Nở rộ tình trạng mạo danh nhân viên y tế bán thực phẩm chức năng

Liên tục trên mạng xã hội hay một số website, tên tuổi của không ít nhân viên y tế, giáo sư, bác sĩ, thậm chí cả thương hiệu bệnh viện lớn đã bị một số cơ sở, cá nhân giả mạo với mục đích quảng cáo, chào bán các sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng, chữa bệnh.

Tình trạng mạo danh các cơ sở y tế lớn để quảng cáo thực phẩm chức năng đang diễn ra tràn lan (Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Tình trạng mạo danh các cơ sở y tế lớn để quảng cáo thực phẩm chức năng đang diễn ra tràn lan (Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

1001 kiểu mạo danh

Mới đây Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phản ánh về tình trạng, thời gian gần đây, trên mạng xã hội đăng nhiều thông tin về việc bệnh viện có bán, kiểm nghiệm thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp. Trong khi đó, bệnh viện không sản xuất, kiểm nghiệm các loại thuốc này. Không những vậy, có phòng khám, cơ sở khám, chữa bệnh còn mang danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để quảng cáo thu hút bệnh nhân.

Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã nhận được phản ánh về việc một số đoàn khám bệnh mạo danh bệnh viện để đi tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng; đồng thời, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám, chữa bệnh ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai và một số tỉnh, thành phố khác.

Một cơ sở uy tín khác là Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã phải lên tiếng vì một số trang web sử dụng logo của Viện và hình ảnh bác sỹ của Viện để tư vấn và bán thực phẩm chức năng cho trẻ em. Bác sỹ Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định, những trang web với hình ảnh và quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng đều không phải của Trung tâm. Hơn nữa Trung tâm cũng không có chủ trương quảng cáo bán hàng bằng nhắn tin hay điện thoại để lôi kéo, mời chào bệnh nhân.

Không chỉ thương hiệu bệnh viện mà ngay cả các y, bác sỹ cũng bị “mạo danh”. Bác sỹ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, vừa qua hình ảnh và tên tuổi ông bị một số cơ sở thẩm mỹ mạo danh dưới hình thức hợp tác. Cụ thể, một trang Facebook quảng cáo về một cơ sở thẩm mỹ có trụ sở tại Hải Phòng, cơ sở này đã mời bác sỹ Trần Thiết Sơn về phẫu thuật. Trong khi thực tế bác sỹ Trần Thiết Sơn không hợp tác với thẩm mỹ viện nào như vậy. Không chỉ Facebook mà có những website còn lợi dụng hình ảnh và danh tiếng của ông để quảng cáo, tư vấn về bệnh nam khoa.

Nạn nhân khác là bác sỹ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương. Vị bác sỹ này bỗng nhiên nổi tiếng trên mạng xã hội khi hình ảnh bác sỹ cười tươi được quảng cáo cho một sản phẩm chống bạc tóc.

Trên trang Facebook cá nhân, bác sỹ Vũ Thái Hà khẳng định, ngoài những thông tin từ các trang web và facebook của cơ quan nhà nước và báo đài chính thức, tôi không quảng cáo hay đứng tên bảo trợ cho bất kỳ một sản phẩm nào. Các bạn hãy hết sức thận trọng, và có thể hỏi các bác sỹ chuyên khoa về tác dụng thực sự trước khi sử dụng.

Cũng là người thường xuyên bị mạo danh trên Facebook, bác sỹ Nguyễn Thị Nhã, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội bức xúc phản ánh, nhiều cơ sở ngang nhiên sử dụng hình ảnh, tên tuổi của bà để quảng cáo, có lúc họ khoác cho bác sỹ Nhã danh hiệu bác sỹ đông y, lúc lại là bác sỹ sản khoa, rồi bán cả thuốc chữa rụng tóc... “Điều này ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân tôi và uy tín của bệnh viện. Nguy hại hơn, có những người dân cả tin nghe theo những lời quảng cáo đó, khiến họ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang”, bác sỹ Nhã lo ngại.

Nguy hiểm hơn, theo cảnh báo của các cơ quan quản lý nhà nước, hiện có tình trạng giả danh bác sỹ, dược sỹ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng thực phẩm chức năng đang khá phổ biến. Một số trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện trực tiếp đến khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Thuốc nào để trị?

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng là hành vi bị nghiêm cấm.

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt rất nhiều cơ sở, cá nhân sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, có những đơn vị vi phạm quảng cáo đã bị xử phạt với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng…

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khẳng định cơ quan này đã làm việc với Facebook Việt Nam để siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội này. Về phía người tiêu dùng, ông Phong khuyến cáo, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định.

“Với những sản phẩm đang có dấu hiệu vi phạm, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông báo, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu.

Thông tin về việc thanh, kiểm tra xử lý sai phạm thuộc lĩnh vực quản lý, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, các bác sỹ không được phép bán, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sỹ để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.

“Để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ, hay bệnh viện điều trị, kê đơn, bán thuốc… gây thiệt hại không đáng có”, ông Nguyễn Văn Nhiên lưu ý.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/no-ro-tinh-trang-mao-danh-nhan-vien-y-te-ban-thuc-pham-chuc-nang-111657-111657.html