Nỗi ám ảnh 'cháy túi'

Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh… 'cháy túi' sau khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ LHQ sẽ không còn tiền trả lương cho nhân viên trong tháng 11 tới. Ngân sách LHQ đang bị thâm hụt khoảng 230 triệu USD, các nguồn vốn đã dần cạn kiệt và có nguy cơ hết sạch ngay từ cuối tháng 10 này. LHQ cũng có nguy cơ không thể chi trả cho các dịch vụ và hàng hóa mà các cơ quan của tổ chức sử dụng…

Đây không phải lần đầu tiên LHQ rơi vào cảnh túng quẫn như vậy. Mới năm ngoái, tổ chức này cũng đã phải trải qua cuộc khủng hoảng ngân sách được cho là tồi tệ chưa từng có khi cũng phải đối mặt với nguy cơ “thủng túi”. Tình hình tài chính trở nên khó khăn khi ngày càng có nhiều quốc gia thành viên LHQ chây ỳ trong việc đóng góp nghĩa vụ tài chính, nhất là Mỹ. Mỹ là nước đóng góp ngân sách hàng đầu cho LHQ, chiếm 22% tổng ngân sách thường niên, nhưng cũng luôn nằm trong danh sách các quốc gia nợ nần. Theo ước tính, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nợ LHQ 1 tỷ USD, trong đó 381 triệu USD là nợ cũ và 674 triệu USD nợ trong năm nay.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: TTXVN

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: TTXVN

Một phần do đặc điểm tháng 10 mới là bắt đầu năm tài chính của Mỹ nhưng chủ yếu là do Mỹ đang muốn dùng áp lực tài chính để buộc LHQ phải thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng” cũng như cải tổ để hoạt động hiệu quả hơn. Còn nếu xét về quy mô nền kinh tế, Mỹ không phải là quốc gia không thể trả các khoản nợ trách nhiệm này. Bởi Syria là nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề cũng đã thực hiện xong nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình với LHQ trong năm nay.

Với Mỹ, nhất là từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, Washington ngày càng cho thấy muốn quay lưng lại với các định chế và cơ chế hợp tác đa phương, nhằm tập trung cho mục tiêu “nước Mỹ trên hết”. LHQ trở thành mục tiêu công kích của Washington. Thậm chí nước này còn rút khỏi một số cơ quan của tổ chức này như Hội đồng Nhân quyền, UNESCO… và nhiều lần đe dọa sẽ từ bỏ LHQ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đã ủng hộ chủ trương cắt giảm chi phí tại LHQ. Thông điệp rõ ràng được Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley truyền đi, đó là Mỹ không thể tiếp tục “để sự hào phóng của người dân Mỹ bị lợi dụng hoặc không được kiểm soát thêm nữa” cùng những chê trách về tính hiệu quả và sự chi tiêu quá mức của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.

Khoản nợ khổng lồ của Mỹ chiếm gần hết khoản nợ tổng cộng 1,3 tỷ USD mà các nước đang nợ LHQ. Trong khi đó, nhu cầu trang trải của LHQ cũng ngày càng lớn cho các hoạt động nhằm đối phó với những vấn đề toàn cầu ngày càng phức tạp và đòi hỏi những khoản kinh phí bao nhiêu cũng như muối bỏ bể.

Ngoài kêu gọi các nước khẩn trương thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính, LHQ cũng đã áp dụng một số biện pháp cắt giảm chi phí nhằm tránh nguy cơ phá sản hay gián đoạn hoạt động, như hoãn, hủy các hội nghị và cuộc họp không cần thiết, không thực sự cấp bách, cắt giảm dịch vụ, bớt tuyển nhân sự, chỉ cho phép nhân viên đi công tác khi cần thiết, tiết kiệm năng lượng… Tuy nhiên, theo như lời người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric, các biện pháp hiện nay “không còn đủ sức nữa”.

Có thể thấy rằng vấn đề khủng hoảng ngân sách của LHQ không chỉ dừng ở năm nay. Vấn đề thâm hụt ngân sách dường như đang ngày càng sâu và kéo dài hơn khuôn khổ tài chính của mỗi năm. Người đứng đầu LHQ từng phải đưa ra cảnh báo rằng, LHQ sẽ phải đối mặt với hậu quả lâu dài và nghiêm trọng nếu không hành động ngay.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, vấn đề chính của khủng hoảng ngân sách tại LHQ là thiếu đi những cải tổ quan trọng. Bởi 193 quốc gia là 193 cách sắp xếp tài chính khác nhau-yếu tố quyết định cách họ đóng góp và điều này gây khó khăn cho hoạt động của LHQ. Hiện các đóng góp hằng năm của thành viên được tính toán dựa trên tổng thu nhập quốc dân, gánh nặng nợ công và thu nhập trên đầu người.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều nguy cơ và thách thức, một tổ chức đa phương có thể coi là chỗ dựa lớn nhất như LHQ lại đang “đau đầu” vì chuyện tiền nong, quả là điều đáng lo ngại. Cải tổ để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí và hoạt động hiệu quả hơn là kế hoạch được LHQ ưu tiên. Để đạt được kết quả cần có sự chung tay góp sức của tất cả các quốc gia thành viên. Thay vì theo đuổi những mục tiêu riêng, tất cả các quốc gia thành viên, nhất là những nước “đầu tàu” cần phải bỏ qua những bất đồng và hành động một cách trách nhiệm hơn để xây dựng LHQ trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả và đi đầu trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/noi-am-anh-chay-tui-593368