Nở rộ gameshow, talkshow về thế giới LGBT nhạy cảm

Ngày càng nhiều những gameshow, talkshow khai thác đối tượng trong cộng đồng LGBT xuất hiện trên truyền hình, Youtube.

Talkshow “Just love” có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng thuộc cộng đồng LGBT như: Hương Giang Idol, Đào Bá Lộc, Hoài Sa...

Talkshow “Just love” có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng thuộc cộng đồng LGBT như: Hương Giang Idol, Đào Bá Lộc, Hoài Sa...

Ngập tràn chương trình về LGBT

Những năm trở lại đây, cộng đồng LGBT (cộng đồng những người đồng tính luyến ái nam, nữ, song tính luyến ái và chuyển giới) ngày càng được xã hội đón nhận một cách cởi mở hơn. Có nhiều hơn những bộ phim, MV ca nhạc khai thác và truyền tải hình ảnh về cộng đồng này. Và hiện tại, các nhà sản xuất chương trình truyền hình cũng không nằm ngoài guồng xoay ấy.

"Rất mong trước khi lấy LGBT làm đề tài sáng tạo, các nghệ sĩ sẽ suy nghĩ thật thấu đáo. Chúng ta đã đủ kiến thức về vấn đề này chưa, thực sự hiểu đúng về cộng đồng LGBT chưa? Hơn cả, chúng ta có thực sự muốn giải trí bằng cách chế nhạo hay làm tổn thương người khác hay không?"

Bà Hoàng Hường
Phó viện trưởng Viện iSEE

Một số talkshow bắt đầu xuất hiện trên Youtube và được phát định kỳ. Come out: Bước ra ánh sáng đã được thực hiện đến tập 8. Chương trình dưới sự dẫn dắt của ca sĩ Lâm Chi Khanh và hotboy Tuân Lê, sẽ trò chuyện với những nhân vật chủ yếu thuộc cộng đồng LGBT, về những câu chuyện đặc biệt mà họ trải qua như các câu chuyện đẹp hoặc buồn về tình cảm, quá trình đấu tranh nội tâm và thuyết phục cha mẹ làm sao để chấp nhận con mình là người đồng tính. Trong khi đó, Just love lại là talkshow mà ở đó những người thuộc cộng đồng LGBT cùng chia sẻ quan điểm với các bậc phụ huynh, hoặc những người thân hay các chuyên gia tâm lý xoay xung quanh các chủ đề về sự kỳ thị, áp lực của gia đình và chính những người đồng tính… Mỗi tập của Just love sẽ là một chủ đề xoay quanh cuộc sống của cộng đồng LGBT.

Người ấy là ai? là gameshow hẹn hò phát sóng trên kênh HTV2, cũng gây chú ý khi có sự xuất hiện của những người thuộc giới tính thứ 3. Đây là gameshow có format được mua bản quyền từ Thái Lan, trong đó nhân vật nữ chính độc thân sẽ đến để tìm người hẹn hò dưới sự hỗ trợ của ban cố vấn và bình luận. 5 chàng trai là đối tượng hẹn hò sẽ thuộc 3 nhóm: Đã có chủ, độc thân và giới tính thứ 3. Cô gái và Ban bình luận cần phải phân tích để tìm ra chàng trai nào thuộc nhóm nào.

Ngoài các chương trình trên, Lô tô: Gánh hát ngàn hoa cũng là gameshow chuẩn bị ra mắt. The Tiffany’s Vietnam - cuộc thi tìm kiếm ứng viên tham gia Hoa hậu chuyển giới quốc tế là cũng đang ráo riết tuyển sinh. Được biết, đây là chương trình tâm huyết của Hương Giang Idol khi đang ở cương vị Hoa hậu chuyển giới quốc tế và sẽ được thực hiện dưới dạng chương trình truyền hình thực tế.

Cần nhà sản xuất có tâm

Theo bà Hoàng Hường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), cộng đồng LGBT cũng giống như người dân tộc thiểu số hay một nhóm những cộng đồng nhỏ khác được đánh giá là khác biệt so với cộng đồng nói chung. Do đó, không khó hiểu khi họ được lấy làm chất liệu cho các chương trình giải trí. Hơn nữa, đề tài LGBT đã không còn xa lạ với nghệ thuật khi trong những năm gần đây, thế giới đã giới thiệu nhiều phim về đề tài này. Bà Hường phân tích, điều này thể hiện rằng người LGBT được quan tâm, được coi là một phần trong đời sống và xã hội hiện nay khá cởi mở về cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, cách nhìn nhận về người LGBT của một bộ phận trong cộng đồng vẫn có phần sai lệch, không thiện chí, thậm chí mang tính chất kỳ thị, phân biệt đối xử. Trong đó có cả những người làm công việc sáng tạo, giải trí.

Rõ ràng, đưa hình ảnh người đồng tính lên gameshow giải trí là bài toán bởi thực tế với phim ảnh, đã có không ít bộ phim từng bị chỉ trích vì “bóp méo” hình ảnh của người đồng tính để gây cười. Với gameshow cần tính giải trí cao, điều này rất dễ xảy ra nếu không thực hiện khéo léo.

Đại diện D.I.D Media - nhà sản xuất gameshow Người ấy là ai? khẳng định, đây là chương trình ý nghĩa vì kết hợp được yếu tố giải trí và giá trị nhân văn. Hình ảnh người chơi trong chương trình đều văn minh, hiện đại và quyền được mưu cầu hạnh phúc là như nhau. “Quan sát phản hồi của người xem, chúng tôi nhận thấy ngoài khán giả trẻ, đang có nhiều phụ huynh quan tâm đến chương trình. Có thể họ tìm đến để được thấy sự mưu cầu hạnh phúc của mọi người, dù họ là ai và thuộc giới tính nào. Từ đó, họ có thêm kinh nghiệm góp ý, lắng nghe và hướng con cái mình đến điều tốt đẹp”, vị đại diện này nói.

Trong khi đó, từng tham gia Just love và sắp tới là The Tiffany’s Vietnam, Hoài Sa - Hoa hậu chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam cho rằng, các chương trình giải trí lúc nào cũng cần những cái mới. Cô sẽ luôn ủng hộ những chương trình được sản xuất và định hướng thực hiện theo hướng tích cực, nghiêm túc; cho khán giả thấy chương trình tập trung vào văn hóa giải trí và nghệ thuật chứ không khai thác theo cách phản cảm để “câu” khách. Theo Hoài Sa, những chương trình thế này có thể giúp phổ biến hơn những kiến thức về cộng đồng LGBT, giúp mọi người hiểu rõ hình ảnh của cộng đồng này để không bị bỡ ngỡ và nhìn theo hướng tiêu cực như trước đây.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/no-ro-gameshow-talkshow-ve-the-gioi-lgbt-nhay-cam-d278950.html