Nỗi buồn hồ trữ ngọt lớn nhất ĐBSCL: Vẫn mặn

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri nhiễm mặn ngay sau khi đưa vào khai thác. Tình trạng này cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn.

Bến Tre là tỉnh cuối nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Hồ chứa nước ngọt Ba Tri (hồ trữ ngọt Kênh Lấp) ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre được đầu tư xây dựng từ năm 2017 trên địa bàn các xã Tân Xuân, Phước Tuy và Phú Ngãi với công suất chứa khoảng 800.000 m3, có tổng vốn đầu tư khoảng 85 tỷ đồng.

Dự án được xem là lớn nhất ở ĐBSCL này được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2019 với kỳ vọng cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 200.000 dân tại 24 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Tri.

Tuy nhiên, khi mới đưa vào sử dụng, ngay trong mùa khô 2019-2020, dự án đã bị nước mặn xâm nhập, chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Như phản ánh trên báo chí từ một người dân ở xã Phú Ngãi hồi đầu năm 2020, nước mặn đớ lưỡi, chỉ có thể để rửa chứ không nấu nướng hay tắm tưới cho cây trồng được, dù đã ngăn dòng chặn hai đầu, các cống xung quanh đã bít từ nhiều tháng trước, khi nước ngoài sông Ba Lai còn ngọt.

Ngày 6/1, trao đổi với Đất Việt, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bến Tre cho biết, cho đến nay, tình trạng nhiễm mặn ở hồ chứa nước ngọt Ba Tri đã cơ bản được xử lý, dù nước vẫn không hoàn toàn ngọt.

Theo ông Đảnh, đất ở khu vực làm hồ chứa nước ngọt Ba Tri là đất bùn cát, lúc nào cũng có mạch ngầm ở dưới, do đó việc nhiễm mặn khó tránh khỏi.

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri ở Bến Tre. Ảnh: Tuổi trẻ

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri ở Bến Tre. Ảnh: Tuổi trẻ

"Hồ trữ nước ngọt Ba Tri bị nhiễm mặn là do nền đáy và nước ở trên đồng chảy xuống. Năm vừa rồi mới làm hồ, lượng nước tích vào hồ chưa được nhiều, đáy chưa được bằng phẳng theo thiết kế. Năm nay, tỉnh đã tiến hành cải tạo lại đáy cho bằng phẳng, đồng thời súc rửa hồ. Mỗi lần súc rửa như vậy, nước ở trên đồng tiếp tục chảy xuống nên nước vẫn bị nhiễm mặn. Đến giờ phút này, hồ gần như đã đảm bảo trữ ngọt được.

Tuy nhiên, ở sâu trong đất khu vực này vẫn có nguồn nước mặn đi ngầm, đất lại là đất bùn cát, việc cải tạo hồ để ngọt hoàn toàn là không thể. Độ mặn hiện nay không vượt quá ngưỡng, nước ở hồ được đưa vào xử lý, đảm bảo phục vụ người dân, còn tốt hơn là lấy nước ở bên ngoài nhiều", Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết.

Sau dự án hồ trữ nước ngọt Ba Tri, năm 2020, tỉnh Bến Tre tiếp tục đề xuất xây dựng dự án hồ trữ nước ngọt Lạc Địa ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri với tổng vốn đầu tư trên 352 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ bố trí thực hiện dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Trước lo ngại hồ trữ nước ngọt Lạc Địa có thể tiếp tục bị nhiễm mặn như hồ Ba Tri, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre trấn an không cần lo lắng bởi khu vực dự kiến làm hồ Lạc Địa là vùng ngọt hóa. Vùng đất làm hồ Ba Tri tiếp giáp sông, độ nhiễm mặn ở đó cao hơn khu vực này.

Nhìn lại việc giải bài toán nước ngọt thời gian qua, ông Đoàn Văn Đảnh cho biết, khu vực Ba Tri đã có hồ chứa nước ngọt, lại thêm hệ thống cống ngăn mặn cục bộ được xây dựng. Kết quả, mười mấy ngàn hecta lúa ở Ba Tri năm qua tốt, không bị ngập mặn. Hiện giờ chỉ có 2-3 xã còn bị mặn tác động, còn lại đã xử lý tốt. Các cống giáp với sông Hàm Luông, sông Tiền đã khóa hết.

"Năm qua, Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo không lấy nước mặn cung cấp cho dân. Tất cả các nhà máy nước phải có phương án trữ nước cục bộ hoặc thuê sà lan chở nước về để xử lý, cung cấp cho người dân ", Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre nói.

Liên quan đến việc xây dựng hồ chứa nước ngọt lớn ở ĐBSCL, từng trao đổi với Đất Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã đề cập đến vấn đề nước mặn đi ngầm dưới đất mà các dự án hồ chứa không xử lý được.

Theo đó, ông kể lại câu chuyện Hà Lan từng cử một hội đồng khoa học sang giúp Việt Nam lập kế hoạch xây đê bao ven biển Gò Công-Vũng Tàu, nhưng sau họ rút lui.

Nguyên nhân có liên quan đến nguồn nước mặn. Kinh nghiệm là đối với những vùng nước biển như Việt Nam, Hà Lan thì nguồn nước mặn không phải chỉ đi trên mặt mà còn đi ngầm dưới đất, mà nguồn nước ngầm dưới biển thì rất mạnh. Nếu có làm cửa van đóng lại cũng không thể ngăn được nguồn nước mặn đi ngầm dưới đất này.

"Theo một tài liệu của Hà Lan mà tôi tiếp cận được, Rotterdam còn làm cửa van rất lớn, nhưng sau vài năm nước biển xâm nhập vào đã làm rỗng hết đất bên trong.

Dĩ nhiên, không thể phủ nhận đập ngăn mặn cũng có tác dụng là giảm mặn trước mắt ở trên, nhưng mặn ở dưới thì không giải quyết được. Điều này đối với các nước trồng lúa như Việt Nam càng nguy hiểm vì bộ rễ của lúa cần nước ngọt, khi cắm xuống đất gặp nước mặn lúa sẽ chết. ĐBSCL của Việt Nam là vùng do phù sa bồi đắp nên chắc chắn nước ngầm ở dưới rất mạnh, nếu xây đập ngăn mặn, sau này nước mặn phía dưới xâm nhập, ai chịu trách nhiệm?", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Bởi vậy, ông cho rằng, ĐBSCL vẫn phải làm hồ chứa, nhưng là hồ chứa để ém mặn, giữ nước trồng lúa, cây trái như của Hà Lan. Loại hồ đó không phải chỉ định theo vùng địa hình mà tùy theo vùng canh tác, hồ nhỏ, chứa đủ lượng nước mưa, lượng nước này ém nước mặn xuống chừng 70cm là có thể trồng lúa được.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/noi-buon-ho-tru-ngot-lon-nhat-dbscl-van-man-3425626/