'Bệnh nhân số 0' ở Mỹ sau 1 năm hồi phục

Đến giờ, luật sư Garbuz vẫn chưa thể quên quãng thời gian trở bệnh Covid-19 nặng, tưởng như sắp chết.

Một năm về trước, Lawrence Garbuz (51 tuổi) không nghĩ từ cơn ho nhẹ lại dần khiến ông cảm thấy như đang chết đuối. Ông là một trong những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở thành phố New York, theo Wall Street Journal.

Ngay lập tức, thống đốc bang Andrew Cuomo gọi Garbuz là “bệnh nhân số 0”, đồng thời thiết lập khu vực cách ly tại thị trấn nơi ông sinh sống nhằm hạn chế sự lây lan.

Gia đình Garbuz luôn kề bên hỗ trợ trong lúc ông hôn mê trong bệnh viện. Tuy nhiên, ông không tránh khỏi những lời chỉ trích, đổ lỗi từ cộng đồng về sự cố gây bùng phát dịch bệnh.

 Vợ chồng ông Lawrence Garbuz và bà Adina Lewis.

Vợ chồng ông Lawrence Garbuz và bà Adina Lewis.

Ông Garbuz là ca nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai được ghi nhận tại New York, nhưng lại là trường hợp đầu tiên trở bệnh nặng. Luật sư 51 tuổi được chẩn đoán vào ngày 2/3/2020. Cả Garbuz và các bác sĩ không biết ông nhiễm bệnh bằng cách nào.

Gia đình ông và bạn bè tại giáo đường Young Israel of New Rochelle đều bị lây. Sau hơn 100 ca bùng phát ở quận Westchester, thống đốc thành lập khu cách ly rộng 7,7 km2 vào 10/3, đồng thời đóng cửa trường học và hạn chế tụ tập đông người. Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ giúp giao và vận chuyển lương thực.

Tuy nhiên, ông Garbuz phản đối việc bị gọi là “ca siêu lây nhiễm”. Ông cho biết một số người New York khác nói rằng họ mắc bệnh trước cả ông nhưng chưa được chẩn đoán là nhiễm virus.

Hiện ông bố 4 con cảm thấy rất biết ơn khi vẫn còn sống. Ông trân trọng hơn những niềm vui giản đơn trong đời như gia đình, cộng đồng Do Thái chính thống của ông, thậm chí cả vẻ đẹp của cái cây gần nhà mà Garbuz chưa từng để ý trước khi ngã bệnh.

Ông Garbuz cầm bức ảnh chụp 4 đứa con, nói rắng chúng mang lại cho ông sức mạnh và động lực chữa bệnh.

Ông Garbuz và vợ là Adina Lewis sống cùng đứa út 15 tuổi. 3 đứa còn lại, từ 19-23 tuổi, sống rải rác ở thành phố New York và London (Anh).

Vợ chồng ông vẫn cùng nhau điều hành Lewis and Garbuz - một công ty luật ở Manhattan chuyên xử lý các quỹ tín thác và bất động sản. Họ làm việc tại nhà và tham gia các sự kiện qua Zoom.

Luật sư âu yếm gọi vợ mình là “siêu anh hùng”. Còn Lewis gọi năm vừa rồi là “siêu thực”. Bà phải cố gắng giữ thái độ bình tĩnh và tích cực trong gia đình suốt thời gian qua.

Bất ngờ ngã bệnh

Vào tuần cuối cùng của tháng 2/2020, ông bố 4 con cảm thấy như bị cảm lạnh. Ông vẫn dự đám tang ở nhà thờ Do Thái cũng như tạt qua quán bar, nhưng chỉ ở lại một thời gian ngắn và hạn chế tiếp xúc mọi người.

Cơn ho nhẹ của ông sớm trở nên tồi tệ hơn. Ngày 27/2, bác sĩ đưa Garbuz đến một bệnh viện địa phương. Chỉ sau vài ngày, Garbuz đuối sức nhanh chóng, thậm chí không thể nói thành lời. Ông viết một bức thư cho bác sĩ để hỏi: “Tôi sắp chết à?”

Bác sĩ cho biết ông ấy sẽ không chết. Nhưng đội ngũ y tế khi ấy không biết điều gì đã xảy ra với bệnh nhân 51 tuổi này.

Khi nghe tin, người thân trong gia đình lập tức có mặt. Mẹ của Lewis, một bác sĩ, nhìn vào phim chụp X-quang của Garbuz trong sự thảng thốt và tuyên bố rằng con rể cần được chăm sóc tốt hơn.

Ông được đặt máy thở trong tình trạng hôn mê do y tế và chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Y tế Irving thuộc ĐH Columbia. Người nhà không được phép đến thăm nữa.

Ông Garbuz biết trân trọng niềm vui giản đơn hơn sau khi hồi phục, ví như vẻ đẹp của cái cây trước nhà.

Tối 2/3, các bác sĩ nói với Lewis rằng chồng bà mắc Covid-19. Bà ngạc nhiên vô cùng, vì thời điểm đó, virus này dường như còn là mối đe dọa xa vời ở đầu bên kia thế giới.

Hai đứa con của cặp vợ chồng này cũng “chạy đua” từ nước ngoài về New York khi nhận tin bố bị hôn mê, nhập viện mà không rõ lý do.

