Nỗi buồn di tích xuống cấp

Thiết nghĩ, thành phố cần có cơ chế tốt hơn, tạo điều kiện gìn giữ những giá trị di tích, bởi đó là di sản đã được bồi đắp, gìn giữ, dựng xây hàng trăm năm qua...

Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước, mà còn là địa phương có gần 6000 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Đó là hệ thống đình, đền, chùa, miếu, am, quán, hội quán, nhà thờ họ, phố cổ, làng nghề… Trong đó, có 1 di sản văn hóa thế giới, 12 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố, 3.487 di tích chưa xếp hạng.

Đình Tiền Lệ (Hoài Đức) xuống cấp

Theo đánh giá của GS. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hà Nội chiếm 1/8 tổng số di sản của cả nước. Điều đó chứng minh rõ ràng Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa di sản văn hóa của cả nước. Trước dòng chảy thời gian, nhiều di tích bị xuống cấp, thậm chí bị đốn hạ bởi con người. Trong khi đó công tác quản lý, tu bổ còn nhiều bất cập. Có thực tế đáng buồn là dù hội tụ nhiều di tích, song lại chưa đủ lực để gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

Thực tế những năm qua, nhiều di tích kêu cứu, nhiều di tích cấp xã, quận, huyện không có kinh phí sửa chữa hoặc chỉ sửa chữa được một phần nên sinh ra chuyện chắp vá, làm mới và phá hỏng di tích. Không ít di tích bị lấn chiếm, bị thu hẹp không gian. Khảo sát tại huyện Thường Tín có 16 di tích cấp quốc gia và thành phố bị xuống cấp nghiêm trọng, cần tu bổ như: Đình Lam Sơn, đền Ngũ Xá, đình Hạ, đền An Lãng, đình An Định, đình An Duyên, chùa Pháp Vân, đình Tổ, lăng đá Quận Vân, đình Phúc Trạch…

Tại huyện Phú Xuyên có đình Cổ Chế (xã Phúc Tiến), đình Thần Quy (xã Minh Tân) cũng xuống cấp nghiêm trọng và thiếu kinh phí tu sửa gây xôn xao dư luận mấy năm qua. Đình Thần Quy, tọa lạc trên địa bàn thôn Thần Quy, từ nhiều năm nay. Đình làng Thần Quy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1997.

Với nét kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu từ cổng tam quan cho đến những đường nét hoa văn được chạm khắc tinh xảo trên những gỗ, đình Thần Quy tạo nên dấu ấn độc đáo của một ngôi đình làng cổ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thời xưa với biểu tượng “cây đa-giếng nước-sân đình”. Các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ cũng có hàng chục di tích đang bị xuống cấp cần tu bổ.

Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, Hà Nội có hơn 2.000 di tích xuống cấp các hạng mục chính và hơn 200 di tích trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân phần lớn do ảnh hưởng của thời gian, thời tiết, thiên tai. Đa phần các di tích được làm từ gỗ nên thường gặp phải vấn đề về mối, mọt. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa những năm gần đây có phần lấn át cảnh quan, ảnh hưởng phần nào đến không gian và môi trường di tích trong khu vực nội đô và khu vực đông dân cư. Việc sử dụng di tích không đúng chức năng, mục đích ở một số địa phương đã gây tình trạng xập xệ, hư hỏng.

Vào ngày 1/6 vừa qua, tại hội nghị tổng kết công tác quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết cần tập trung các nguồn lực tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn. Trước thực trạng, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã phối hợp cùng UBND các quận, huyện, thị xã lập danh mục di tích tu bổ tôn tạo giai đoạn 2018-2020. Điều khó khăn bậc nhất của công tác gìn giữ, tu bổ di tích là kinh phí.

Hiện nguồn kinh phí eo hẹp, vượt quá tầm của địa phương, các di tích vẫn phải dựa vào nguồn vốn của thành phố và một phần vốn đối ứng của các quận, huyện. Việc huy động xã hội hóa nhiều năm qua vẫn gặp khó khăn và các cơ quan chức năng đang tích cực vận động các doanh nghiệp xắn tay cùng nhà nước trong việc bảo tồn, gìn giữ hệ thống di tích trên địa bàn thành phố. Thiết nghĩ, thành phố cần có cơ chế tốt hơn, tạo điều kiện gìn giữ những giá trị di tích, bởi đó là di sản đã được bồi đắp, gìn giữ, dựng xây hàng trăm năm qua.

Thụy Oanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/noi-buon-di-tich-xuong-cap-76543.html