Nobel Hòa Bình: Những lần trao giải gây tranh cãi nhất

Giải Nobel Hòa Bình 2018 vừa xướng tên hai nhà hoạt động vì những nỗ lực nhằm chấm dứt nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh, bác sỹ Denis Mukwege và nhà hoạt động nhân quyền Nadia Murad. Đây là lần thứ 99 giải thưởng lâu đời và cao quý này được công bố. Tuy nhiên, không phải lúc nào Ủy ban Nobel Na Uy cũng được đồng thuận khi công bố giải thưởng này.

Giải thưởng cao quý song hành cùng tranh cãi

Mặc dù có ý nghĩa rất lớn, Nobel Hòa bình cũng là giải thưởng gây nhiều tranh cãi nhất trong mỗi mùa giải. Thông thường, người giành chiến thắng hiếm khi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Đôi khi, hành động sau khi đoạt giải của họ lại không phù hợp với những gì họ từng được tôn vinh.

Trong số những chủ nhân Nobel Hòa bình ít bị phản đối nhất bao gồm Tổng thống Mỹ thứ 39 Jimmy Carter, cố Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, cố nhà văn người Mỹ Elie Wiesel hay Đức mẹ Theresa. Hầu hết những trường hợp còn lại đều ít hay nhiều vấp phải các ý kiến trái chiều.

Các giải Nobel Hòa bình thường gây tranh cãi bởi các lý do: giải thưởng mang tính chất chính trị; sự thiên vị, không khách quan và thậm chí mang tính chất can thiệp nội bộ quốc gia; người được trao giải là các nhà lãnh đạo, chính khách, các nguyên thủ quốc gia, những người luôn có cả sự ủng hộ lẫn phản đối.

Cơ sở của thang đánh giá trong quá trình xét duyệt đặt ra mối nghi ngại về sự thiên vị của giải thưởng này. Ủy ban Nobel Na Uy đã chấm giải như thế nào trong khi bối cảnh chính trị thế giới mỗi năm mỗi thay đổi và cán cân quyền lực trên bàn cờ chính trường thế giới cũng không ổn định? Liệu một ủy ban gồm vài thành viên ở một nước Tây Âu có đủ khả năng đánh giá một người nào đó - trên phạm vi toàn thế giới - có nỗ lực đáng kể nhất cho hòa bình nhân loại? Đây là những câu hỏi vẫn còn đang được bỏ lửng. Điều đó cũng tạo nên những tranh cãi mỗi kỳ công bố giải thưởng này.

Những trường hợp gây tranh cãi

Nobel Hòa bình chấm cho Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt năm 1906, do cố gắng trong vai trò trung gian đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến Nga - Nhật năm 1905. Tuy nhiên, hồi chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898, Roosevelt từng chỉ huy một trung đoàn kị binh Mỹ đóng tại Cuba và sau này, khi trở thành Tổng thống thứ 26 của Mỹ (1901-1909), ông đã bộc lộ tham vọng dùng sức mạnh quân sự để kiểm soát khu vực Caribê.

Nhiều tờ báo Mỹ từng viết rằng, việc trao Nobel Hòa bình cho Theodore Roosevelt là hành động kỳ lạ và khó hiểu. Tờ New York Times nói: "Một nụ cười rạng rỡ đã hiện trên khuôn mặt (Tổng thống Roosevelt) khi giải thưởng được trao cho một công dân hiếu chiến nhất nước Mỹ".

Tổng thống Theodore Roosevelt

Tổng thống Theodore Roosevelt

Năm 1994, nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin cùng Ngoại trưởng Shimon Peres, đã trở thành đồng chủ nhân của giải Nobel Hòa bình. Quyết định này đã dẫn tới việc một thành viên của Ủy ban Nobel là Kare Kristiansen xin từ chức.

Từ trái qua phải, Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat, Ngoại trưởng Israel Shimon Peres và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin tại lễ trao giải Nobel Hòa bình.

Việc cựu Tổng thống Barack Obama giành Nobel Hòa bình 2009 – chính là năm ông nhậm chức, khiến nhiều người tranh luận. Các ý kiến phản đối cho rằng, đây là một hành động thiếu sáng suốt bởi vì ngay trong thời kỳ đầu nhiệm kỳ thứ nhất, chính quyền “non trẻ” của ông Obama không có nhiều cơ hội để “củng cố ngoại giao và hợp tác quốc tế giữa các dân tộc”. Phe ủng hộ giải thưởng cho rằng ông Obama xứng đáng và sẽ cổ vũ ông trên con đường hành động vì một thế giới phi hạt nhân.

Tổng thống Barack Obama giành Nobel Hòa bình 2009

Ủy ban trao giải Nobel ngày 08-10-2010 đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho một công dân Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba. Điều đáng nói, hồi tháng 12-2009, ông Lưu (54 tuổi) đã bị tòa án Bắc Kinh kết án 11 năm tù giam vì tội âm mưu lật đổ chính phủ Trung Quốc và bị giam tại trại giam Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh. Bắc Kinh cho rằng bất cứ quốc gia nào đến dự lễ trao giải Nobel tại Oslo vào ngày 10-12-2010 sẽ bị coi là thiếu tôn trọng Trung Quốc. Ít nhất 18 quốc gia đã tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa bình năm 2010.

Chắc chắn, những cái tên gây bất ngờ nhất trong danh sách đề cử phải là hai “ông trùm” phát-xít Adolf Hitler và Benito Mussolini – mặc dù cả hai người đều không giành giải. Đề cử dành cho Hitler được Nghị sỹ người Thụy Điển Erik Gottfrid Christian Brandt đưa ra. Sau khi Nobel Hòa bình 1935 được trao cho nhà văn Carl von Ossietzky, Hitler đã vô cùng giận dữ và ra lệnh cấm tất cả người Đức không được nhận giải trong thời gian mình cầm quyền. Trong khi đó, Mussolini cũng từng hai lần lọt vào danh sách đề cử vì nhiều lý do khác nhau.

Một trong những thiếu sót lớn nhất của các nhà xét chọn giải thưởng Nobel Hòa bình chính là sự vắng mặt của anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi. Được công nhận là một biểu tượng của đấu tranh bất bạo động trong lịch sử thế giới và từng được đều cử 5 lần, nhưng ông Gandhi lại chưa từng trở thành chủ nhân của bất kỳ giải Nobel Hòa bình nào.

Bích Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nobel-hoa-binh-nhung-lan-trao-giai-gay-tranh-cai-nhat/785505.antd