Khi hai bạn trẻ hạ cánh ở sân bay New York, Lewis gọi điện cho họ. Bà cẩn thận dặn dò chúng không được phản ứng lại những gì bà sắp nói, kẻo những người xung quanh sinh dị nghị.

“Bố các con được chẩn đoán nhiễm virus corona rồi”, Lewis khẽ khàng nói qua điện thoại.

Kẻ tấn công, người giúp đỡ

Thế nhưng, tin tức về ông Garbuz sớm bùng nổ ngay ngày 3/3. Cánh báo chí, truyền thông tập trung đầy ở khu dân cư.

Bà Lewis che kín cửa sổ, đồng thời nhắc nhở các con tránh xa Internet, truyền hình và mạng xã hội. Bà luôn nhắc nhở cả nhà rằng hãy có niềm tin, “bởi bố các con là một chiến binh”.

Hàng xóm xung quanh nấu bữa tối và đưa đến nhà họ trong suốt nhiều tuần. Ít nhất 800 nhóm cầu nguyện Do Thái chính thống trên khắp thế giới cầu nguyện cho gia đình Garbuz và Lewis, từ cả những nơi xa xôi như Australia.

Một lớp học ở trường THCS công lập địa phương gửi họ một xấp thiệp chúc sức khỏe hình trái tim được làm thủ công. Một người lạ mặt thậm chí đề nghị cung cấp nơi ẩn náu cho 5 mẹ con Lewis.

Gia đình Garbuz và Lewis nhận được những thiệp chúc sức khỏe từ các học sinh địa phương.

Hầu hết nhân viên y tế đều rất nhiệt tình và quan tâm, Lewis kể lại. Nhưng cũng có một y tá đã nói với con cái của bà rằng bố chúng là nguyên nhân gây ra dịch bệnh và sự thiếu hụt nhân viên.

Bà Lewis và 2 trong số 4 người con bị nhiễm virus nên phải ở nhà. 2 đứa còn lại được Bộ Y tế bang cho phép đến bệnh viện thăm bố trong trường hợp ông Garbuz tỉnh lại.

Sau gần 2 tuần điều trị bằng máy thở, luật sư Garbuz tỉnh dậy vào ngày 13/3. Bà Lewis giúp chồng nắm bắt những sự việc xảy ra suốt thời gian qua bằng cuộc gọi video. Bà cũng ngăn ông tra cứu tên mình trên Google.

“Tôi thức dậy và thấy có đại dịch. Sự sợ hãi ánh lên trong mắt mọi người”, ông kể lại.

Cuộc sống sau khi hồi phục

Ở tuổi 51, Garbuz tư vấn cho các bệnh nhân Covid-19 qua điện thoại, trong khi bà Lewis an ủi những vợ/chồng tuyệt vọng khi mất đi người thân yêu do đại dịch.

Tính đến ngày 1/3, Covid-19 đã giết chết hơn nửa triệu người Mỹ, trong đó có 38.557 người New York, theo Wall Street Journal.

“Sẽ thật tuyệt khi bạn có thể ngồi và lắng nghe với ai đó trò chuyện. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch này khi lắng nghe nhiều hơn là nói”, Garbuz nói trong một cuộc phỏng vấn.

Garbuz đồng ý cho phép một số nhà nghiên cứu muốn theo dõi dữ liệu y tế của ông theo thời gian, với hy vọng tìm hiểu thêm về tác động của Covid-19 đối với phổi, tim và hệ thần kinh.

Một nghiên cứu dài hạn được điều hành bởi Matthew Baldwin, bác sĩ của Garbuz, thuộc Trung tâm Y tế Irving, ĐH Columbia. Nó nhằm mục đích xác định xem Covid-19 có dẫn đến tổn thương phổi hoặc các triệu chứng khác được báo cáo ở những người sống sót không.

Ông Garbuz vẫn được một số người nhận ra.

Thay vì đến giáo đường Do Thái nhộn nhịp vào các ngày thứ bảy, gia đình ông chỉ dự các buổi lễ tôn giáo nhỏ trên bãi cỏ nhà hàng xóm và thực hiện giãn cách xã hội.

Họ từng thích chuẩn bị bữa trưa cho khoảng 20 người sau khi hành lễ, nhưng suốt năm qua, gia đình không thực hiện điều đó nữa. Họ đeo khẩu trang thường xuyên, còn Garbuz mới đi tiêm vaccine Covid-19.

Ngày 7/3 tới, cặp vợ chồng này sẽ nhận được giải thưởng “gây ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng” từ Ohel Children’s Home and Family Services - một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp sự trợ giúp cho người khuyết tật, chăm sóc và tư vấn.

Lý do bởi Garbuz và Lewis đã hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp cho tổ chức trong nhiều năm.

Hai vợ chồng coi ngày Garbuz tỉnh dậy từ cơn hôn mê là một “ngày kỷ niệm” thứ hai, bên cạnh kỷ niệm đám cưới.

Dù chuyện đã được một năm, thỉnh thoảng họ vẫn bị người khác nhận ra. “Và chúng tôi thường đùa với nhau về 15 phút nổi tiếng ấy”, bà Lewis nói.

Hồng Chang

Ảnh: Gabriela Bhaskar

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/benh-nhan-so-0-o-my-sau-1-nam-hoi-phuc-post1189462.html