Nợ và nghĩa vụ trả nợ gốc hiện ra sao?

Tham gia giải trình cuối phiên thảo luận chiều nay (29/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thông báo khá chi tiết bức tranh thu - chi ngân sách Nhà nước; tình hình vay, nợ và trả nợ gốc đến các đại biểu Quốc hội…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh VOV)

Giải trình về áp lực trả nợ như quan ngại của các đại biểu (ĐB) Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, giai đoạn 2012 - 2014, trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, để có nguồn lực ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã phải huy động một lượng lớn trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 - 5 năm. Điều này dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc chủ yếu diễn ra vào thời điểm hiện nay. Cạnh đó, các khoản vay ODA trước đây hết thời gian ân hạn về trả nợ gốc, cùng với việc phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh đối với nguồn vốn vay khác nên áp lực trả nợ gốc gia tăng.

Áp lực trả nợ là vậy, song theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nếu so với vài năm trước, áp lực huy động cho ngân sách Nhà nước, gồm vay cho bù đắp bội chi và trả nợ gốc (vay đảo nợ) đã giảm mạnh. Ví dụ, năm 2018 tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 363.000 tỷ đồng, giảm 26.000 tỷ đồng so với năm 2016 và 84.000 tỷ đồng so với 2015.

Về băn khoăn tỷ lệ nợ nước ngoài đã sát trần 50% GDP mà một số ĐB nêu ra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Theo quy định Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia gồm nợ nước ngoài Chính phủ, các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp. Vì nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp chiếm một nửa tổng vay nợ quốc gia và tăng nhanh… đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới tăng nợ nước ngoài quốc gia so với GDP.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Dũng phân tích, năm 2017 riêng nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng 42%. Trong đó, khoản vay của ThaiBev mua lại 51% cổ phần Nhà nước ở Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có giá trị 4,8 tỷ USD, nhưng pháp nhân là doanh nghiệp Việt Nam, nên ngoài vốn chủ sở hữu họ phải đi vay để huy động đủ tiền mua. Khoản nợ này được tính vào nợ quốc gia song thực chất là khoản tự vay, tự trả của doanh nghiệp, Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả. Mặc dù vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng

Giải trình về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Dũng cho biết, tốc độ tăng đã giảm một nửa so với thời điểm trước, Chính phủ bố trí trả nợ đầy đủ. Từ năm 2015 trở về trước, GDP bình quân tăng 6% nhưng nợ công tăng gấp 3 lần, mức 18%.Với nguyên tắc bổ sung kế hoạch vốn ngoài nước trên cơ sở giảm kế hoạch nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các mục tiêu bội chi, nợ công đến năm 2020 sẽ không bị tác động. Tuy vậy, gánh nặng nợ, bội chi và nợ công có thể phát sinh sau năm 2020, nếu yêu cầu giải ngân đối với các dự án này dồn vào giai đoạn sau.

L.Hà- Thu Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/no-va-nghia-vu-tra-no-goc-hien-ra-sao-82062.html