'Nỗi buồn nhân thế' sau những con chữ

Một cây bút nặng lòng với nhân sinh, với cuộc đời không thể không cúi xuống, thật gần, để thấy hết cái tối tăm đang vây bủa nhiều phận người và để sẻ chia với họ cái nỗi buồn mang mang ấy. Đó cũng là trách nhiệm xã hội của nhà báo!

Trong lời giới thiệu cuốn sách phóng sự xã hội "Sáng tối phận người" xuất bản năm 1998 của Ngọc Vinh, dưới tựa đề "Sống "trong da" các nhân vật của mình", tôi có viết:

"Ngọc Vinh là một trong số ít cây bút chuyên viết phóng sự xã hội của Báo Tuổi Trẻ và của làng báo TP HCM. Anh đến với thể loại báo chí này một cách thật tự nhiên, như một thiên hướng sẵn có trong máu. Anh có khiếu thuật chuyện, dẫn dắt người đọc cùng đi với mình đến từng ngóc ngách của xã hội, của cuộc đời - mà lại là những ngóc ngách ít được biết đến, đôi khi là những ngóc ngách tối tăm nhất, khổ đau nhất.

Sách “Đảo gió hú” do NXB Trẻ ấn hành tháng 6-2019Ảnh: HUY NGUYÊN

Sách “Đảo gió hú” do NXB Trẻ ấn hành tháng 6-2019Ảnh: HUY NGUYÊN

Đi đến ngóc ngách nào, len lỏi đến tận tầng sâu nào của xã hội, anh vẫn chỉ có một góc nhìn: nhìn những con người, những số phận. Anh tìm cách sống "trong da" những nhân vật của mình - những đối tượng của ngòi bút anh, từ "những người anh em đồng tộc" bị cắt rời với mảnh đất Tổ quốc ở bên kia biên giới phía Bắc đến những thanh niên đi bán mồ hôi đổi lấy đồng tiền ở nước ngoài để mong đổi thay số phận, từ những mảnh đời tuyệt vọng tột cùng với HIV và ma túy đến thân phận của những chú nài ngựa bé nhỏ trên đường đua...

Biết sống "trong da" những nhân vật của mình, anh mới cảm nhận được tất cả "sáng tối của phận người". Không quá tìm cách hấp dẫn người đọc bằng những chi tiết ly kỳ, Ngọc Vinh hướng người đọc đến những số phận với những cảnh huống, tình tiết lắm khi bi kịch của mỗi số phận. Anh không lên lớp, không mắng mỏ các nhân vật - dù lầm lạc - của mình. Anh cũng không cường điệu, tìm cách "lấy nước mắt" người đọc một cách dễ dãi. Anh cứ thế thuật lại những mảnh đời, những phận người nhưng đọc xong, người đọc vẫn cảm thấy đâu là sáng, đâu là tối và ngay với những số phận đang chìm trong bóng tối, người đọc vẫn cứ cảm thấy đau, thấy thương.

Tôi thích câu cuối cùng trong bài phóng sự "Cuối năm thăm trại người già" của Ngọc Vinh, rằng tới đó anh đã "đụng phải một nỗi buồn nhân thế". Dường như, sau những sự kiện, những tình tiết, ngòi bút của Ngọc Vinh còn muốn vươn tới chỗ cảm nhận cho được cái "nhân thế" ấy...".

Khi viết, nhà báo Ngọc Vinh "sống trong da các nhân vật của mình" là tôi mượn thuật ngữ của báo chí Pháp "Vivre dans la peau de ses personnages" để nói về một cây viết nhập thân được vào nhân vật của mình, như sống trong da của họ, để thấu hiểu, để cảm nhận đến tận cùng thân phận của họ. Bây giờ, sau nhiều năm, đọc cuốn phóng sự xã hội "Đảo gió hú" với nhiều bài viết mới này của Ngọc Vinh, tôi vẫn thấy đúng như vậy - ngoài sự đa dạng, đa diện về đề tài mà sau này, nếu có ai muốn tìm hiểu về bức tranh xã hội giai đoạn lịch sử hiện nay hoàn toàn có thể dựa vào, đúng như tiểu tựa của tập sách ghi: Phóng sự hiện thực xã hội đương đại Việt Nam.

Nhưng đó vẫn chỉ là dừng ở khía cạnh kỹ thuật, thủ pháp viết phóng sự. Điều đáng chú ý hơn là khả năng, là thiên hướng, hay là sự lựa chọn có ý thức phản ánh thân phận của những con người ở dưới đáy xã hội của Ngọc Vinh, từ cô gái bị phát hiện nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam đến những bệnh nhân AIDS đối đầu với cái chết, những cô gái lặn lội "kiếm chồng" nơi đất khách, những cậu bé đánh giày với ước mơ bình thường của chúng, những bé gái bị gia đình bán trinh để lấy tiền trả nợ, những cô gái Khmer rời bỏ gia đình để "chui mình vào hang" là những nhà thổ trên đất Campuchia, những người làm nghề mổ xác, những người tù trong trại giam... và rất nhiều những cảnh đời bất hạnh khác. Tuy nhiên, ngòi bút Ngọc Vinh kể lại những cảnh đời đó bằng một giọng tiết chế, không cường điệu hóa, không cố tình bi thảm hóa và chính vì vậy mà người đọc thấy những gì được kể là chân thực.

Đạt tới sự chân thực là giá trị cao nhất của báo chí. Nhưng dù không cố tình bi thảm hóa để lấy nước mắt thì những gì được kể trong những phóng sự xã hội trong cuốn sách này cũng đủ để người đọc cảm nhận đằng sau những con chữ, những câu chuyện, những chi tiết là một cái gì đó rộng hơn, sâu hơn. Đó là một "nỗi buồn nhân thế", như đã nói ở trên, trong lòng tác giả. Bởi xã hội có những mảng sáng (như một số phóng sự trong phần "Dọc đường đất nước" của cuốn sách) nhưng cũng có đầy những mảng tối. Và một cây bút nặng lòng với nhân sinh, với cuộc đời không thể không cúi xuống, thật gần, để thấy hết cái tối tăm đang vây bủa nhiều phận người và để sẻ chia với họ cái nỗi buồn mang mang ấy. Đó vả chăng cũng là trách nhiệm xã hội của nhà báo vậy!

Nhà báo ĐOÀN KHẮC XUYÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/noi-buon-nhan-the-sau-nhung-con-chu-20190620210727961.htm