Nỗi buồn của Văn Mai Hương

Cách đây 8 năm, với album '18+' Văn Mai Hương mang đến những tươi mới, tiệm cận Âu Mỹ. Lần này, 'Hương' lại là một Văn Mai Hương trưởng thành, đằm dịu và sâu sắc hơn.

Loại hình: Album
Thể loại: Pop, Blues Jazz, Dance, Rap
Sáng tác: Hứa Kim Tuyền, Nguyễn Duy Anh, Vũ Ngọc Bích
Sản xuất âm nhạc: Hứa Kim Tuyền
Đánh giá: 8/10

Văn Mai Hương vừa đặt đĩa vật lý Hương lên kệ. Đây là album phòng thu thứ 3 của nữ ca sĩ sau Hãy mỉm cười (2011), Mười tám + (2013). Người hâm mộ của cô đã phải chờ đợi 8 năm và đây cũng là một album á quân Vietnam Idol 2010 dành nhiều ấp ủ. Theo chia sẻ của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, Hương đã được khởi động từ khi Văn Mai Hương 25 tuổi, tức 2 năm trước. Và phải đến đầu năm 2021, album mới chính thức được phát hành.

Có mới có cũ

Hương có tên tiếng Anh là Scent, được đặt theo tên của chính Văn Mai Hương, đồng thời cũng là tựa đề của một ca khúc trong album. Trong album, 7 bài được sắp xếp theo thứ tự tăng dần về lượng từ: Đốt, Cầu hôn, Tình lãng phí, Đã lâu lắm rồi, Trên cây cầu bên sông, Nghe nói anh sắp kết hôn, Mai đây em thương một chàng trai. Cuối cùng, khép lại bằng Hương.

Một album 8 bài không phải là dài nhưng cơ bản cũng đã tạo ra một concept (chủ đề nghệ thuật) thú vị. Hương, ngay từ tên gọi đã cho thấy chiều sâu của sự nữ tính. Và nữ tính bao giờ cũng là thương hiệu của Văn Mai Hương dù cô là cô gái 16 tuổi lần đầu xuất hiện ở Vietnam Idol hay là cô gái vừa qua tuổi 18 với album 18+ vào 3 năm sau đó.

Trong 8 bài của Hương, 4 bài đã lần lượt được ra mắt trước đó, bao gồm Cầu hôn, Tình lãng phí, Nghe nói anh sắp kết hôn và gần nhất là Đốt. Cầu hôn thực tế đã thành một bản hit, ca khúc chủ đề của rất nhiều đám cưới hiện nay. Hình ảnh cô dâu, chú rể cùng song ca Cầu hôn đã phổ biến đến mức người ta quên đi đây là một ca khúc buồn và MV còn buồn hơn thế.

Tình lãng phíNghe nói anh sắp kết hôn có vẻ hơi chông chênh trên thị trường nhưng khi đặt vào album này cũng tạo thành một chỉnh thể câu chuyện thú vị, phục vụ cho nỗi buồn mà ca sĩ mang lại qua âm nhạc.

Trong những bài đã ra mắt, Đốt là ca khúc xuất sắc. Từ một cấu trúc bài truyền thống với verse (đoạn) mở đầu tưởng như mờ nhạt và phần pre-chorus (tiền điệp khúc) dừng mức tầm trung nhưng chorus (điệp khúc) lại thực sự cao trào và xuất sắc.

“Mang bao yêu thương ra đốt / Mang những kỷ niệm ra đốt / Làn khói đã khiến đôi mắt em cay nhòe / Chân dung anh em xin đốt / Bóng hình anh em xin đốt / Phải làm sao để đốt trái tim này”. Phần điệp khúc như làm bừng sáng cấu trúc bài, thức tỉnh nhân vật trong ca khúc, và cũng là lý do để người nghe đã thích có thể nghe đi nghe lại, nhiều lần. Ca khúc còn có một cú “twist” ở phần kết đầy thú vị. Đốt với chất liệu blues được giới phân tích đánh giá là ca khúc tốt nhất về chất lượng của năm 2020.

Với “Hương” là một Văn Mai Hương trưởng thành, đằm dịu và sâu sắc hơn.

Với “Hương” là một Văn Mai Hương trưởng thành, đằm dịu và sâu sắc hơn.

4 bài mới trong album là Đã lâu lắm rồi, Trên cây cầu bên sông, Mai đây em thương một chàng traiHương. Điểm đáng lưu tâm là ¾ ca khúc mới không phải sáng tác của Hứa Kim Tuyền.

