Nợ xấu của nhà băng tiếp tục tăng

Số dư nợ xấu tuyệt đối tại phần lớn các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng, trong khi tiến trình xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Điều này tạo sức ép rất lớn đối với các nhà băng trong việc xử lý nợ xấu.Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%, cao hơn nhiều so với mức 1,89% vào cuối năm 2018. Trong khi đó, báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2019 của không ít ngân hàng ghi nhận nợ xấu tiếp tục tăng khá mạnh, cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối.

Biến động nợ xấu của một số ngân hàng thương mại.

Biến động nợ xấu của một số ngân hàng thương mại.

Nợ cũ chưa dứt đã lo nợ mới

Điển hình trong số các ngân hàng nói trên có thể kể đến Vietcombank, nợ xấu của ngân hàng này đã tăng 1.402 tỷ đồng so với cuối năm 2018 lên 7.625 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 tăng gần 100 tỷ đồng lên 4.860 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng tăng từ mức 0,98% lên 1,08%.

Một ngân hàng khác cũng ghi nhận nợ xấu tăng khá mạnh cả về giá trị tuyệt đối lẫn tương đối là Techcombank. Tại thời điểm cuối tháng 9, số dư nợ xấu của ngân hàng này là 3.704 tỷ đồng, tăng 901 tỷ đồng só với cuối năm 2018; tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,75% lên 1,80%...

Tại một số ngân hàng khác, mặc dù tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ, song số dư nợ xấu tuyệt đối vẫn tăng. Chẳng hạn tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đã giảm từ mức 1,58% tại thời điểm cuối năm 2018 về còn 1,56% vào cuối tháng 9, thế nhưng số dư nợ xấu tuyệt đối vẫn tăng 375 tỷ đồng lên 14.066 tỷ đồng. Hay như VPBank, dù tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì ở mức 3,5%, song số dư tuyệt đối đã tăng thêm 1.135 tỷ đồng lên 8.901 tỷ đồng.

Điều đó cho thấy, nợ xấu vẫn có xu hướng tăng. Đáng quan ngại hơn là rủi ro nợ xấu tiềm ẩn là rất lớn, trong đó đáng quan ngại là rủi ro nợ xấu từ các dự án BOT, BT giao thông. Theo báo cáo của NHNN, hiện nay có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, hiện nợ xấu cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển.

Cần sớm có thị trường mua bán nợ

Trong bối cảnh nợ xấu vẫn đang phát sinh hàng ngày và rủi ro nợ xấu tiềm ẩn lớn, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần nhanh chóng thành lập thị trường mua bán nợ để giúp tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn và triệt để hơn.

Mặc dù cho rằng, hoạt động mua bán nợ bình thường và cả nợ xấu đã có từ lâu, nhưng TS. Cấn văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần sớm hình thành chính thức thị trường mua bán nợ, sau đó là thị trường mua bán nợ thứ cấp để tạo nên tính thanh khoản, luân chuyển các khoản nợ, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu theo giá thị trường tốt hơn.

Muốn hình thành thị trường mua bán nợ phải cần tối thiểu 3 điều kiện sau: hàng hóa; chủ thể tham gia thị trường hay nói nôm na là người mua – kẻ bán, và cuối cùng là quy chế hoạt động, cơ chế giám sát...

Trên thực tế, người bán nợ xấu khá nhiều, đó chính là các TCTD. Tuy nhiên người mua nợ lại khá èo uột.
Hiện mới chỉ có VAMC, DATC, AMC của các TCTD và một số tổ chức, cá nhân khác tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu. Hơn nữa, năng lực tài chính của các chủ thể tham gia thị trường này còn yếu so với khối lượng nợ xấu cần xử lý trên thị trường, ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ.

Thế nhưng, điều mà thị trường mua bán nợ đang thiếu nhất hiện nay chính là hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ xấu vẫn chưa được hoàn thiện. Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp, và hình thành, phát triển, quản lý thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có động thái nào về vấn đề này.

Nếu không sớm hình thành thị trường mua bán nợ, thì số vốn mà các TCTD chôn vùi vào nợ xấu sẽ ngày càng nhiều, ảnh hưởng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp, cũng như việc giảm lãi suất cho vay.

Hà Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/no-xau-cua-nha-bang-tiep-tuc-tang-160554.html