Nỗi ân hận của Toản

Rời nhà hàng khi đã khuya, về tới nhà, chẳng kịp rửa ráy, thay áo quần, Toản đi ngủ. Nửa đêm tỉnh giấc, anh cầm điện thoại kiểm tra và thấy tới sáu cuộc gọi nhỡ của mẹ ở quê nhà. Nghĩ mẹ vẫn gọi giục lấy vợ như mọi khi, Toản tặc lưỡi quay vào ngủ tiếp.

Tuy nhiên, thấy lòng dạ nôn nao, linh tính báo có điều gì đó bất ổn, Toản ngồi dậy, với chiếc điện thoại bấm lại số máy của mẹ và giật mình khi phía đầu máy bên kia là giọng thảng thốt của bà cô ruột:

- Cô Xạ đây, cháu làm gì mà cô gọi mãi không thấy bắt máy?

Rồi không kịp để Toản trả lời, bà cô nói trong lo lắng:

- Hồi tối, mẹ cháu bị đau bụng dữ dội phải đưa đi cấp cứu. Em gái cháu thì đang đi công tác miền nam chưa về ngay được. Cô chẳng biết xoay xở thế nào, may nhờ hàng xóm đưa đến bệnh viện tỉnh. Bác sĩ nói bị đau ruột thừa cấp, phải mổ ngay, giờ đã xong rồi, đang ở phòng hồi sức…!

Dù ngoài trời đang lạnh nhưng Toản vẫn toát mồ hôi khi nghe bà cô nói. Anh gọi xe về quê ngay trong đêm. Tới bệnh viện, mẹ Toản đang nằm thiêm thiếp trên chiếc giường phủ ga trắng toát, gương mặt nhợt nhạt. Đã lâu lắm rồi, Toản chưa về quê thăm mẹ. Hoàn cảnh bà Chiêm éo le, bất hạnh. Chồng mất sớm để lại hai đứa con thơ dại. Bà tảo tần khuya sớm nuôi hai con học hành thành đạt. Toản là con lớn, đã lấy được bằng thạc sĩ và hiện đang làm việc cho một công ty liên doanh với nước ngoài, lương khá cao. Em gái Toản đã học xong đại học và lập gia đình trên thị trấn, thỉnh thoảng mới ghé về thăm mẹ. Công việc nhiều, có khi cả năm Toản chỉ về quê được đôi ba lần dù đường sá đâu có xa cách gì.

Thời kỳ đầu, anh gọi điện thoại về hỏi thăm mẹ hằng ngày, nhưng rồi bây giờ chỉ toàn bà Chiêm gọi cho con. Câu chuyện của bà cũng chỉ chung quanh việc mong Toản sớm lấy vợ để bà có cháu bế bồng. Còn nhớ, hôm Toản nhận quyết định tuyển dụng, bà Chiêm nhắn con về liên hoan. Bà phấn chấn bắt gà làm thịt, đi chợ mua thức ăn làm mâm cơm thịnh soạn. Ngoài mấy mẹ con bà Chiêm, còn có mặt vài người họ hàng thân thích. Cơm nước xong, bà Chiêm lúi húi gói ghém đồ ăn để vào giỏ xe cho con trai. Không may tối đó, trên đường trở về thành phố, Toản bị ngã xe, phải nằm nhà mất cả tuần lễ.

Sau lần ấy, bà Chiêm cứ tự dằn vặt cho rằng lỗi là do mình bảo con về liên hoan, lại chất đồ lỉnh kỉnh lên xe mới xảy ra cơ sự. Từ đó, bà ngại không dám nhắn con về thăm vì sợ đi xe máy lại tai nạn. Đôi lúc, nhớ con, bà muốn gọi điện thoại, song lần nào cũng thấy Toản tỏ ra vội vã, tất bật và có vẻ không thích mẹ giục chuyện cưới vợ. Thậm chí, có lần anh còn giận dỗi nhắc: “Lần sau, có việc thật cần thiết mẹ mới gọi cho con nhé. Con bận lắm! Chưa nghĩ đến chuyện vợ con và cũng không có thời gian nói ba cái chuyện ấy đâu.

Những lần về thăm và điện thoại cho mẹ ở quê nhà cứ thưa dần. Giờ đây, ngồi bên giường bệnh, nhìn mẹ tiều tụy, mái tóc bạc phơ phất, lòng anh ngổn ngang, rối bời và ân hận về sự thiếu quan tâm của mình với mẹ. Toản kéo chăn, đắp lại cho mẹ và nắm lấy bàn tay nhăn nheo, gầy guộc của bà Chiêm, lí nhí nói như tự nhủ với lòng mình: “Mẹ ơi! Từ nay, con sẽ thu xếp công việc để về thăm và gọi điện cho mẹ nhiều hơn!”.

Bà Chiêm nhẹ nhàng mở mắt nhìn Toản và cố gượng nụ cười yếu ớt để con yên lòng.

VĂN PHƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/34963002-noi-an-han-cua-toan.html