Nỗi ám ảnh thiếu nước mùa khô của trò nghèo vùng cao Tủa Chùa

Địa hình núi đá hiểm trở không thể đào được giếng khơi, nước phải dựa vào nguồn tự nhiên chảy từ các khe núi trong khi bể dự trữ lại nhỏ, cứ vào mùa khô, hàng trăm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trung Thu lại đối mặt với cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Nước sinh hoạt thiếu nghiêm trọng vào mùa khô. Nguồn ảnh: BÁo Tài nguyên Môi trường

Nước sinh hoạt thiếu nghiêm trọng vào mùa khô. Nguồn ảnh: BÁo Tài nguyên Môi trường

Cách trung tâm huyện Tủa Chùa (Điện Biên) gần 20km với những con đường đèo dốc quanh co, hiểm trở, bị chia cắt bởi những dãy núi đá, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trung Thu được biết đến là ngôi trường có 100% học sinh dân tộc Mông đang theo học tại xã Trung Thu - 1 trong 2 xã khó khăn nhất của huyện.

Trao đổi với ICTnews, thầy giáo Phạm Văn Lợi, Hiệu trưởng nhà trường cho hay trong những năm qua, nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước cũng như các cấp chính quyền, Phòng GD&ĐT..., đời sống cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên với đặc thù là xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của cả nước, điều kiện của học sinh nơi đây còn nhiều thiếu thốn.

Hiện nay nhà trường có hơn 200 học sinh nhưng chỉ có 12 phòng bán trú, trung bình mỗi phòng bán trú có tới 20 – 22 học sinh rất chật chội, gây khó khăn trong sinh hoạt.

Ngoài việc thiếu phòng bán trú, với đặc thù địa hình núi đá cao, vào mùa khô (nhất là khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán), nước đầu nguồn cạn kiệt khiến cho điều kiện sinh hoạt của thầy và trò nhà trường đặc biệt thiếu thốn.

Bên cạnh đó, dù được nhà nước hỗ trợ gạo cùng số tiền hơn 500.000 đồng/tháng, tuy nhiên cùng với hoàn cảnh gia đình học sinh phần lớn là hộ nghèo, còn nhiều hủ tục lạc hậu, ruộng bậc thang không có nước thường xuyên trong tình trạng nứt nẻ chân chim, thậm chí bỏ hoang, việc đảm bảo chất lượng 3 bữa ăn mỗi ngày cho học sinh bán trú vẫn còn rất khó khăn, thiếu thốn.Địa hình hiểm trở nhiều đá không thể đào được giếng khơi, nước sinh hoạt gần như phải hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tự nhiên chảy từ các khe núi, trong khi bể tích nước dự trữ lại nhỏ, thực tế không thể đáp ứng được nhu cầu thiết yếu như tắm giặt, vệ sinh hàng ngày cho hàng trăm học sinh nhà trường từ nhiều năm nay.

Xã Trung Thu không có chợ, giao thông đi lại khó khăn nên hầu hết nguồn cung thực phẩm, các nhu cầu thiết yếu đều phải mua từ trung tâm huyện cách xa 20km, vào những ngày trời mưa phải đi mất 4-5 tiếng đồng hồ mới ra đến nơi, khiến cho chi phí tăng cao.

“Có những học sinh hoàn cảnh khó khăn suốt mùa đông giá lạnh cũng chỉ khoác lên người 1 chiếc áo. Như năm 2015 – 2016, nhiệt độ đã từng xuống tới -2 độ C, chăn ấm cũng thiếu thốn. Nhà trường rất mong chính quyền các cấp, các đoàn thiện nguyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ để các cháu đỡ vất vả”, thầy giáo Phạm Văn Lợi nói.

Cũng theo chia sẻ của hiệu trưởng Phạm Văn Lợi, trong những năm gần đây, việc sóng điện thoại phủ rộng và trường được kết nối Internet tốc độ cao đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng dạy và học của học sinh, giáo viên.

Với kết nối mạng Internet theo chương trình của Bộ GD&ĐT liên kết cùng Viettel triển khai, giáo viên nhà trường đã được tiếp cận nhiều kênh thông tin đa dạng, thuận tiện hơn trong tra cứu, tìm hiểu phương pháp dạy học mới, các bài giảng qua mạng, soạn bài với công nghệ Microsoft PowerPoint.

“Ngay như với việc gửi báo cáo lên cấp Sở, nếu trước đây phải chuyển qua đường bưu điện rất chậm trễ, thông tin liên lạc qua điện thoại vệ tinh chất lượng không ổn định, thì nay mọi công việc báo cáo cũng như nhận chỉ đạo từ cấp trên qua hệ thống mạng nội bộ, email rất tiện lợi; chất lượng sóng điện thoại của mạng Viettel, MobiFone hay VinaPhone ổn định để trao đổi thông tin liên lạc”, thầy Phạm Văn Lợi cho hay.

Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn góp phần rút ngắn khoảng cách số cho học sinh miền xuôi, khai thác hiệu quả kết nối mạng Internet đã được nhà nước đầu tư trang bị, nhà trường kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, chung sức xây dựng một phòng học vi tính từ 10 - 15 máy để các học sinh nơi vùng cao có thể được tiếp cận với CNTT, thuận tiện hơn trong tìm hiểu kiến thức học tập cũng như các tri thức tự nhiên, xã hội…

ICTnews vận động ủng hộ học trò nghèo vùng cao xã Trung Thu - Tủa Chùa

ICTnews và Đoàn Thanh niên Báo Bưu điện Việt Nam phối hợp vận động các doanh nghiệp trong ngành viễn thông, CNTT, các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ tiền, vật chất để mua quà tặng cho các cháu học sinh tại xã Trung Thu. Dự kiến số lượng quà tặng như sau:

Mỗi học sinh cả 3 cấp 1 áo ấm dầy hai lớp (1.150 áo ấm), 1 đôi dép tổ ong, 1 đôi giày ấm mùa đông. Mỗi học sinh mầm non 1 bộ quần áo dài mùa đông.

Mỗi trường học 1 tivi và 1 bộ thu truyền hình vệ tinh (cho các cháu học sinh bán trú giải trí).

Máy tính PC tặng cho nhà trường để cho học sinh học tập (có thể quyên góp máy đã qua sử dụng)

Thực phẩm cho bếp ăn bán trú: Mì tôm, dầu ăn, bột canh.

Đồ dùng cho học sinh bán trú: Chăn ấm, tất ấm, khăn mặt, chiếu…

ICTnews dự kiến sẽ trực tiếp trao quà cho các cháu học sinh xã Trung Thu vào trung tuần tháng 12/2018.

Hiện nay ICTnews đã nhận được ủng hộ của LG và một nhà hảo tâm ủng hộ mua áo ấm cho chương trình. Rất mong các nhà hảo tâm chung tay cùng ICTnews mang hơi ấm đến cho các cháu học trò nghèo vùng cao.

Nhóm phóng viên

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/thoi-su/noi-am-anh-thieu-nuoc-mua-kho-cua-tro-ngheo-vung-cao-tua-chua-174862.ict