cơ đối với sức khỏe của chính bệnh nhân cũng không hề nhỏ. Bởi theo các nhà khoa học, nguồn nhựa chính để sản xuất túi nilon, cốc nhựa dùng một lần hiện nay chủ yếu là nhựa phế phẩm, tái chế. Trong nhựa tái chế có lẫn tạp chất, kim loại nặng, một số chất độc hại, nếu sử dụng liên tục, thường xuyên để đựng thức ăn, nhất là với thực phẩm còn nóng, có chứa axit, chất độc dễ bị thôi nhiễm vào thức ăn. Khi đi vào cơ thể, những chất độc này sẽ tích tụ trong gan, thận, gây suy gan, suy thận, tích tụ trong não gây mất trí nhớ...

Đến nay, túi nilon, cốc nhựa dùng một lần đã được thay thế hoàn toàn bằng cặp lồng đựng cháo đảm bảo vệ sinh, sử dụng lâu dài.

Nhận thức rõ vấn đề này, bà Đặng Thị Hảo, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu 6, phường Thanh Sơn, phụ trách mô hình "Nồi cháo nhân đạo", đã bắt tay ngay vào việc thay đổi thói quen sử dụng “tiện lợi” nhưng nhiều nguy hại này. Bà cho biết: “Chi hội chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền cho hội viên, đồng thời phối hợp với Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tuyên truyền cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cùng nhau sử dụng cặp lồng inox thay cốc nhựa, túi nilon dùng một lần để nhận cháo hằng ngày”. Theo lời bà Hảo chia sẻ, việc sử dụng cặp lồng đựng cháo nói riêng hoặc đồ ăn nóng nói chung vừa tiết kiệm được chi phí, giảm lượng rác thải nhựa đối với môi trường xung quanh, lại đảm bảo vệ sinh, giữ sức khỏe cho người bệnh…

Để phong trào tiếp tục phát huy có hiệu quả, UBND phường Thanh Sơn đã trao tặng 50 cặp lồng inox cho Chi hội Chữ thập đỏ khu 6. Ngoài ra, các hội viên trong chi hội cũng tự đóng góp mỗi người 02 chiếc cặp lồng phục vụ cho hoạt động từ thiện nhân đạo ngay từ khi phong trào mới được khởi xướng. Số cặp lồng trên được chi hội bàn giao, phối hợp với Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí quản lý, cho các bệnh nhân mượn lại cùng với các đồ dùng cá nhân khi nhập viện.

Bớt đi một túi nilon, một cốc nhựa dùng một lần là bớt đi cho môi trường một nguy cơ ô nhiễm. Đó cũng là mục tiêu mà bà Hảo cùng hội viên trong Chi hội Chữ thập đỏ khu 6, phường Thanh Sơn hướng tới. Mô hình “Nồi cháo nhân đạo” của chi hội cũng càng ý nghĩa hơn khi đã song hành, lan tỏa tinh thần thiện nguyện với trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Mai Hương – Huyền Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/noi-chao-tu-thien-xanh-2455657/