Nợ xấu có cơ hội hết xấu

Với 86,35% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong bối cảnh nợ xấu đang gây nên những hệ lụy tiêu cực không chỉ đối với sức khỏe của hệ thống ngân hàng, mà cả tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo đánh giá của Chính phủ, mức độ an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng còn thấp so với các nước trong khu vực.

Về cơ bản, hệ số an toàn vốn (CAR) của các tổ chức tín dụng đang cao hơn mức tối thiểu 8% được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và 9% được quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Tuy nhiên, nếu áp dụng việc tính vốn theo thông lệ quốc tế (Basel II, Basel III) thì tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng sẽ thấp hơn. Nhiều ngân hàng sẽ không đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ CAR tối thiểu theo quy định.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc vào quy mô vốn đầu tư, trong đó chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng.

Đánh giá của Chính phủ cho thấy, gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế đặt lên hệ thống tổ chức tín dụng ngày càng lớn. Điều này thể hiện qua tỷ lệ tín dụng so với GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2015 (năm 2012: 95,2%; năm 2013: 97%; năm 2014: 100%; năm 2015: 111,1%). Đây là mức cao so với các nước.

Sự lệ thuộc rất lớn về vốn của nền kinh tế vào hệ thống tổ chức tín dụng khiến cho các tổ chức này dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất lợi của nền kinh tế. Đồng thời, nền kinh tế chịu những tác động không tích cực khi hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với các rủi ro đổ vỡ.

Với nhiều giải pháp được các đại biểu Quốc hội đề xuất, giới chuyên gia nhìn nhận là sẽ tạo đột phá trong xử lý nợ xấu, Nghị quyết đã định rõ các nguyên tắc nhằm giải tỏa nhiều điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu hiện tại.

Cụ thể là bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng; mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai…

Các khoản nợ xấu được phép áp dụng các cơ chế mới tại Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, để xử lý là nợ xấu được xác định hình thành trước ngày 15/8/2017.

Phát biểu tại lễ bế mạc Kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh để giải quyết nợ xấu.

Với thời gian thực hiện là 5 năm kể từ ngày 15/8/2017, Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, vừa được Quốc hội bấm nút thông qua được nhìn nhận sẽ là gói giải pháp chính sách mở đường trong việc làm tan dần “cục máu đông” nợ xấu, qua đó cải thiện “sức khỏe” và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Người quan sát

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/no-xau-co-co-hoi-het-xau-191872.html