Nỗi ám ảnh mang tên... 'quấy rối' khi đi thực tập

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Tổ chức CSAGA khuyến khích, các bạn trẻ khi đi thực tập, kiến tập rơi vào hoàn cảnh bị quấy rối cần phải mạnh dạn đứng lên, thể hiện thái độ nghiêm khắc đối với người quấy rối mình.

Làm gì khi người quấy rối có "quyền lực"?

Chiều 29-11, hơn 500 sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tham gia tọa đàm “Phòng chống quấy rối tình dục: Nhận diện và ứng phó”. Đây là buổi thứ hai trong tổng số 3 cuộc tọa đàm do Trung tâm nghiên cứu & ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) phối hợp cùng một số đơn vị liên quan tổ chức, với mong muốn tăng cường nhận thức và tiếng nói của thanh niên trong phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời góp phần thúc đẩy xóa bỏ tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân.

Tọa đàm thu hút đông đảo các sinh viên tham gia và chia sẻ những câu chuyện cá nhân.

Tọa đàm thu hút đông đảo các sinh viên tham gia và chia sẻ những câu chuyện cá nhân.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Tổ chức CSAGA cho biết, những nội dung mà Ban tổ chức đã đề cập và nhận được sự bàn luận đa chiều, thẳng thắn trong suốt chuỗi chương trình là tìm hiểu thực trạng, nhận diện các hành vi quấy rối tình dục và tìm ra cách ứng phó khi gặp phải tình huống bị quấy rối tình dục, và quan điểm của nhà trường, doanh nghiệp

Tại buổi tọa đàm ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, được tổ chức trước đó, một nữ sinh Khoa Công tác xã hội K35 đã kể lại câu chuyện khi đi kiến tập năm thứ 3 tại một cơ quan báo chí, đã liên tục bị ép buộc đi ăn uống. Khi nữ sinh từ chối thì bị một "đàn anh" nói sẽ qua tận nhà đón kèm theo lời dặn dò về cuộc gặp quan trọng. Khi nữ sinh này kiên quyết từ chối thì lập tức gặp phải thái độ tức giận. Người đàn ông này nhanh chóng "trở mặt", tuyên bố sẽ không bao giờ giúp đỡ cô trong đợt kiến tập.

Những mối quan tâm, thắc mắc của các bạn trẻ đã được các chuyên gia lần lượt "cởi gỡ".

"Đối tượng quấy rối có thể là bất cứ ai" - Với nhận định này, nam sinh tên Kiên, Khoa Công tác xã hội K35, Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn chưa hết ám ảnh khi kể lại, thời gian đi làm dự án nghiên cứu ở Ninh Bình đã bị một người đàn ông "gạ gẫm" đi... nhà nghỉ. Sau nhiều lần từ chối nhẹ nhàng không thành, Kiên không còn cách nào khác là chống trả lại bằng vũ lực, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án.

Một nam sinh tên Tuấn, Khoa Công tác xã hội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng trải lòng khi nhiều bạn bè mình trong lúc đi thực tập, kiến tập thường gặp áp lực vì bị đồng nghiệp, cấp trên gạ gẫm, quấy rối.

"Vậy chúng em phải làm thế nào để xử lý vấn đề này khi người quấy rối lại là sếp và là người có quyền lực?" - Tuấn đặt câu hỏi với các vị chủ tọa tọa đàm

Chấp nhận quấy rối là thỏa hiệp với cái xấu!

Bà Nguyễn Vân Anh cho biết, điều gây thách thức với các nạn nhân đó là những người có quyền lực hoặc tự cho là có quyền lực cao hơn người bị quấy rối. Tuy nhiên, thái độ của các nạn nhân mới là điều quan trọng nhất.

“Chúng ta muốn thoát thân khỏi bị quấy rối nhưng chúng ta vẫn muốn an toàn để nhận được tấm bằng, tấm chứng chỉ thực tập để nộp về nhà trường. Chấp nhận tổn hại về tinh thần hay thậm chí là thân thể để làm việc với con người như vậy là chúng ta đang bước thụt lùi. Việc chúng ta thỏa hiệp với điều xấu là điều không bao giờ nên làm” - bà Vân Anh phân tích.

Giám đốc Tổ chức CSAGA cũng khuyến khích, các bạn sinh viên khi bị rơi vào hoàn cảnh này cần phải mạnh dạn đứng lên thể hiện thái độ nghiêm khắc của bản thân đối với người quấy rối mình hoặc có thể trình báo lên nhà trường để được giải quyết, sắp xếp đến kiến tập tại một cơ quan, công ty khác.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Tổ chức CSAGA chia sẻ cách nhận diện, ứng phó với quấy rối tình dục với các sinh viên.

Đồng quan điểm với bà Vân Anh, bà Cao Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam cho rằng, bản chất, chu kỳ của hành động quấy rối có thể tăng lên dần theo cấp độ và thời gian, từ lời nói, hành động và sau đó cao nhất đó là cưỡng dâm, lạm dụng tình tục. Chính vì vậy, các bạn sinh viên cũng phải chuẩn bị cho mình kiến thức cơ bản để hiểu được hành vi, bản chất của quấy rối tình dục để có thể lên tiếng tự bảo vệ bản thân.

Cả hai chuyên gia cũng khẳng định, việc các bạn trẻ đứng lên tố cáo kẻ quấy rối mình không nên e dè sự kỳ thị của xã hội mà phải coi đây là hành động đáng tự hào. Ví dụ trường hợp nữ sinh tại khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã lên tiếng tố cáo giảng viên quấy rối mình, sau đó nhiều sinh viên khác trong trường ở hoàn cảnh tương tự cũng đã lên tiếng và kết quả là giảng viên đó đã bị cắt hợp đồng tại trường. Bà Vân Anh cho rằng, đây là một thắng lợi về mặt tâm lý và nữ sinh viên dám đứng lên tố cáo hành vi sai trái kia cũng sẽ được an ủi vì sự thật được đưa ra ánh sáng.

Giám đốc Tổ chức CSAGA cũng cung cấp số điện thoại văn phòng: 02433335599 để các bạn trẻ có thể gọi đến để nhận sự kết nối từ tư vấn viên.

Hoa Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Gioi-tre/920053/noi-am-anh-mang-ten-quay-roi-khi-di-thuc-tap