Nở rộ mô hình công ty cho vay trực tuyến

Mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P) tuy chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm qua nhưng đến nay đã có gần chục doanh nghiệp hoạt động cho vay theo mô hình này và một số công ty P2P ở Việt Nam đã được các đối tác ngoại rót vốn đầu tư.

Lượng đơn vay mới của Tima đã lên tới hơn 2.000 đơn mỗi ngày.

Thêm một kênh tiếp cận vốn mới

Xuất hiện lần đầu ở Anh, P2P (Peer-to-Peer Lending) là hệ thống kết nối đầu tư ngang hàng trực tuyến, đóng vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư có vốn với các cá nhân cần vốn nhưng không tiếp cận được với ngân hàng.

Mô hình P2P cũng bao gồm hình thức cho vay đảm bảo (thể chấp) và không đảm bảo (tín chấp) giống với hình thức các ngân hàng đang áp dụng hiện nay. Chỉ khác là việc thẩm định sẽ được tiến hành trực tuyến và nhà đầu tư có quyền lựa chọn đối tác cần vay trên nền tảng P2P, cũng như theo dõi nguồn lợi nhuận từ người được cho vay.

Thông qua công nghệ BigData thực hiện vai trò mã hóa, lưu và kiểm soát tất cả thông tin khách hàng, cho vay P2P có tính bảo mật khá cao, việc thẩm định thông tin khách hàng cũng nhanh và rẻ hơn hình thức truyền thống. Lãi suất được tính dựa trên cơ sở phân tích thông tin tài khoản tín dụng, tài khoản mạng xã hội… và khách hàng sẽ được chia thành các dạng tương ứng giống như của ngân hàng truyền thống.

Tại Việt Nam, với lượng người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức khá cao (khoảng 79% theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới) thì đây được coi như là mảnh đất “màu mỡ” cho lĩnh vực cho vay P2P phát triển.

Theo nhận định của nhiều người trong ngành ngân hàng, P2P tuy chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm qua nhưng đến nay đã có gần chục doanh nghiệp cho vay theo mô hình này ra đời. Một số công ty P2P ở Việt Nam đã được các đối tác ngoại rót vốn đầu tư.

Trong các công ty hoạt động dưới hình thức P2P tại Việt Nam, Tima là một đại diện xuất hiện sớm nhất khi tham gia thị trường tài chính công nghệ từ năm 2015, với vai trò là nhà cung cấp P2P đầu tiên tại Việt Nam với số vốn đầu tư ban đầu 150 tỷ đồng, và từ tháng 6/2016 bắt đầu triển khai dịch vụ tư vấn và kết nối tài chính, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính này. Cuối tháng 12/2017, sàn kết nối tài chính Tima chính thức được ra mắt.

Theo đại diện Tima, tại thời điểm ra mắt chính thức vào tháng 12/2017, lượng đơn vay mới của Tima ở mức 1.000 đơn/ngày. Tại thời điểm hiện tại, lượng đơn vay mới đã lên tới hơn 2.000 đơn mỗi ngày. Tima đặt mục tiêu sẽ tăng số lượng này lên 10.000 đơn/ngày, đồng thời thí điểm mô hình cửa hàng Online to Offline trên 63 tỉnh thành. Hiện, sàn kết nối này mới chỉ thực hiện vai trò trung gian kết nối bên vay và bên cho vay, chưa thực hiện giao dịch cho vay qua sàn.

Số liệu cập nhật mới nhất từ Tima cho hay, Tima đã kết nối cho vay thành công được hơn 30.000 tỷ đồng với gần 1,5 triệu khách hàng.

Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Tima, ông Nguyễn Văn Thực cho biết, vốn mới sẽ được sử dụng cho công nghệ và phát triển kinh doanh. Dù không tiết lộ thông tin cụ thể, nhưng ông Thực nói Tima sẽ sớm tạo mối quan hệ đối tác chiến lược với một ngân hàng hàng đầu trong nước. Theo ông Thực, tính từ thời điểm của vòng gọi vốn A cuối năm 2016 từ một quỹ đầu tư Singapore, đến nay, doanh thu của Tima đã tăng gần 10 lần.

Tương tự, Vaymuon.vn, sản phẩm của Công ty Cổ phần Vay Mượn vừa được ra mắt đầu tháng 12/2017, là sàn giao dịch vay tiêu dùng tín chấp không gặp mặt đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình tương tự Uber trong lĩnh vực tài chính cá nhân.

