Nở rộ quảng cáo tầm soát ung thư sớm: Bác sĩ Bệnh viện K chỉ ra 3 tác hại

Hiện nay các gói tầm soát ung thư ở Việt Nam đang nở rộ như nấm sau mưa, người dân đổ xô đi xét nghiệm ung thư, nhiều cơ sở y tế quảng cáo thái quá. Infonet triển khai tuyến bài về Tầm soát ung thư sớm, phỏng vấn các chuyên gia y tế nhằm cung cấp thêm thông tin đa chiều về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

TS BS Phùng Thị Huyền – Trưởng khoa Nội 6, Bệnh viện K trung ương cho biết chính người thân, bạn bè của chị cũng nhiều lần hoang mang vì xét nghiệm máu có chỉ số báo ung thư tăng cao. PV Infonet có cuộc trò chuyện cùng TS.BS. Phùng Minh Huyền xung quanh vấn đề này.

PV: - Xin chào bác sĩ, gần đây có nhiều thông tin của chính các bác sĩ cho rằng hiện nay các gói tầm soát ung thư ở Việt Nam đang nở rộ như nấm sau mưa, người dân đổ xô đi xét nghiệm ung thư còn các bệnh viện, phòng khám ung thư cũng đẩy mạnh các gói tầm soát ung thư, quảng cáo thái quá. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?

TS. BS. Phùng Thị Huyền: Câu chuyện các gói sàng lọc ung thư đang như trăm hoa đua nở là thực tế. Cá nhân tôi hàng ngày gặp nhiều trường hợp gọi điện, xin tư vấn về các kết quả đã khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư ở đâu đó mang lại. Cái tôi nhận được chỉ là xét nghiệm máu, không có khám gì và hầu như nhiều người trong đó có cả bạn bè, người thân của tôi cũng đi làm xét nghiệm và tôi phải nói rằng chỉ với xét nghiệm đó không có giá trị chẩn đoán ung thư.

Các gói sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư hiện nay đang bị quảng cáo quá mức. Người dân cũng cần tỉnh táo không nên quá sợ ung thư rồi ồ ạt đi tầm soát mà không có ý kiến của các bác sỹ chuyên khoa.

PV: Xin bác sĩ cho biết vai trò của tầm soát ung thư như thế nào? Tầm soát ung thư và chẩn đoán sớm ung thư cần được hiểu thế nào cho đúng?

TS BS Phùng Thị Huyền:Tầm soát ung thư có thể hiểu bao gồm cả sàng lọc (screening) và phát hiện sớm ung thư (early detection). Hiện nay vai trò của sàng lọc phát hiện sớm ung thư rất quan trọng, bệnh nhân được chẩn đoán càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao.

Sàng lọc là khám và làm các xét nghiệm cần thiết trên người chưa có dấu hiệu lâm sàng. Ví dụ bệnh ung thư vú sàng lọc từ lúc chưa sờ thấy u vú, ung thư cổ tử cung sàng lọc khi chưa có dấu hiệu lâm sàng bất thường tại cổ tử cung. Việc khám sàng lọc có thể thực hiện riêng hoặc kết hợp trong các chương trình khám sức khỏe định kỳ.

TS Phùng Thị Huyền - Bệnh viện K trung ương.

Nếu qua sàng lọc phát hiện ra bệnh thì thường ở giai đoạn sớm, khả năng chữa khỏi rất cao. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo khi đi mua các gói sàng lọc ung thư vì không phải bệnh nào cũng có chỉ định sàng lọc.

Về phát hiện sớm, có thể hiểu ở một số bệnh ung thư có dấu hiệu sớm như ung thư vòm có dấu hiệu chảy máu mũi, ngạt tắc mũi một bên. Ung thư vú có thể tự sờ thấy u hoặc chảy dịch, máu đầu vú, ung thư cổ tử cung có dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường, ung thư đại trực tràng có thể đại tiện ra máu, ung thư hắc tố có nốt ruồi biến đổi màu sắc, chảy máu … Tất cả các dấu hiệu đó có thể cảnh báo nguy cơ mắc ung thư và người dân nên đi khám sớm khi có những dấu hiệu bất thường này, không nên tự ý điều trị như uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc, đắp lá, dán cao …

PV: - Lạm dụng các gói tầm soát ung thư chỉ dựa vào xét nghiệm, một số người cao cấp hơn chụp PET/CT… Vì sao điều đó là không cần thiết?

TS. BS. Phùng Thị Huyền: Có những quảng cáo làm xét nghiệm máu 1 lần phát hiện ra các loại ung thư, người dân sợ ung thư quá nên đã đồng ý làm rất nhiều xét nghiệm với chi phí không phải ít. Thực tế không có xét nghiệm máu nào có khả năng chẩn đoán “hàng loạt” ung thư như vậy, và phải khẳng định chỉ riêng xét nghiệm máu không đủ để chẩn đoán ung thư. Trong một số bệnh, kết hợp khám lâm sàng, xét nghiệm máu và các xét nghiệm đặc hiệu khác cho từng bệnh mới đủ để hướng tới chẩn đoán ung thư còn để khẳng định chắc chắn ung thư thì trong phần lớn các trường hợp phải sinh thiết tổn thương u.

Nếu lạm dụng các gói xét nghiệm, một số nguy cơ hiện hữu có thể xảy ra.

Thứ nhất: Đó là ảnh hưởng tới tâm lý. Nhiều người đi xét nghiệm thấy một chỉ số nào đó tăng, về tra mạng và nhanh chóng tìm ra các kết quả chỉ số này tăng nguy cơ ung thư gì. Ví dụ chỉ số CEA tăng cảnh báo ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư vú… Người bệnh luôn sống trong trạng thái lo sợ mình bị ung thư.

Thứ hai: Lạm dụng tầm soát có thể mang lại kết quả dương tính giả từ chính các xét nghiệm không cần thiết đó. Với các kết quả dương tính giả này bệnh nhân sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán xem mình có “thực sự” bị ung thư không dẫn đến tốn kém và thậm chí có thể gây ra những can thiệp quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thứ 3: Khi sử dụng các test sàng lọc không phù hợp, có thể dẫn đến kết quả âm tính giả, tức là người bệnh có thể đang mắc ung thư nhưng xét nghiệm trả lời không có nguy cơ mắc ung thư. Ví dụ có người đi khám bác sỹ khẳng định ung thư vú nhưng xét nghiệm chỉ số CA 15.3 không tăng nên không tin mình bị ung thư, từ chối điều trị và khi quay lại thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Chúng ta cũng hy vọng trong tương lai có thể sử dụng một số xét nghiệm máu để sàng lọc ung thư, đó là xét nghiệm tương đối thuận tiện còn tại thời điểm này xin khẳng định chỉ mình xét nghiệm máu không đủ giá trị để sàng lọc ung thư.

Phương Thúy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/no-ro-quang-cao-tam-soat-ung-thu-som-bac-si-benh-vien-k-chi-ra-3-tac-hai-post302204.info