Nơi ấy Truông Bồn- Đồng Lộc

Đường 15A (song hành với QL1A) tuyến giao thông vận tải quan trọng tiếp tế cho chiến trường miền Nam, đi từ Thanh Hóa đi qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, tiếp nối với Đường 9 tại Quảng Trị.

Đường 15A (song hành với QL1A) tuyến giao thông vận tải quan trọng tiếp tế cho chiến trường miền Nam, đi từ Thanh Hóa đi qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, tiếp nối với Đường 9 tại Quảng Trị. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tuyến đường này bị máy bay địch khống chế, đánh phá ác liệt, nhiều bến phà qua sông, cầu, đường bộ... quân địch đã mệnh danh là: "Tọa độ chết", trong đó có Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) và Truông Bồn (Nghệ An). Dựa lưng vào các dãy núi Thiên Nhẫn, Đại Huệ, đoạn từ Truông Bồn đi vào Ngã ba Đồng Lộc cách nhau gần 70km qua 2 dòng sông thơ mộng, huyền thoại dòng Lam, dòng La.

Các nhà báo phỏng vấn thân nhân các nữ TNXP hy sinh tại Truông Bồn.

Các nhà báo phỏng vấn thân nhân các nữ TNXP hy sinh tại Truông Bồn.

Trong chuyến hành trình "Về nguồn tháng Bảy" năm 2019 của Đoàn phóng viên báo chí TƯ và địa phương do Sở TT-TT TP Đà Nẵng tổ chức đưa chúng tôi đến thăm viếng 2 địa danh, Di tich lịch sử Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc và Truông Bồn. Xem phim tư liệu về Ngã ba Đồng Lộc (do Khu Di tích chiếu phục vụ), các nhà báo " 9X" không thể tưởng tượng nổi về sự chịu đựng gian khổ, ác liệt của bom đạn, hy sinh anh dũng của các cô, chú thanh niên xung phong (TNXP) tại trọng điểm này. Tận mắt chứng kiến những cảnh quay, ai nấy đều không cầm nổi nước mắt khi thi thấy các nữ TNXP ở trong hầm chữ A ngập nước ăn những nắm cơm vội vàng với quần áo, tay chân lấm lem bùn đất. Trên khoảng rộng các triền núi chi chít những hố bom, các nữ TNXP tay cuốc, xẻng đào, kéo xe san lấp hố bom vừa bị máy bay địch đánh phá; nữ Anh hùng La Thị Tám, dù bom nổ hất tung người vẫn cố đứng lên chạy đến cắm bằng được những cọc tiêu đánh dấu bom nổ chậm... Đứng bên cạnh hố bom ác liệt chứng nhân của "10 cô gái Đồng Lộc mỏng manh", "10 bông hoa trinh trắng", "10 tượng đài sống mãi với thời gian" đã hy sinh anh dũng, những nhà báo trân trọng đặt lên mộ 10 cô gái những nhành huệ trắng, thắp lên nén hương trầm thầm ước cho linh hồn các cô an giấc ngàn thu nơi suối vàng.

Trời trong xanh, tượng đài "Chiến thắng".

Thắm sắc màu dòng nước sông La

Các cô nằm lại trong bình yên đất mẹ

Rặng thông xanh ru giấc ngủ vĩnh hằng...

Tạm biệt ngã ba Đồng Lộc vào chiều hôm trước, gần trưa hôm sau chúng tôi đến với Khu Di tích lịch sử Truông Bồn dưới nắng hè chói chang. Trong thời gian chờ đợi sự sắp xếp các đoàn vào tham quan khu di tích, các nhà báo nữ Xuân Dương, Ngọc Lũy, Mai Hương, Ngọc Trâm, Nguyễn Vũ, Quốc Huy... cùng các phóng viên quay phim không để thời gian lãng phí. Một xe ca dừng bánh, các phóng viên đến gặp, phỏng vấn được các nhân chứng "thân nhân của 13 liệt sĩ TNXP- Truông Bồn". Một sự gặp gỡ "tình cờ" của một Cty xây dựng Khu Di tích và Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An tổ chức xe đưa đón thân nhân của các liệt sĩ đến thăm viếng Truông Bồn. Trong số đó, ông Nguyễn Đàn (quê Yên Thành, Nghệ An), cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Thị Tâm, cảm động nói: "Được về đây thăm viếng, thắp lên nén hương trầm tưởng niệm, mang theo niềm tự hào với các bác, cô, chú đã hiến dâng tuổi thanh xuân nơi trọng điểm- tuyến đường trên mảnh đất Xứ Nghệ. Những thân nhân của các liệt sĩ cùng đi trong đoàn chắc hẳn cùng chung niềm suy nghĩ là, trách nhiệm truyền lại cho con cháu trong gia đình, dòng họ, nguyện học tập, noi theo tinh thần chiến đấu, sự hy sinh anh dũng của các bậc cha, anh đi trước". Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ TNXP đã hóa thành bất tử:

"Nghìn đêm thức trắng với cung đường.

13 khuôn mặt khói hương một ngày".

Truông Bồn "địa chỉ đỏ" một chứng tích lịch sử, bất tử của 13 liệt sĩ TNXP (11 nữ, 2 nam) còn mang theo một tình yêu đẹp của đôi trai gái yêu nhau hẹn ngày sau nhận quyết định xuất ngũ về lại quê hương sẽ thành vợ thành chồng. Nhưng tình yêu đó đã nằm lại mãi mãi với thời gian với tuyến đường huyền thoại.

Tượng đài bất tử Ngã ba Đồng Lộc.

Cùng đi trong đoàn, được các nhà báo trẻ " 9X" phỏng vấn, muốn ý kiến của cựu chiến binh nhắn gửi đôi lời với thế hệ trẻ, tôi nói: "có nhà báo nước ngoài đã viết: Lịch sử ngày 30-4-1975 là chiến thắng của cả dân tộc nước Việt làm nên từ tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc. Những nam thanh niên tuổi từ 18 tuổi đều xung phong ra mặt trận, ở lại quê nhà còn người già, phụ nữ và trẻ em. Những nhụ nữ đều xung phong đến các trọng điểm, tuyến đường san lấp hố bom và họ đã trở thành lực lượng TNXP kiên cường. Còn những nam thanh niên "con một- diện ưu tiên theo luật định" được miễn giảm nhập ngũ, nhưng họ không ngơi nghỉ mà xung phong vào các "đội cảm tử" rà phá ngư lôi, bom từ trường trên những dòng sông tại quê nhà. Có những người mẹ, chị đã tự nguyện mang cơm, nước đến các trọng điểm phục vụ bộ đội, TNXP...".

Tất cả những điều đó là một minh chứng cụ thể về tình thần đoàn kết của quân và dân Việt Nam. Tại các tuyến đường, trọng điểm không chỉ TNXP mà còn có các lực lượng khác như: bộ đội phòng không, công binh rà phá bom nổ chậm, xe vận tải, thông tin liên lạc, đường ống dẫn dầu. Trong đó, có lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò quan trọng, ngày đêm theo dõi nắm tin, bắt giữ những tên gián điệp, biệt kích nằm vùng nguy hiểm...

Chuyến đi về nơi ấy, Truông Bồn- Đồng Lộc là nguồn tư liệu quý giá để các nhà báo chuyển đến tuổi trẻ những hiểu biết sâu sắc về ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để làm nên chiến thắng của cha, anh đi trước, và tinh thần sẵn sàng của tuổi trẻ khi "Tổ quốc gọi đến tên mình".

NHÂN MÙI

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_221320_noi-ay-truong-bon-dong-loc.aspx