Nỗi buồn của những đứa trẻ ở làng 'xài' tiền đô

Hàng chục năm nay, nhiều cặp vợ chồng ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) dắt nhau đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đời sống vật chất được cải thiện, thế nhưng hàng trăm đứa trẻ ở ngôi làng được mệnh danh giàu nhất nước chưa bao giờ có một tuổi thơ trọn vẹn bên cha mẹ. Thứ các em luôn ao ước là niềm vui sum họp.

Hầu hết học sinh Cương Gián phải ở với ông bà vì bố mẹ đi xuất khẩu lao động. Ảnh: T.G

Hầu hết học sinh Cương Gián phải ở với ông bà vì bố mẹ đi xuất khẩu lao động. Ảnh: T.G

Giàu lên nhờ xuất khẩu lao động

Hơn 10 năm về trước, Cương Gián là làng quê bãi ngang nghèo nàn. Núp dưới hàng phi lao tít tắp, những ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, người dân chủ yếu làm nghề chài lưới, lo kiếm bữa ăn từng ngày.

Bây giờ, nhắc đến Cương Gián, người ta nghĩ ngay đến những cụm từ mĩ miều như “làng xài tiền đô”, “làng giàu nhất nước”... với dãy nhà lầu mọc lên san sát, đủ màu sắc với kiến trúc hiện đại. Đường nhựa được rải thảm, hai bên đường các ki-ốt liền kề, chợ, xe cộ đi lại tấp nập cảnh người bán kẻ mua.

Theo ông Hoàng Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián, toàn xã có khoảng 14.000 nhân khẩu nhưng có tới 2.500 người đi xuất khẩu lao động. Mỗi nhà bình quân có 2 - 3 người, đặc biệt, có gia đình 9 - 10 người lao động ở nước ngoài. Chỉ tính riêng thị trường Malaysia và Đài Loan, năm ngoái, tiền gửi tín dụng của lao động xuất khẩu gần 35 tỷ đồng. Cương Gián có 15 thôn, thôn nhiều nhất có 303 người đi xuất khẩu lao động, thôn ít nhất 73 người, bình quân mỗi lao động gửi về cho gia đình 30 triệu đồng/tháng.

Khao khát vòng tay yêu thương từ bố mẹ!

Điểm dễ nhận thấy ở Cương Gián là nhiều cặp vợ chồng cùng dắt tay nhau đi lao động. Thế nên, con cái sinh ra được vài tháng, cứng cáp là để lại cho ông bà, chú bác nuôi rồi lên đường xa xứ làm ăn. Thiếu thốn tình cảm, thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ, không ít những đứa trẻ nơi đây phải chịu nhiều thiệt thòi.

Ôm đứa cháu nội chập chững mới biết đi, bà Phan Thị Liên (70 tuổi, xóm Nam Mới, xã Cương Gián) cho biết: “Sau khi cưới nhau và sinh cháu được 6 tháng, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên bố mẹ nó dắt nhau đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, để con lại cho ông bà nội chăm sóc. Ngày rời nước, bố mẹ nó khóc hết nước mắt vì thương con còn quá nhỏ nhưng rồi cũng đành phải gạt nước mắt vào trong, chấp nhận xa con vì cuộc sống mưu sinh.

Biết rằng thương con, thương cháu nhưng nếu không đi xuất khẩu lao động lấy đâu ra tiền nuôi con, bởi dù ở quê nhưng ruộng không có trong khi đi xuất khẩu lao động có thể kiếm được 30 - 40 triệu đồng mỗi tháng. Giờ đây, giây phút sum họp gia đình là lúc ông bà mở điện thoại để bố mẹ con cái nói chuyện với nhau”.

Đáng buồn hơn là hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Xuân ở xóm Cầu Đá, sau khi kết hôn được vài tháng, chồng chị phải đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Sinh con được 4 tháng, chị Xuân cũng lên đường sang Hàn Quốc lao động cùng chồng.

Ngày con trai lên 3 tuổi, chị Xuân cắt phép về nước thăm con nhưng vì xa nhà lúc con còn quá nhỏ nên cháu không nhận ra mẹ, chỉ quấn quýt với ông bà nội. Ở nhà được một thời gian, khi thằng bé cho chị bồng bế và gọi mẹ, chị Xuân lại phải lên máy bay quay lại Hàn Quốc vì thời gian nghỉ phép đã hết.

Để bù đắp tình cảm cho con, những ông bố, bà mẹ xa xứ thường mua sắm rất nhiều thứ cho con mình. Sữa, đồ chơi, quần áo, giày dép đều được mua từ nước ngoài gửi về. Các em được chăm lo đầy đủ về vật chất, duy chỉ có một điều là thiếu đi vòng tay chăm sóc trực tiếp từ người bố, người mẹ của mình.

Thầy Trần Trọng Khiêm - Hiệu trưởng Trường THCS Cương Gián cho biết: Đặc điểm của học sinh Cương Gián là bố mẹ thường đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Trường có hơn 800 học sinh, gần một nửa trong số này phải ở với ông bà, chú bác. Cuộc sống của các em gắn liền với ông bà.

Bọn nhỏ nhiều đứa gọi luôn ông bà là cha mẹ. Chúng gọi đùa mà cũng thật “Mẹ của mẹ ơi, bố của bố ơi”. Họp phụ huynh năm nào cũng vậy, lớp nào cũng thế, chỉ có ông bà đi họp thôi. Như một mặc định, ông bà dường như đang đóng thay vai người cha, người mẹ của các em.

“Có tiền, thương con, nhiều cặp vợ chồng ở nước ngoài gửi điện thoại hoặc gửi tiền về cho ông bà mua sắm điện thoại cho con để tiện bề liên lạc. Thế nhưng do sự quản lý lỏng lẻo của ông bà, các em thường xuyên sử dụng điện thoại để chơi game, lướt mạng thâu đêm, bỏ bê việc học hành”, thầy Khiêm chia sẻ.

Một điều khiến thầy Khiêm trăn trở và lo ngại, tư tưởng của các em học sinh học lấy bằng cấp để thuận lợi cho việc đi du học, xuất khẩu lao động. Rất nhiều em có học lực xuất sắc, nằm trong danh sách thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi huyện nhưng nhà trường phải vận động mãi các em mới chịu tham gia.

Dưới mái trường vẫn là những tiếng cười nói vô tư, hồn nhiên của trẻ thơ. Thế nhưng, ký ức của các em học sinh Cương Gián lại thiếu đi sự yêu thương, vỗ về, chăm lo, dạy bảo của cha mẹ. Hình ảnh của cha mẹ đọng lại trong các em nhiều nhất thông qua những chiếc điện thoại, iPad… với cuộc hội thoại ngắn ngủi sau giờ tan ca.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/noi-buon-cua-nhung-dua-tre-o-lang-xai-tien-do-4043540-b.html