Nổi bật chuyện thu hồi tài sản trong xử án tham nhũng

Theo chủ tịch Quốc hội, án tham nhũng làm rõ đến đâu xét xử đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Ngày 6-1, TAND Tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2020. Đến tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu tại hội nghị, chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các thành tích của ngành tòa án trong năm qua. Đặc biệt, những năm gần đây ngành tòa án chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan sai người vô tội. Tòa án các cấp đưa ra xét xử các vụ án lớn phức tạp, dư luận quan tâm như giết người đặc biệt nghiêm trọng, ma túy, xâm hại tình dục trẻ em... rất kịp thời, nghiêm minh nên được người dân đồng tình ủng hộ.

Điểm sáng trong xét xử án tham nhũng

Nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng và số người được triệu tập lên đến hàng trăm (bị cáo, luật sư, người tham gia tố tụng) như vụ đánh bạc qua mạng ngàn tỉ tại Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương…

Các thẩm phán đã chấp hành nghiêm các quy định luật tố tụng, điều hành một cách khoa học trong suốt quá trình xét xử và tạo điều kiện cho luật sư tiếp cận hồ sơ sớm, thực hiện tốt quyền bào chữa. Đồng thời việc xét xử đã củng cố niềm tin của người dân vào công lý, sự công bằng, nghiêm minh của tòa án các cấp. Tòa án cũng đóng góp vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Theo chủ tịch Quốc hội, chưa bao giờ công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, thu được nhiều kết quả rõ nét như hiện nay. 279 vụ án với 636 bị cáo trong các vụ án tham nhũng được nhiều người quan tâm đã được đưa ra xét xử như vụ MobiFone mua AVG, các vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương…

Chủ tịch Quốc hội khẳng định đối với án tham nhũng làm rõ đến đâu xét xử đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Điều này thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Việc xét xử án này kịp thời, đúng người, đúng pháp luật và rất nhân văn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Điểm sáng trong các phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng vừa qua là đã áp dụng đồng bộ các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình xét xử. Như vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, HĐXX đã cho tạm dừng phiên tòa, tạo mọi điều kiện để bị cáo nộp lại tài sản tham nhũng và ngay trước ngày tuyên án, bị cáo đã nộp đủ 66 tỉ đồng tiền nhận hối lộ. Đây là kinh nghiệm rất tốt cho việc xét xử các vụ án tham nhũng thời gian tới. Cùng với đó, tòa án các cấp qua mỗi vụ án đã chú trọng việc đưa ra các kiến nghị về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý cán bộ, phòng ngừa và phát hiện vi phạm, tội phạm”.

Đáp từ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cám ơn chủ tịch Quốc hội và hứa quyết tâm thực hiện tốt chỉ đạo để hoàn thành tốt các chỉ tiêu nghị quyết Quốc hội đề ra, khắc phục những tồn tại yếu kém. Đồng thời ông Bình cám ơn tất cả cơ quan, ban, ngành phối hợp tốt để ngành tòa án hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị. Ảnh : Đức Minh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị. Ảnh : Đức Minh

Sẽ có nghị quyết về giám đốc thẩm, tái thẩm

Theo TAND Tối cao, các ngành tố tụng đã phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Điển hình như vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phạm tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc...; vụ Phan Văn Anh Vũ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh liên quan đến Công ty cổ phần Dược phẩm VN Pharma. Ngoài ra là các vụ án gian lận thi cử tại kỳ thi THPT năm 2018 xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang...

Giải quyết án đạt tỉ lệ 89,2%

Theo số liệu của TAND Tối cao, năm qua các tòa đã thụ lý 554.269 vụ việc và đã giải quyết được 494.403 (đạt tỉ lệ 89,2%). Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 1,13% (giảm 0,03% so với năm 2018, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra).

Riêng án hình sự, các tòa án đã thụ lý 83.239 vụ với 142.571 bị cáo; đã xét xử được 80.280 vụ (vượt 6,45% chỉ tiêu đề ra). Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Với việc chủ động nắm bắt tình hình, tập trung thực hiện tốt nhiều giải pháp đột phá nên công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc trong năm qua tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình kết luận và chỉ nhấn mạnh một số vấn đề trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của tòa án năm 2020. Cụ thể, chánh án cho rằng lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết đưa ra các chỉ tiêu cho công tác tòa án. Chánh án còn lưu ý các địa phương vấn đề chuẩn bị nhân sự sao cho chuẩn và chất lượng.

Về công tác xét xử với 14 giải pháp đưa ra để nâng cao chất lượng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm và khắc phục các hạn chế, thiếu sót, chánh án cho rằng các địa phương cần chủ động xét xử án tham nhũng kinh tế.

Trong công tác giám đốc thẩm và tái thẩm, ông Bình cho rằng đang có nhiều vấn đề. Một là tỉ lệ giải quyết đơn còn thấp, hai là kháng nghị có vấn đề và ba là xét xử có vấn đề. Tòa án các địa phương không tâm phục khẩu phục, định hướng nay thế này mai thế khác. Vừa qua, TAND Tối cao đã tổ chức bàn về những khuyết tật của việc này và thấy được tòa các cấp đều có vấn đề cần bàn.

Cũng theo Chánh án Bình, sắp tới sẽ có nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tối cao về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó sẽ đề cập cụ thể trường hợp nào kháng nghị, trường hợp nào không, chỉ kháng nghị khi có vấn đề thay đổi bản chất vụ án…

Làm tốt công tác xây dựng và áp dụng pháp luật

Trong năm qua, TAND Tối cao đã hoàn thiện dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án trình Quốc hội theo quy định. Tòa phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội thông qua tám dự án luật, đồng thời tích cực tham gia góp ý kiến đối với 46 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan hữu quan gửi xin ý kiến góp ý.

Trong công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành tám nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Những nghị quyết này đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tòa án và thống nhất nhận thức trong áp dụng pháp luật, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Hiện TAND Tối cao đang nghiên cứu, xây dựng sáu dự thảo nghị quyết về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp, một dự thảo thông tư của chánh án TAND Tối cao. Tòa cũng đang nghiên cứu, phối hợp xây dựng 15 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo.

18 triệu lượt truy cập bản án trên mạng

Theo TAND Tối cao, hiện nay đã có hơn 600 bản án, quyết định của tòa án viện dẫn án lệ. Tòa vận hành có hiệu quả trang tin về án lệ với nhiều nội dung phong phú, thu hút được sự tham gia góp ý, bình luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học với hơn 720.000 lượt truy cập.

Cạnh đó, việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử theo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã được các tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc và đã công bố được gần 500.000 bản án, quyết định; tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là gần 18 triệu lượt với hàng chục ngàn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định. Trung bình mỗi ngày có hơn 35.000 lượt người truy cập, nghiên cứu các bản án, quyết định của các tòa án.

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/noi-bat-chuyen-thu-hoi-tai-san-trong-xu-an-tham-nhung-882242.html