Nỗi ám ảnh chiều cao của cha mẹ Trung Quốc

Thanh niên Trung Quốc đang được ghi nhận là nhóm có chiều cao phát triển nhanh nhất thế giới. Đây là kết quả của nhiều năm nỗ lực, phần lớn đến từ cha mẹ các em.

Đầu năm nay, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền câu chuyện về cặp vợ chồng khuyến khích cậu con trai 12 tuổi nhảy 1.000 cái mỗi ngày. Với chiều cao 1,43 m, cậu bé tương đối thấp hơn so với các bạn cùng tuổi, theo EBC News.

Hai người tin rằng hoạt động này có thể giúp con mình cao lớn hơn, dù chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào về mối quan hệ giữa việc nhảy lên xuống và chiều cao, theo China Daily.

Vì được bố mẹ thưởng tiền mỗi lần hoàn thành việc nhảy, 10 nhân dân tệ (1,5 USD)/1.000 cái, cậu bé 12 tuổi thậm chí còn “vượt chỉ tiêu”, có ngày nhảy tới 3.000 cái.

Trong vòng 1 năm, cậu bé kiếm được tới 4.000 nhân dân tệ (580 USD) từ bố mẹ nhờ việc nhảy ở nhà. Tuy nhiên, chiều cao của cậu bé không mấy cải thiện, thậm chí có xu hướng tăng cân vì hay ăn vặt ở ngoài do có nhiều tiền tiêu.

“Chúng tôi sử dụng phương pháp này với hy vọng con trai sẽ cao lớn hơn, nhưng rồi thằng bé vẫn là đứa lùn nhất lớp”, ông bố chia sẻ.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp thể hiện khát khao “cao lớn” của nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc đối với con mình. Bằng mọi cách có thể, không ít người nỗ lực để con mình “càng cao càng tốt”.

Cao bằng mọi giá

Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng có một mối liên hệ nhỏ giữa chiều cao và thành công trong sự nghiệp của một người. Cứ cao thêm một inch (2,54 cm), thu nhập hàng năm của một người sẽ tăng thêm 800 USD, theo Sohu.

Năm 2009, trong cuộc cải cách y tế toàn diện, hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc từng phát động chiến dịch quốc gia kêu gọi toàn dân uống sữa. Các trường học cũng khuyến khích học sinh uống nhiều sữa hơn để bổ sung đủ canxi, hỗ trợ phát triển chiều cao.

 Vi Tiểu Vũ, học sinh lớp 7 ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) được Guinness ghi nhận là "Nam thiếu niên cao nhất thế giới" với chiều cao 2,21 m. Ảnh: Weibo.

Vi Tiểu Vũ, học sinh lớp 7 ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) được Guinness ghi nhận là "Nam thiếu niên cao nhất thế giới" với chiều cao 2,21 m. Ảnh: Weibo.

Vì vậy, ngay từ khi mang thai, nhiều bà mẹ Trung Quốc đã lên kế hoạch tập trung phát triển chiều cao cho con mình, từ dinh dưỡng, môi trường sống đến tập luyện thể thao.

Thậm chí, nhiều phụ huynh còn buộc con mình đeo đai giữ thẳng lưng để không khom người xuống trong lúc ngồi học ở trường. Các loại thuốc giúp tăng chiều cao, từ Đông tới Tây y, đều trở thành mặt hàng bán chạy.

Năm 2019, Bloomberg đưa tin Changchun High & New Technology Industry (Group) Inc. - công ty sản xuất vắc xin và các sản phẩm dùng để điều trị chứng thiếu hormone tăng trưởng - đã tăng 77% giá cổ phiếu, vượt xa mức tăng 29% trong chỉ số chuẩn theo dõi các cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và dược phẩm lớn được niêm yết trên các sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến.

Ngoài hỗ trợ trong công việc, cơ hội thăng tiến, chiều cao cũng được cho là một trong những yếu tố quan trọng “chấm điểm” vẻ ngoài của một người, đặc biệt ở nam giới.

Một chàng trai cao lớn được cho sẽ mặc đồ đẹp hơn, thu hút và đáng tin cậy hơn, từ đó cũng dễ dàng hơn trong việc tìm bạn đời, nhất là ở quốc gia mất cân bằng giới tính như Trung Quốc.

Thành quả

Với mức sống ngày càng được cải thiện, dễ dàng nhận thấy chiều cao của thế hệ 9X, 10X Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với cha mẹ mình thuộc thế hệ 7X, 8X.

Nhiều nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng thanh thiếu niên Trung Quốc đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể về chiều cao trong 35 năm qua.

Năm 1985, chiều cao trung bình của nữ giới 19 tuổi là 1,58 m và của nam giới ở cùng độ tuổi là 1,67 m. Năm 2019, các con số tương ứng lần lượt là 1,65 m và 1,77 m.

Thanh thiếu niên Trung Quốc đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể về chiều cao. Ảnh minh họa: Weibo.

Trong 30 năm qua, tốc độ tăng chiều cao trung bình của nam giới Trung Quốc đứng đầu trong hơn 200 quốc gia và khu vực trên thế giới, với mức tăng gần 9 cm; tốc độ tăng chiều cao của nữ giới đứng thứ 3 trên thế giới, theo The Lancet.

Điều đáng nói là số liệu này đã ngang ngửa hoặc thậm chí vượt qua một số quốc gia như Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Cần kế hoạch hợp lý

Con trai của Xiaowan khi còn học cấp 1 luôn là đứa trẻ cao nhất lớp. Không ngờ sau khi vào cấp 2, trong lớp cậu bé lại có một bạn nữ cao tới 1,78 m, cao hơn cậu 2 cm.

Cậu con trai còn nói với Xiaowan trong lớp có 7, 8 bạn học nam cao trên 1,75 m, lớp bên cạnh còn có người cao trên 1,8 m.

Điều này khiến Xiaowan cảm thấy khó tin, cho rằng nguyên nhân là nhờ di truyền.

Chế độ dinh dưỡng, thể dục tác động lớn đến chiều cao. Ảnh: Weibo.

Tuy nhiên trong một buổi họp phụ huynh, cô phát hiện bố mẹ một học sinh cao lớn cũng chỉ có chiều cao trung bình.

“Tôi đã tưởng con trai mình cao so với tuổi rồi, hóa ra còn nhiều người khác cao hơn. Tôi còn phải cố gắng nhiều để con cao hơn nữa”, bà mẹ nói với Sohu.

Không thể phủ nhận rằng di truyền là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến chiều cao. Theo nhiều nghiên cứu, 70% chiều cao của con người là do di truyền quyết định.

Tuy nhiên, việc tập luyện, môi trường sống và đặc biệt là chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò không nhỏ trong chiều cao của trẻ.

Theo Sohu, ăn uống không phải cứ bổ dưỡng là được mà phải đa dạng các loại thực phẩm, chú trọng bổ sung protein và canxi.

Bên cạnh đó, sự phát triển của trẻ phụ thuộc nhiều vào hormone tăng trưởng, được tiết ra phần lớn vào ban đêm khi ngủ. Vì vậy, cha mẹ phải cho con ngủ trước 22h để đảm bảo hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất có thể.

Tập thể dục cũng rất quan trọng đối với chiều cao của trẻ. Nếu trẻ dưới 5 tuổi có thể kích thích trẻ phát triển chiều cao thông qua các môn thể thao như chơi bóng, chạy bộ. Trẻ trên 5 tuổi có thể tiếp xúc với bóng rổ, nhảy dây, nhảy xa và các môn thể thao khác.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-am-anh-chieu-cao-cua-cha-me-trung-quoc-post1154785.html