Nỗi buồn nhà báo điều tra sau mỗi trang viết

Là tác giả/đồng tác giả của nhiều tuyến phóng sự công phu và ít nhiều có sức lan tỏa trong cộng đồng, nhà báo Nguyễn Hoàng Long (bút danh Long Nguyễn, Báo Lao động) đã dành cho VietNamNet những phút trải lòng về hành trình tròn 10 năm cầm bút.

Đối diện nỗi buồn

Nhà báo Nguyễn Hoàng Long năm nay 35 tuổi, sau 10 năm bén duyên với nghề, anh đã ít nhiều ghi dấu ấn trong lòng đồng nghiệp và bạn đọc bởi những tuyến bài phản ánh – điều tra công phu và đạt hiệu ứng dư luận cao.

Có thể điểm ra đây một số tuyến bài mà nhà báo này tham gia trực tiếp trong vai trò chủ nhiệm đề tài như: Giữa ma trận làm “luật” trên sông; Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa – nhận tại Hải quan Hải Phòng; Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng; Tiền tỉ chống trượt đầu ra ngoại ngữ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội; Bên trong “trại” nuôi người lấy thận; Giải mã xe điên: Những dối trá khinh hoàng bên trong trường lái; và đặc biệt là tuyến bài Gọi vong tại chùa Ba Vàng...

Theo nhà báo Long Nguyễn, việc nhận xét hay đánh giá một tuyến phóng sự (nhất là phóng sự điều tra) là hay hay dở tùy thuộc rất lớn vào góc nhìn của người đọc. Còn xét về mức độ hiệu quả xã hội, hiện không có cách nào trực quan hơn là nhìn sự vào cuộc sau đó của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ví như trong tuyến bài Gọi vong tại chùa Ba Vàng, rất nhanh sau khi Báo Lao động đăng tải hồi tháng 3/2019, UBND TP. Uông Bí (Quảng Ninh) đã tổ chức họp báo thông tin về việc buộc dừng hoạt động thỉnh vong, oan gia trái chủ sai phép tại chùa Ba Vàng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chính thức lên tiếng khẳng định, việc thỉnh vong, oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng là đi ngược với triết lý Phật giáo và đạo đức xã hội. Vị trụ trì chùa Ba Vàng là sư Thích Trúc Thái Minh bị tạm đình chỉ toàn bộ chức vụ trong Giáo hội, phải sám hối Đại Tăng…

Và chỉ 3 ngày sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam có những động thái quyết liệt, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phải đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cấp quản lý khi để xảy ra nhiều vụ việc khiến người dân bất bình như hoạt động mê tín dị đoan ở chùa Ba Vàng…

Nhóm phóng viên Báo Lao động tác nghiệp tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh.

Nhóm phóng viên Báo Lao động tác nghiệp tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh.

Khi được hỏi “có vui với những kết quả tích cực đó sau các bài báo không?”, nhà báo Long Nguyễn trả lời “có”. Tuy nhiên, sau đó trong anh lại là một khoảng lặng kéo dài. “Làm báo điều tra bao năm nay nhưng cho đến tận thời điểm hiện tại, thú thực tôi vẫn chưa thể làm chủ được một thứ cảm xúc mà tôi tin rằng rất xấu. Đó là nguyên cả ngày kể từ khi bài báo được đăng tải, tôi gần như không thể làm được gì, một nỗi buồn không thể gọi thành tên đã chi phối cảm xúc của tôi. Tôi liên tục nghĩ đến tương lai u ám của những nhân vật vừa bị “tung hê” trước công luận và đã có lúc tôi rơi lệ mong rằng, giá như bài báo ấy không bao giờ được xuất bản…”, anh chia sẻ.

Tiếp mạch cảm xúc của mình, nhà báo Long Nguyễn kể thêm về thứ cảm xúc mà anh cho rằng “rất xấu” ấy. Theo anh, một bài báo phơi bày các tiêu cực thì người bị ảnh hưởng theo hướng bất lợi đầu tiên chính là những người vừa bị chỉ mặt, điểm tên trong bài. Sau đó là cả những người liên quan như lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo cơ quan đó; tiếp đến nữa là chính quyền sở tại và thậm chí là cả những người ở cấp cao hơn… “Nếu đem so sánh với “chút vinh quang thoáng qua” của chính tác giả bài báo tại thời điểm ấy, thì những thiệt hại của nhóm người bị phản ánh khủng khiếp hơn rất nhiều lần và tôi hiểu điều đó”, nhà báo Long Nguyễn nói.