Mai đây em thương một chàng trai là ca khúc của Nguyễn Duy Anh lấy cảm hứng sau khi anh đọc xong bức tâm thư nói về thanh xuân của Văn Mai Hương. Trong khi, Đã lâu lắm rồi là màn hợp tác trở lại của giọng ca sinh năm 1994 với Vũ Ngọc Bích. Năm 2018, ca khúc từng làm nên Nghĩ về anh và cũng chứng tỏ được sự thấu hiểu trong âm nhạc, cú bắt tay khi đó cũng nhận được phản hồi tích cực.

Văn Mai Hương không còn là cô gái của "18+"

Tự sự và nỗi buồn là từ khóa trong album Hương của Văn Mai Hương. Hầu hết là ca khúc buồn, thậm chí là rất buồn. Nhưng đúng như Hứa Kim Tuyền khẳng định, nỗi buồn ấy không đau đớn. Nỗi buồn ấy mang đến điều tích cực, buồn để khép lại, buồn để bước qua, chứ không phải buồn để bi lụy, bế tắc.

Có thể gọi đó là nỗi buồn của một cô gái trưởng thành. Văn Mai Hương sau 8 năm kể từ 18+ đã không còn là cô gái tươi mới, đa dạng và sôi động với pop, với R&B hay dance. Cô gái ấy giờ đằm hơn, mà lại dịu hơn. Sự trẻ trung được thay bằng từng trải.

Chẳng còn là cô gái tuổi 18 dễ vui dễ buồn, lúc trầm lặng sâu lắng khi lại sôi động tràn đầy sức sống. Cô gái ấy giờ là đã có một thế giới quan tỉnh táo hơn, không cần chứng tỏ mà vẫn giá trị, vẫn có sức hấp dẫn riêng.

Lý trí tạo ra cách hát tỉnh mà lại rất tình. Cách xử lý của Văn Mai Hương vừa cho thấy giọng hát bản năng đẹp sẵn, mà vẫn chứng minh được kỹ thuật bài bản học hành.

Vẫn là kiểu hát nhẹ tênh nhưng chắc chắn, lại vẫn đảm bảo được chất tự sự. Văn Mai Hương cũng vẫn chứng minh được cách hát vừa nương vào nhịp của ca khúc, vừa làm chủ nhịp, lại như sinh ra nhịp, đặc biệt trong ca khúc Đốt.

Thị trường giọng nữ hiện nay, công bằng mà nhận xét, không nhiều người có được chất giọng và cách xử lý đa dạng như Văn Mai Hương. Nỗi buồn của cô qua âm nhạc, do vậy, cũng rất khác.

Văn Mai Hương lần đầu kết hợp với rapper Negav.

Dấu ấn Hứa Kim Tuyền

Hứa Kim Tuyền sáng tác 6 bài trong album phòng thu thứ 3 của Văn Mai Hương. Anh đồng thời cũng đóng vai trò sản xuất âm nhạc. Điều đầu tiên là nam nhạc sĩ cho thấy anh rất hiểu Văn Mai Hương, từ giọng hát, cách xử lý đến cá tính âm nhạc, thậm chí là cảm xúc, câu chuyện riêng của cộng sự.

Cả hai, do vậy, cho thấy rất hòa hợp với nhau trong âm nhạc. Dù album này có lẽ vẫn cần phải có phải có thêm bài, vượt qua con số 8 để trở thành một album concept đầy đủ, rõ nét và cá tính hơn. Ngoài ra cách sắp bài cũng chưa hợp lý, hiện đơn thuần là khớp cơ học theo lượng từ, trong khi với nội dung của các ca khúc, album có thể được sắp xếp hợp lý hơn về mặt câu chuyện.

Dù vậy, so với thị trường, đây vẫn là một album lạ và đáng trân trọng vì đã truyền tải tinh thần của blues, jazz trong bối cảnh thể loại âm nhạc này không thực sự được số đông khán giả Việt ưa chuộng.

Nhưng Hứa Kim Tuyền cũng đã giải bài toán mạo hiểm bằng cách đưa chất liệu của pop vào Hương. Những ca khúc do vậy thuyết phục được dân nghe nhạc khó tính, có thể khiến giới jazz cảm thấy hứng khởi mà vẫn chiều lòng được đại chúng. Blues nhưng khá dễ nghe vì không quá đậm đặc kiểu blues, jazz thuần.

Sau những bản pop, blues, jazz, Hương khép lại bằng ca khúc cùng tên với chất liệu của pop dance pha rap. Negav là một rapper trẻ kết hợp với Văn Mai Hương trong ca khúc này. Bản phối khá bắt tai, flow rap và phần lời rap quyện với nền nhạc của Hứa Kim Tuyền và giọng hát của Văn Mai Hương. Negav bại trận ngay khi xuất hiện ở King of Rap nhưng có thể Hương là một dấu mốc khác của anh.

Quang Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-buon-cua-van-mai-huong-post1178362.html