Theo như lời giới thiệu trên website Vaymuon.vn, sàn giao dịch này không phải ngân hàng cũng không phải công ty tài chính. Được biết, thông qua sàn giao dịch này, các cá nhân có nhu cầu vay nhanh các khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn có thể đăng ký qua mạng internet. Khoản vay sẽ được xét duyệt và giải ngân trong khoảng thời gian là 4 giờ làm việc với lần vay đầu và 30 phút với các lần vay sau. Người vay tiền không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ và không bị yêu cầu gặp mặt trực tiếp.

Vaymuon.vn công bố chỉ cho vay từ 1 - 10 triệu đồng trong thời gian từ 7 - 45 ngày. Lãi suất hiện nay áp dụng 1,5%/tháng trả cho nhà đầu tư, tương đương 18%/năm. Đồng thời người vay còn trả thêm khoản phí 2.500 đồng/1 triệu đồng/ngày. Lãi suất và phí này có thể thay đổi theo từng thời điểm và sẽ được thông báo trước khi áp dụng.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trong 10 năm qua, mô hình P2P đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới với gần 4.000 doanh nghiệp. Theo thống kê, năm 2012, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P trên toàn cầu đạt khoảng 1,2 tỷ USD, năm 2015 con số này lên tới 64 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, dự đoán đến năm 2025, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P toàn thế giới sẽ đạt hơn 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, mô hình này tuy đang phát triển mạnh mẽ ở các nước phát triển, nhưng nhiều ý kiến e ngại rằng khi vào đến Việt Nam, cho vay P2P sẽ có nhiều biến tướng gây thiệt hại cho người tham gia.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO, hiện nay chưa có quy định nào về mô hình hoạt động như trên. Ông nhận định, các công ty này không phải là tổ chức tín dụng để chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng bản chất hình thức hoạt động của các công ty này có nơi là huy động và cho vay, có nơi là môi giới về tiền tệ thì lại chịu sự quản lý của NHNN. Ở một số nước, hình thức này không cấm nên nhiều công ty nở rộ làm. Với tốc độ phát triển về công nghệ hiện nay khá nhanh, những mô hình ứng dụng công nghệ hoạt động như kiểu Uber, Grab... sẽ ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cảnh báo: “Mô hình này nếu không có quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, cung tiền cho nền kinh tế khi nguồn tiền nhàn rỗi bị hút vào. Đặc biệt, cần cảnh báo đối với những người cho vay tham gia hình thức này sẽ gặp phải nhiều rủi ro”.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, các doanh nghiệp làm trung gian kết nối chỉ cần đăng ký kinh doanh theo luật Doanh nghiệp, không giữ tiền, không tham gia quá trình giải ngân thì không vi phạm quy định về lĩnh vực cho vay tài chính. Hoạt động này mang lại lợi ích khi tạo kết nối cho hai bên có nhu cầu gặp nhau. Tuy nhiên, trách nhiệm và rủi ro của nhà đầu tư sẽ rất lớn. Ngược lại, rủi ro cho người vay cũng có nếu như dịch vụ tăng lãi suất bất ngờ, thay đổi các điều kiện cho vay và thanh toán...”.

TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM thì nhận định, lãi suất của một số công ty cho vay dưới hình thức P2P hiện nay có thể cạnh tranh với lãi suất ngân hàng, khách hàng nào rủi ro cao mới cộng thêm lãi suất.

Tuy nhiên, pháp lý của các công ty này vẫn chưa được xác định, các công ty cho vay P2P hiện nay hoạt động dưới hình thức tư vấn tài chính là chủ yếu. Nếu hoạt động tư vấn tài chính và chưa được NHNN cấp phép hoạt động huy động vốn và cho vay, các công ty này không được phép huy động và cho vay rộng rãi như các ngân hàng. “Đặt trường hợp các công ty này là doanh nghiệp bình thường, không chịu sự điều chỉnh của NHNN, thực hiện tư vấn huy động vốn và cho vay dưới góc độ quan hệ dân sự, được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng không đúng, vì hoạt động vay vốn của người dân và các công ty này không bình thường”, ông nói.

Bảo Duy

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/no-ro-mo-hinh-cong-ty-cho-vay-truc-tuyen-20180504224208557.htm