Không chỉ là những thiệt hại đơn kép về kinh tế (bị đình chỉ chức vụ, bị thuyên chuyển công tác, bị đuổi việc…), về tinh thần (bị dư luận xỉ rủa), mà thậm chí đã có người phải đối mặt với lao lý… “Tâm trí tôi luôn nghĩ về họ, về gia đình họ, và đôi khi là cả chút lo lắng cho sự an nguy của chính bản thân mình. Tôi, không chỉ một lần, ước rằng mình không nên viết những đề tài như thế”, nhà báo Long Nguyễn trải lòng. Tuy vậy, anh cũng cho rằng, với sứ mệnh được giao và đạo đức nghề báo, sau khi mọi ồn ã tạm thời qua đi, anh thường nhìn vào kết quả thực tế, vui mừng với những thay đổi tích cực của xã hội để từ đó lại có thêm động lực với những tuyến bài tiếp theo.

Đối diện khó khăn, nguy hiểm

Thực tế, để có được một tuyến phóng sự nhất là phóng sự điều tra thành công, ngoài việc tìm được đề tài hay, hướng triển khai phù hợp, thì khả năng nhập vai để có những thông tin tốt, những đoạn clip đắt giá là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, có nhiều trường hợp, để có những phóng sự điều tra thực sự “chất”, nhà báo Long Nguyễn và các cộng sự Báo Lao động đã phải dành không ít tâm sức.

Chẳng hạn, với đề tài gọi vong tại chùa Ba Vàng, để thực hiện điều tra, nhóm phóng viên gồm 7 người đã mất khoảng 3 tháng thâm nhập, sau đó dành thêm 10 ngày để dựng video và hoàn thiện được tác phẩm. Việc thâu đêm viết, dựng bài hay bỏ bữa của cả nhóm là chuyện thường tình. Điều khó khăn nhất khi thực hiện tuyến bài này là phóng viên phải nhập vai vào những người gặp vấn đề và muốn thỉnh vong để giải quyết vấn đề.

Trước khi nhập vai, các phóng viên buộc phải đọc đi đọc lại cho đến thuộc các tài liệu truyền bá của nhà chùa. Có những thuật ngữ Phật giáo học thuộc không hề dễ dàng. Rồi khi nhập vai phải diễn rất đau khổ, u mê để có thể dễ dàng vượt qua những ánh mắt nghi ngờ tại các vòng kiểm duyệt tại chùa. Tất cả những thiết bị ghi âm, ghi hình đều phải bỏ ra ngoài khiến việc tác nghiệp rất khó khăn. “Qua mỗi cửa an ninh, tất cả đồ đạc, tư trang, đặc biệt là những thiết bị có thể ghi âm, ghi hình đều bị “cấm cửa”. Những dạng thiết bị tình nghi có thể quay lén như đồng hồ, móc khóa cũng bị lột không còn gì. Chúng tôi buộc phải liên hệ với nhau qua bộ đàm với nhiều tổ, nhóm hết sức khéo léo để qua mắt an ninh ở đây”, nhà báo Long Nguyễn kể.

Được biết, trong quá trình nhập vai, 2/7 phóng viên thực hiện phóng sự (trong một buổi nhập vai) đã bị yêu cầu ra khỏi khu thỉnh “vong” và không được quay trở lại chùa Ba Vàng trong vòng 1 năm vì bị phát hiện mang theo thiết bị ghi hình. Có những lúc nhóm điều tra đã nghĩ đến việc từ bỏ, vì không thể nào tìm được cách ghi hình các buổi thỉnh vong, nội dung cốt lõi nhất của tuyến bài. Nhưng rồi nhóm đã vượt qua và vẫn có được những “thước phim đắt giá” nhất để thông tin trực quan đến bạn đọc.

Nói thêm về những khó khăn, vất vả khi làm phóng sự, nhà báo Long Nguyễn cho hay: Câu chuyện nhà báo bị đe dọa; thu giữ, phá hủy phương tiện thiết bị tác nghiệp; thậm chí bị hành hung khi đang tác nghiệp xảy ra như cơm bữa. Chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân, nhà báo Long Nguyễn cho rằng: “Nhà báo phải như khối rubic ấy, phải quay được nhiều mặt để ứng biến với mọi hoàn cảnh và phải đặt sự an toàn của mình và các cộng sự lên hàng đầu”.

“Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu tối đa nguy hiểm là tìm hiểu thật kỹ đối tượng mà mình sắp điều tra. Trong trường hợp thấy nguy hiểm thực sự, cần nhanh chóng rút lui hoặc cầu cứu cơ quan chức năng. Bản thân tôi và đồng nghiệp luôn phải để lại cho mình một đường lùi. Lúc nào cũng thủ sẵn một số điện thoại để có vấn đề gì xảy ra, mình có thể chủ động gọi trước để tự giải vây nguy hiểm cho bản thân”, nhà báo Long Nguyễn chia sẻ bí quyết giảm thiểu rủi ro khi tác nghiệp.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/noi-buon-nha-bao-dieu-tra-sau-moi-trang-viet-256685.html